Tin trong tỉnh

Lớp học xóa mù 'trên mây'

Từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần, 23 người Mông ở bản Phù Quặc 2 và Huồi Xài, xã Na Ngoi, huyện biên giới Kỳ Sơn, đều đặn đến lớp học xóa mù chữ trên đỉnh núi cao hơn 1.000 m.

Cách TP Vinh 250 km, bản Huồi Xài và Phù Quặc 2, xã Na Ngoi nằm trên dãy Trường Sơn cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Dân số chủ yếu là người Mông, cuộc sống gắn liền với nương rẫy. Nhiều thanh niên, trung niên, người già không biết chữ.

Sau bữa cơm tối, các học viên tuổi 30-65 mang đèn pin, men theo con đường rộng hơn 3 m, cây bụi rậm rạp để đến điểm trường ở bản Huồi Xài tham gia lớp học xóa mù chữ.

Người dân tại bản Huồi Xài hàng ngày đi rẫy trồng gừng, ngô, sắn, hái bo bo, buổi tối mới có thời gian đến lớp. Do con cháu nhỏ ở nhà không ai trông coi, nhiều học viên đã dắt trẻ đến lớp.

Thầy Đặng Đình Châu, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga Ngoi 2, phụ trách lớp xóa mù chữ ở bản Huồi Xài.

Lớp có 12 học viên, bên cạnh người già còn có một số thanh niên, trung niên. Họ trước đây vì hoàn cảnh gia đình, các hủ tục nên không được đến trường. Trung bình mỗi năm thầy cô sẽ tổ chức 3 kỳ học xóa mù chữ.

Theo chương trình, các học viên sẽ được dạy biết đọc, viết và tính toán cơ bản. Một kỳ học gồm 200-250 tiết, mỗi đêm 4 tiết. Học viên ôn tập 3 kỳ cơ bản biết chữ, đọc thành thạo và làm các phép tính cộng trừ nhân chia cơ bản, được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ. Nếu ai học hết 5 kỳ sẽ được Nhà nước cấp 1,8 triệu đồng.

Trong mỗi buổi học, thầy Châu sẽ gọi một số học viên lên bảng kiểm tra việc đánh vần. Phía dưới mọi người cũng đọc theo.

Theo thầy Châu, để vận động người dân trong xã đi học rất vất vả, bởi đa số tự ti, bảo nhiều tuổi rồi không muốn đến lớp. Giáo viên phải phối hợp với các già làng đến từng gia đình phân tích lợi ích của việc biết đọc, biết viết, biết tính toán...

"Già làng có uy tín trong bản, chúng tôi phải làm dân vận khéo, phân tích lợi ích của việc xóa mù chữ. Được già làng truyền đạt thông tin, người dân các bản đồng loạt đăng ký", thầy Châu nói.

Ông Già Bá Phổng, già làng bản Huồi Xài, cầm đèn pin rọi vào vở để viết chữ. Ông Phổng cùng vợ Thò Y Chia (ngồi bên cạnh) mắt đã yếu, khi viết phải cúi sát nhìn cho kỹ.

Ông Phổng cho hay người dân trong bản làm ra nông sản nhưng không biết tiếng phổ thông, khi đi bán rất bất lợi, luôn bị ép giá. Nghe tin có lớp học xóa mù chữ, ông cùng thầy cô giáo đến nhà các hộ dân vận động, bảo trước hết là giúp biết chữ, sau nữa là giúp ích cho kinh tế, mọi người thấy hợp lý nên nghe theo.

Sau khoảng một tháng theo học, một số học viên đã viết được tên tuổi, dù nét chữ còn nguệch ngoạc.

Ông Già Mại, 63 tuổi, ở bản Huồi Xài, cười tươi khi được thầy giáo khen vì hoàn thành tốt bài tập đánh vần. Ông Mại chia sẻ dù tuổi cao vẫn quyết tâm đi học để làm gương cho con cháu nỗ lực học tập, sau này giúp đỡ bản làng.

Thầy Nguyễn Xuân An (đứng), Hiệu phó trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga Ngoi 2, hướng dẫn nữ học viên tập viết.

Theo thầy An, thời gian đầu mở lớp, khó khăn nhất là bất đồng ngôn ngữ, bởi học viên đều nói tiếng Mông. Các thầy cô giáo trong trường sau đó đăng ký học lớp tiếng Mông do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn mở để về giao tiếp với học viên.

Thầy An cho biết các học viên hàng ngày phải lên rẫy mưu sinh, nhiều người có con nhỏ nên để duy trì được số lượng học viên đầy đủ tại lớp vào mỗi buổi tối là không đơn giản. Thỉnh thoảng thầy cô mua bánh kẹo, nước ngọt đến tổ chức sinh nhật cho học viên hoặc con cái họ. Mục đích là tăng sự gần gũi, đoàn kết, thôi thúc mọi người chăm chỉ tới lớp.

Cách bản Huồi Xài khoảng 5 km, lớp học xóa mù chữ ở bản Phù Quặc 2 cũng sáng đèn vào tối giữa tháng 7. Tại đây 11 học viên đều là phụ nữ, tuổi 35-60, ngồi ngay ngắn nghe thầy cô giảng bài.

Phụ trách lớp tại bản Phù Quặc 2 là thầy giáo Lê Khắc Vinh cùng vợ Đặng Thị Thành. Hai người nhà ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, đã công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga Ngoi 2 khoảng 3-6 năm, luôn tham gia các lớp đào tạo xóa mù chữ trên địa bàn.

"Tôi luôn khuyên nhủ học viên không được nản chí, hãy học vì chính cuộc sống và tương lai của mình và con cháu. Nhiều thanh niên biết chữ thành thạo, đi miền Nam làm công ty đã nhắn tin trò chuyện, bảo nhờ thầy mà em có cuộc sống tốt hơn", thầy Vinh kể.

Tuy nhiên, một số học viên vì gánh nặng tuổi tác, bị chi phối nhiều công việc nên trong một buổi học đôi lúc quá tải, lấy tay ôm đầu vì cảm thấy khó tiếp thu. Những lúc này giáo viên đưa nước cho học viên uống, động viên giữ tâm lý thoải mái.

Ngoài dạy chữ, đôi lúc cô Thành dùng tiếng Mông giao tiếp với học viên, pha trò để tạo tâm lý thoải mái.

Một em bé nằm dưới hàng ghế cuối lớp chờ mẹ học bài. Phụ nữ người Mông tại bản Phù Quặc 2 đều có con nhỏ, khi tới lớp họ mang theo các bé vì không nhờ được người trông coi.

Từ năm 2016 đến nay, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga Ngoi 2 luôn tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho người dân tại các bản trên địa bàn. Hàng năm, giáo viên sẽ đi rà soát từng hộ gia đình, điều tra số liệu phổ cập và lập danh sách gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn để trình Sở phê duyệt mở lớp.

Năm 2024, xã Na Ngoi có hai lớp xóa mù chữ được mở tại điểm trường Tiểu học thuộc bản Huồi Xài và Phù Quặc 2. Người dân học từ 19h đến 22h theo giáo án của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tác giả: Đức Hùng

Nguồn tin: vnexpress.net

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP