Thế giới

Lời hứa khi nhậm chức đưa ông Kim Jong-un tới bàn đàm phán lịch sử

Lời hứa được đưa ra cách đây 7 năm về một tương lai tươi sáng cho người dân Triều Tiên đã trở thành động lực để nhà lãnh đạo Kim Jong-un bước vào cuộc đàm phán chưa từng có tiền lệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Kim Jong-un thị sát cây cầu đường sắt mới hoàn thành của Triều Tiên trong tháng 5 (Ảnh: KCNA)

Khi thay cha lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Triều Tiên cách đây 7 năm, ông Kim Jong-un vẫn còn là một nhà lãnh đạo non trẻ và chưa được thử thách qua nhiều sóng gió chính trường. Vào thời điểm đó, ông đã hứa với người dân Triều Tiên về một tương lai không còn nghèo khổ.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị lãnh đạo, ông Kim Jong-un tuyên bố người dân Triều Tiên sẽ không bao giờ phải sống trong cảnh thắt lưng buộc bụng thêm một lần nữa sau khi nước này chứng kiến cảnh hàng triệu người bỏ mạng do nạn đói trong thập niên 1990. Năm ngoái, ông Kim Jong-un đã xin lỗi đất nước vì không thể thực hiện lời hứa, đồng thời bày tỏ sự “lo lắng và hối lỗi” trước người dân.

Bước sang năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố bước chuyển mình trước 25 triệu người dân Triều Tiên. Sau khi hoàn tất chương trình vũ khí hạt nhân, ông Kim Jong-un đặt mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng Triều Tiên thành quốc gia thịnh vượng sau nhiều năm hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế.

Vào ngày 24/5, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ trước với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, phản ứng của Triều Tiên rất ngoại giao và nhã nhặn. Bình Nhưỡng nói rằng nước này vẫn để ngỏ hy vọng nối lại cuộc gặp được chờ đợi từ lâu với Washington.

Theo New York Times, đây là dấu hiệu cho thấy hội nghị thượng đỉnh với Mỹ có tầm quan trọng như thế nào đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un - người đã tổ chức cuộc gặp bất ngờ lần thứ hai với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 26/5 tại khu phi quân sự liên Triều với mục đích cứu vãn hội nghị thượng đỉnh trước nguy cơ đổ vỡ.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều (Ảnh: AP)

Giới phân tích cho rằng phản ứng chừng mực trước tuyên bố hủy họp cùng những động thái ngoại giao đặc biệt của Triều Tiên gần đây là chỉ dấu cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un không chỉ muốn mà ông thực sự cần một thỏa thuận ngoại giao với Mỹ.

“Triều Tiên vẫn có thể tồn tại dưới sức ép của các lệnh trừng phạt, đặc biệt nếu Trung Quốc vẫn giúp đỡ họ. Nhưng chừng nào lệnh trừng phạt chưa được dỡ bỏ, chừng đó ông Kim Jong-un vẫn chưa thể mang lại viễn cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng như ông từng hứa hẹn với người dân”, Shin Beom-chul, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, Hàn Quốc, nhận định.

Mong muốn được đối thoại với Tổng thống Trump của ông Kim Jong-un, ngay cả khi Triều Tiên bị Mỹ làm “bẽ mặt” với tuyên bố hủy họp bất ngờ, không có nghĩa là Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của nước này. Các nhà phân tích cho rằng dù cho các lệnh trừng phạt gây khó khăn đến đâu, ông Kim Jong-un cũng không sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, ngoại trừ có một hiệp ước khiến ông cảm thấy rằng Triều Tiên vẫn an toàn ngay cả khi không còn vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên vẫn tuyên bố rằng nước này muốn có được sự bảo đảm về an ninh và sẽ không chấp nhận đổi kho vũ khí hạt nhân lấy các lợi ích về kinh tế. Bình Nhưỡng cũng bác bỏ thông tin cho rằng nước này chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ vì không thể chịu nổi sức ép từ các lệnh trừng phạt. Thậm chí, Triều Tiên còn khẳng định không trông chờ sự giúp đỡ của Mỹ trong mục tiêu phát triển kinh tế.

Nền kinh tế còn nhiều khó khăn

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón ông Kim Jong-un tại Bắc Kinh hồi tháng 3 (Ảnh: AFP)

Cho tới cuối năm ngoái, nền kinh tế Triều Tiên đã duy trì tốc độ tăng trưởng từ 1-5% mỗi năm dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt. Tuy vậy, việc ông Kim Jong-un vẫn sẵn sàng theo đuổi các nỗ lực ngoại giao với Mỹ cho thấy nhà lãnh đạo trẻ tuổi có thể đang chịu sức ép từ việc phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng từ người dân về các thành tựu kinh tế cũng như thoát khỏi vòng xoáy của các lệnh trừng phạt.

