Du lịch

Lạp xường, món ăn làm từ thịt heo quanh năm không ngán

Món ăn từ lạp xường được ưa chuộng nhất là nướng và rán. Tuy nhiên, theo các bậc cao niên, truyền thống của người Thái vẫn là nướng. Bạn Đào Thọ giới thiệu một món ăn vẻ như không quá khó để làm, không khó để bảo quản và đơn giản để chế biến.

Bà con người Thái làm lạp xường - Ảnh: ĐÀO THỌ

Lạp xường là một món ăn truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái ở Nghệ An. Cũng như các món thịt giàng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, lạp xường được ưa chuộng không chỉ bởi vị thơm ngon mà còn bởi nó là một món ăn truyền thống độc đáo.

Hiện nay, lạp xường không còn bị bó hẹp trong cộng đồng người Thái, mà đã trở thành một loại hàng hóa được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Nguyên liệu để làm nên món ăn này chính là thịt lợn, bao gồm cả phần nạc và phần mỡ được băm nhỏ và trộn và các loại gia vị cần thiết như muối, mì chính, tỏi, ớt... - Ảnh: ĐÀO THỌ

Phải nói rằng, để làm ra được một mẻ lạp xường ngon phải chuẩn bị thật cầu kỳ và qua nhiều công đoạn. Lạp xường được làm từ thịt heo nhưng phải là thịt heo thả rông mới ngon.

Đầu tiên, người ta chọn thịt nạc mông và thịt mỡ băm nhỏ trộn lại với nhau. Cứ 1kg thịt nạc trộn với 0,2kg thịt mỡ, nếu nhiều nạc quá lạp xường sẽ khô, ngược lại nhiều mỡ quá sẽ gây cảm giác khó ăn.

Ruột non của lợn được làm sạch và ngâm vào rượu để ruột bền hơn. Sau đó nhồi thịt đã ướp vào ruột - Ảnh: ĐÀO THỌ

Sau đó ướp với các loại gia vị tỏi, ớt, hạt nêm, đường… Cuối cùng ướp với rượu trắng để lên men sau 6-8 tiếng đồng hồ. Việc để lên men thịt sẽ làm cho lạp xường có vị chua đặc trưng của nó.

Công đoạn khó khăn nhất là lúc đưa thịt đã ướp vào ruột non. Ruột non của heo được chọn từ loại ruột nhỏ và rửa sạch bằng rượu, giấm. Trước đây, mọi người phải lấy tay bỏ từng tí thịt một vào ruột non nên có khi cả ngày chỉ làm được một ít.

Lạp xường đã phơi khô và lên màu hồng của thịt - Ảnh: ĐÀO THỌ

Bây giờ người ta mới có sáng kiến dùng xilanh nhựa bơm vào nên làm nhanh hơn rất nhiều. Thịt được đưa vào ruột non và dùng dây thắt thành từng khúc chừng 6 cm để đảm bảo lạp xường khi chín không bị vỡ ra.

Những dây lạp xường được nối lại với nhau thành từng đoạn dài và đưa vào gác bếp hong cho khô. Khác với các loại thịt gác bếp, lạp xường không được phơi lâu, mà chủ yếu là làm cho ráo nước. Điều quan trọng là lạp xường phải được phơi nắng.

Công đoạn phơi lạp xường cũng diễn ra khá tỉ mỉ. Càng được nắng, lạp xường càng thơm ngon và có màu sắc đẹp - Ảnh: ĐÀO THỌ

Càng được nắng lạp xường càng có màu đỏ đẹp. Màu đỏ của thịt nạc qua lớp ruột non hiện dần ra dưới ánh nắng càng làm cho món ăn này có một sức hấp dẫn vô cùng. Vì được phơi khô nên lạp xường có thể cất tủ lạnh để ăn quanh năm.

Món ăn từ lạp xường được ưa chuộng nhất là nướng và rán. Tuy nhiên, theo các bậc cao niên, món truyền thống của người Thái vẫn là nướng.

Những khúc lạp xường vừa mới được làm xong và đem ra phơi - Ảnh: ĐÀO THỌ

Bởi khi được nướng trên bếp than hồng, lạp xường mới phát huy được hết mùi vị của nó. Một cảm giác thơm, béo ngậy và hơi chua lan tỏa trong vị giác khiến người ăn khó cưỡng lại được.

Cách chế biến lạp xường cũng rất đơn giản, chỉ cần nướng hoặc rán qua là có thể ăn - Ảnh: ĐÀO THỌ

Tác giả: ĐÀO THỌ

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: Lạp xường , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP