Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp năm 2018.
Cuộc khảo sát được Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2018), thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố, ngành trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lươn
Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động trong năm 2018 là 5,5 triệu đồng |
Kết quả khảo sát cho biết, tiền lương cơ bản hàng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017.
Với tổng thu nhập cá nhân 5,5 triệu đồng, 1 gia đình 2 vợ chồng tổng thu nhập 11 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu bình quân của 1 hộ gia đình (4 người) khoảng 7,38 triệu đồng/tháng; mức chi tiêu tối thiểu khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.
Lương bình quân cao nhất thuộc khu vực doanh nghiệp nhà nước (cổ phần nhà nước) là trên 5,2 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp nước ngoài 4,2 triệu đồng/tháng...
Lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn lương tối thiểu 39,8%.
Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân NLĐ, nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ).
Tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của NLĐ. Trong đó, tại doanh nghiệp FDI tỷ lệ này chiếm 77,3%.
Qua khảo sát, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống), 32% NLĐ cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng, để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.
Như vậy, so sánh thu nhập với chi tiêu của NLĐ và gia đình, thì có 17,4% NLĐ cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5 % phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ (tăng 5,8% so với năm 2017); 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.
Từ thực tế, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và đa số NLĐ đều cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào lương cơ bản làm việc trong giờ quy định thì cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nên việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2018 là cần thiết nhằm giúp NLĐ cải thiện đời sống, giảm bớt khó khăn…
Tác giả: Minh Thư
Nguồn tin: infonet.vn