Mặc dù thế giới bên ngoài có thể nhìn Triều Tiên như một đất nước chỉ có vũ khí hạt nhân, song thực tế ông Kim Jong-un đã quyết tâm thay đổi diện mạo của Triều Tiên thành một quốc gia hiện đại và mở cửa hơn. Ông Kim đã cho xây dựng các tòa nhà mới và sơn lại các công trình cũ ở Bình Nhưỡng. Ông cũng tham dự buổi biểu diễn của một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc và cho phép dàn nhạc quốc gia chơi nhạc pop của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cử các quan chức tới Trung Quốc để học hỏi các chính sách kinh tế, thậm chí còn thừa nhận những thất bại trong quá trình lãnh đạo của ông, như vụ phóng hỏng vệ tinh năm 2012. Khi gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4 và mời lãnh đạo quốc gia láng giềng tới Triều Tiên, ông Kim còn đề nghị Tổng thống Moon di chuyển bằng máy bay vì hệ thống đường sá và tàu tại Triều Tiên chưa tốt.

Từ sau khi lên nắm quyền năm 2011, ông Kim Jong-un đã cho xây dựng nhiều công viên nước, khu nghỉ dưỡng, sân bay mới, các tòa nhà chọc trời và thậm chí cả bể cá heo. Điện thoại di động cũng trở nên phổ biến hơn tại các thành phố ở Triều Tiên, mặc dù đa số người dân vẫn chưa được tiếp cận internet.

Bất chấp mọi nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo quyết đoán, dễ gần và có mục tiêu rõ ràng, ông Kim Jong-un vẫn gặp phải những hạn chế nhất định trong việc phát triển nền kinh tế Triều Tiên trong bối cảnh các lệnh trừng phạt chưa được dỡ bỏ. Ngoài ra, ông Kim cũng phải đối mặt với chính sức ép từ trong nước, xuất phát từ tốc độ tăng trưởng của các thị trường do ông đưa vào Triều Tiên cũng như sự nổi lên của một tầng lớp thượng lưu ở Bình Nhưỡng. Dưới thời ông Kim, một thế hệ mới có cơ hội tiếp xúc với USD và đĩa DVD chứa các bộ phim và chương trình truyền hình Hàn Quốc đã đặt ra kỳ vọng cao hơn về chất lượng cuộc sống của họ tại Triều Tiên.

Một góc thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Những du khách tới Triều Tiên gần đây cho biết thủ đô Bình Nhưỡng đã trở nên sống động và thịnh vượng hơn so với 10 năm trước với các cửa hàng chất cả đồ nhập khẩu và đồ do Triều Tiên tự sản xuất. Tuy vậy, điều kiện sống bên ngoài thủ đô vẫn ảm đạm.

Lệnh trừng phạt mới nhất trong chiến dịch “gây sức ép tối đa” do Mỹ dẫn đầu đã hạn chế khả năng của Triều Tiên trong việc tiếp cận các nguồn tiền để mua hàng nhập khẩu. Từ tháng 9 năm ngoái, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cấm tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Triều Tiên, gồm than đá, quặng sắt, hải sản và hàng may mặc. Nếu được thực thi đầy đủ, lệnh cấm này có thể giảm tới 90% sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên.

Kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 90% hoạt động thương mại quốc tế của Bình Nhưỡng, đã giảm 1/3 xuống còn 1,65 tỷ USD vào năm ngoái. Các lệnh trừng phạt cũng khiến sản lượng nhập khẩu xăng dầu tinh chế của Triều Tiên giảm 90%, đẩy giá xăng dầu tăng lên gấp đôi tại nước này. Nhiều hầm mỏ và nhà máy đã phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu thô đầu vào hoặc không có đơn đặt hàng.

Trong những tuần trước khi cuộc gặp với Tổng thống Trump diễn ra, ông Kim Jong-un đã có những bước đi thể hiện rõ thiện chí hợp tác, bao gồm việc thả 3 công dân Mỹ bị Bình Nhưỡng bắt giữ, tuyên bố dừng thử vũ khí và phá hủy khu thử hạt nhân duy nhất. Tất cả những động thái này là biểu hiện cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên thực sự cần một thỏa thuận ngoại giao với chính quyền Trump trong bối cảnh hiện tại.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP