Sáng nay (19/11), HĐXX tiếp tục xét xử vụ sơ thẩm vụ án "Đánh bạc nghìn tỷ". Bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) lần đầu tiên bị yêu cầu lên bục khai báo để HĐXX thẩm vấn.
Đứng trước bục khai báo, Nguyễn Văn Dương khai chậm trước những câu hỏi của HĐXX. Dương trả lời tôn trọng những cáo buộc truy tố mình trong bản cáo trạng và tôn trọng lời khai của bị cáo Phan Sào Nam trước đó.
HĐXX yêu cầu Dương trả lời trực diện vào câu hỏi của HĐXX là cáo trạng truy tố có đúng không? Dương xác nhận là đúng.
Bị cáo Nguyễn Văn Dương. |
HĐXX hỏi mối quan hệ của bị cáo với bị cáo Phan Sào Nam như nào? Dương nói chỉ là mối quan hệ xã hội, sau đó Nam liên lạc để trao đổi hợp tác.
Tiếp đến, HĐXX hỏi "Ai là người giới thiệu cho bị cáo thành lập Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) để sau này hợp tác với C50?", bị cáo Dương khai được một nguyên Thứ trưởng Bộ Công an (đã mất) nói về ý tưởng thành lập công ty nghiệp vụ cho Bộ Công an, sau đó giới thiệu Dương gặp Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng C50).
Sau đó, Dương gặp Hóa và được Hóa nói cần thiết phải thành lập công ty nghiệp vụ theo Quyết định của Bộ Công. Sau đó, Dương và ông Hóa lên báo cáo một nguyên Thứ trưởng Bộ Công an nói trên và được nói về thành lập Công ty CNC, mục đích chính là hoạt động kinh tế nghiệp vụ. Trước đó, Dương không có ý định lập công ty này.
HĐXX xét xử hỏi ai là người ký kết giữa CNC và C50? Dương khẳng định ông Hóa là người đại diện C50 ký hợp tác với CNC. Theo Dương, C50 có 20% vốn ở CNC, không đóng góp về nhân sự. Sau khi hợp tác, ông Hóa cho rằng việc góp vốn không đảm bảo thỏa thuận hợp tác nên không góp vốn, dù Dương và ông Hóa không có mâu thuẫn.
Dương cho biết do quá trình tạm giam quá lâu nên không nhớ hết những nội dung ghi trong thỏa thuận hợp tác giữa CNC với C50. Dương chỉ nhớ là hoạt động kinh tế thông thương, hoạt động hóa trang trinh sát đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.
HĐXX hỏi "Ai là người phía Bộ Công an có chức năng giám sát CNC?", Dương khai là bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.
Dương khai tiếp, trong thời gian hoạt động từ năm 2011 đến 2015, Dương nói hàng tháng, quý, năm CNC đều báo cáo với C50. Ngoài ra, C50 cũng thỉnh thoảng cử người xuống kiểm tra. Trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài, sau năm 2012 thuê trụ sở số 10 Hồ Giám thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát.
Đến đầu năm 2015, CNC mới chính thức là công ty nghiệp vụ của C50 theo quyết định của Tổng cục Cảnh sát.
Quay trở lại nội dung hợp tác giữa Công ty CNC và Công ty VTC online của bị cáo Phan Sào Nam, HĐXX hỏi “Hợp đồng ký với VTC online, bên CNC chịu pháp lý về phát hành game đúng không?”, bị cáo Dương trả lời “Đúng”.
HĐXX hỏi tiếp, thời điểm ký kết với với VTC online bên CNC đã xin giấy phép để cấp phép phát hành game bài chưa và ai là người xin cấp phép?, Dương khai là đang trong quá trình xin cấp phép, bản thân bị cáo và Nguyễn Thanh Hóa Cục trưởng C50 trực tiếp đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cấp phép.
Nam khai thêm, thời điểm làm thủ tục xin Bộ TTTT cấp phép là năm 2016, người đề nghị trực tiếp sang Bộ này là Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát).
“Quá trình hợp tác với VTC online vận hành game bài đánh bạc, bị cáo có báo cáo cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa biết không?” – HĐXX hỏi, Dương khai có báo cáo cho Nguyễn Thanh Hóa ngay sau khi ký hợp đồng.
HĐXX hỏi lại “Bị cáo có báo cáo cụ thể việc CNC hợp tác với VTC online để vận hành game bài là chưa được cấp phép không?, Dương đáp “Bị cáo có nói ký kết với VTC online để vận hành game bài, cổng thanh toán, anh Hóa nói là cần thiết để thực hiện”.
HĐXX tiếp tục hỏi “Thời điểm này bị cáo Phan Văn Vĩnh có biết CNC hợp tác với VTC online không?”, Dương nói “Bị cáo nghĩ anh Vĩnh biết, anh Vĩnh biết trên cơ sở từ C50 trình lên”.
“Công văn gửi đề nghị Bộ TTTT cấp phép, sau đó có được cấp phép không?” – HĐXX hỏi, Dương trả lời “Bộ TTTT có hướng dẫn công ty CNC một số thủ tục, nhưng sau đó chưa được cấp phép”.
HĐXX tiếp tục thẩm vấn Dương, tại sao Bộ TTTT chưa cấp phép mà vẫn tiếp tục vận hành game đánh bạc, Dương giải thích là do thời điểm đó trên thị trường cũng có rất nhiều game bài tương tự như vậy hoạt động mà chưa có chế tài xử lý. Chính vì thế, Công ty CNC của Dương muốn hóa trang vào đó để tham mưu cho C50 xử lý, đó chính là động cơ tiếp tục hoạt động.
“Khi ký kết hợp tác với C50 thì thực tế CNC đã đóng góp được những công việc gì?” – HĐXX hỏi, Dương khai “Cũng lâu rồi nhưng bị cáo cũng không nhớ chi tiết. Nhưng có thể nói, sau khi ký hợp tác, CNC cũng nỗ lực tham gia hợp tác hoạt động trinh sát tìm hiểu tội phạm công nghệ cao, có báo cáo nhiều về các hoạt động này và có thể hiện trong hồ sơ vụ án”.
HĐXX viện dẫn tài liệu điều tra, là khi CNC và C50 ký hợp tác, thì C50 đóng góp 20% vốn và có người tham gia, nhưng thực tế không đóng góp vốn và người nên HĐXX đã hỏi “C50 thực tế sau đó không đóng góp vốn, không góp người thì công ty bị cáo hợp tác vì cái gì?, Dương khai “Sau khi ký hợp tác, bộ phận tham mưu của C50 tìm hiểu kỹ thêm thấy việc góp vốn là không đảm bảo như trong thỏa thuận nên không góp vốn. Còn việc công ty của bị cáo CNC vẫn hợp tác là vì bản thân bị cáo yêu công nghệ, muốn cống hiến và đóng góp gì đó cho đất nước trong lĩnh vực này”. Dương nói thêm về sự cống hiến này vì tôn trọng người giới thiệu Dương thành lập công ty này là nguyên Thứ trưởng Bộ Công an (đã mất).
Theo cáo trạng, sau khi Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty CNC, được Phan Văn Vĩnh (cựu Thiếu tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an), Nguyễn Thanh Hóa (cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50 – Bộ Công an) tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động.
Đầu năm 2015, Dương đã nhất trí tiếp nhận đề nghị của Phan Sào Nam để đứng ra phát hành game bài, sau đó chỉ đạo Lưu Thị Hồng (cựu Tổng Giám đốc CNC) ký hợp đồng hợp tác với Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen.
Sau khi ký hợp đồng, Dương chỉ đạo các thành viên trong công ty thuê tên miền, đăng ký tin nhắn thương hiệu; xây dựng cổng thanh toán kết nối với Công ty HomeDirect, Công ty VNPT EPAY, Công ty Ngân Lượng và Công ty GTS thực hiện việc vận hành, đối soát sản lượng doanh thu từ hành hành vi tổ chức đánh bạc, thu lời bất chính hơn 1.600 tỷ đồng (Trong đó, giai đoạn Rikvip là hơn 370 tỷ đồng, Giai đoạn Tip.Club là hơn 1.200 tỷ đồng).
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí