Giá trái cây nội địa Trung Quốc tăng vọt, cơ hội cho quả vải Việt Nam |
Năm 2018 là một năm bội thu của vải Trung Quốc khi thời điểm đó rớt giá xuống còn 2 tệ/kg vải, sang năm nay, vải Trung Quốc mất mùa khiến giá vải tăng vọt lên 6 tệ/kg vải, riêng giá bán lẻ ở nhiều địa phương Trung Quốc cũng cao hơn so với năm ngoái rất nhiều.
Đây là 1 năm mất mùa nghiêm trọng của vải Trung Quốc kể từ năm 1992. Vải Trung Quốc mất mùa một mặt thúc giục người dân nước này quan tâm hơn đến giá cả, mặt khác cũng tạo cơ hội cho các mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc.
Là một loại quả mang tính mùa vụ, dù giá vải ảnh hưởng đến mức giá chung không lớn, nhưng vì giá bỗng nhiên tăng vọt nên đã nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng, chịu sự ảnh hưởng của giá trái cây tăng, CPI của tháng 5 đã tăng 2.7% so với cùng kỳ năm trước. Sau tháng 6, dù giá hoa quả nội địa Trung Quốc có hạ nhiệt, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn cao hơn rõ rệt.
Truyền thông Trung Quốc cho biết “Hiện nay, một lô khoảng 11 nghìn tấn vải Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai với tổng giá trị gần 6 triệu đô la Mỹ. Nhìn chung, trong thời gian tới với lượng lớn trái cây trên hiện trường như hiện nay, sẽ giúp giá trái cây giảm nhiệt. Các loại trái cây nhập khẩu từ Đông Nam Á, đại diện là trái cây Việt Nam cũng sẽ giúp tổng thế giá trái cây giảm nhiệt”.
Năm nay quả là một năm ngoài mong đợi đối với thị trường vải Trung Quốc khi tổng sản lượng chưa đạt đến 2 triệu tấn, so với sản lượng 2 triệu 800 tấn của năm ngoái thì không khó hiểu khi thị trường trái cây Trung Quốc lại có sự biến động rõ rệt như vậy.
Trên thế giới, vải là một loại quả rất được nhiều người ưa chuộng và nhu cầu rất lớn. Theo đó thì Trung Quốc có sản lượng đứng đầu thế giới với 2 triệu tấn, tiếp đó là Ấn Độ với 600 nghìn tấn và đứng thứ 3 là Việt Nam với 38 nghìn tấn. Truyền thông Trung Quốc cũng dành những lời có cánh cho quả vải Việt Nam khi khí hậu phù hợp cho sự sinh trưởng của cây vải, năng suất cao, thường thì với những mô hình trồng vải nhỏ thì chi phí sản xuất ra một cân vải chỉ khoảng 1 tệ. Hơn nữa, vải Việt Nam có thể để được lâu, vận chuyển sang Trung Quốc nhanh chóng thuận tiện.
Theo dữ liệu được công bố tại Hội nghị nhãn, vải quốc tế lần thứ 6 được tổ chức tại Hà Nội mới đây, diện tích trồng các mặt hàng trái cây xuất khẩu vải, nhãn và chôm chôm của Việt Nam năm 2018 đạt 160 nghìn ha, giá trị xuất khẩu đạt 320 triệu đô. Trong đó, thị trường xuất khẩu vải đứng thứ 2 trên thế giới.
Vải là nguồn thu nhập lớn của người nông dân Việt nam, năm ngoái nhờ khí hậu thuận lợi nên tổng sản lượng vải lập kỷ lục cao nhất trong 5 năm trở lại. Dù năm nay sản lượng có ít hơn nhưng một số giống vải thiều lại có giá cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Hơn nữa, năm nay Trung Quốc cũng có yêu cầu cao hơn với quả vải Việt Nam nhưng đây vẫn là một thị trường tiềm năng.
Hiện nay ngoài Trung Quốc, nước ta còn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn, Pháp… Dù chưa chính thức bước vào mùa cao điểm của quả vải, nhưng dữ liệu cho thấy, vải thiều xuất sang Trung Quốc đã tăng khoảng 2000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái
Cục Hải quan tại cửa khẩu Hà Khẩu cho biết, từ đầu năm đến nay, nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu duy trì đà tăng trưởng tốt. Tính đến ngày 10/6 tổng sản lượng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Hà Khẩu đạt 535 nghìn tấn, tăng trưởng 10.7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, năm 2018 Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của rau củ quả và trái cây Việt Nam, chiếm 73,8% thu nhập xuất khẩu rau củ quả và trái cây cả nước. Hơn nữa trong những năm gần đây, Trung Quốc còn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của nước ta.
Ngoài vải thiều và gạo, ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
Việt Nam là nhà sản xuất cá Ba-sa lớn nhất thế giới, với sản lượng 1,33 triệu tấn trong năm 2018. Theo dữ liệu từ Rabobank, Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp EU với tư cách là nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Năm ngoái, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đạt gần 5 triệu tấn. Philê cá ba sa Việt Nam có nhu cầu tương đối lớn.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết: “ Trước đây cá ba sa của Việt Nam chỉ dừng chân tại vùng biên giới phía Nam Trung Quốc, nhưng hiện tại đã đi đến Bắc Kinh, Đại Liên, và nhu cầu ngày càng tăng cao”.
Tuy nhiên thì truyền thông Trung Quốc vẫn nhận định, quy mô trồng vải ở Việt Nam còn nhỏ lẻ, những doanh nghiệp lớn điều khiển từ khâu sản xuất đến cung ứng còn ít và để bảo quản quả vải tươi khi xuất khẩu năng lực còn hạn chế, chưa có khả năng đầu tư sang nước ngoài, mặt khác yêu cầu về kỹ thuật và điều kiện khí hậu rất cao, rủi ro sản xuất ở nước ngoài cũng tương đối lớn.
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã tham gia vào thị trường mua bán vải ở Việt Nam, tuy nhiên các chuyên gia Trung Quốc nhận định, Việt Nam dân số đông, đất trồng có hạn, nên các doanh nghiệp vẫn chưa dám mạo hiểm đầu tư vào nông nghiệp trồng trọt , hiện nay chủ yếu họ đầu tư vào trồng chuối ở các nước như Myanmar, Lào và Campuchia.
Tác giả: Thanh Hải
Nguồn tin: Báo Dân trí