Chị tên là Phạm Thị Thủy, ở thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội, cuộc đời xem chừng còn khổ hơn cả chị Dậu của nhà văn Ngô Tất Tố.
Lấy chồng khi quá lứa lỡ thì, chồng chị là một người hâm hâm dở dở, nên có lẽ cũng vì thế mà 3 đứa con chị sinh ra đều mang bệnh hiểm nghèo: thằng anh lớn Lương Văn Nam mắc bệnh vảy nến, cô em gái thứ 2 Lương Thị Huệ mắc bệnh tim, năm nay học lớp 11 mà Huệ chỉ nặng 33kg. Còn cô em gái út học lớp 7 là Lương Thị Thùy Linh, mắc bệnh hơi khó nói: “đường tiểu tiện và đường sinh dục chung nhau một lỗ”.
2 anh em Lương Văn Nam, Lương Thị Huệ và Lương Thị Thùy Linh của 8 năm về trước |
8 năm trước, Lương Văn Nam chỉ mới là cậu bé 13 tuổi, nay đã là thanh niên 21 tuổi. Cơ thể của em chỉ có lớn hơn ngày trước chút đỉnh, duy căn bệnh vảy nến thì cũng chẳng khác xưa là bao nhiêu. Toàn thân Nam bị một lớp vảy nên bao phủ, rất cứng và thường ngứa ngáy khó chịu vào mùa hè nắng nóng.
“Thật ra, so với trước thì da của cháu khá hơn nhiều rồi do thường xuyên tắm nước lá. Giờ cháu 21 tuổi rồi, nhứng cũng chỉ loanh quanh ở nhà giúp mẹ và các em dán vàng mã. Cháu muốn tìm một việc gì đó tốt hơn để đỡ đần mẹ và các em, nhưng sức vóc, dáng vẻ này thì không ai nhận”, chị Thủy chia sẻ về bệnh tình, hoàn cảnh của cậu con trai cả.
Và bây giờ Huệ đã là nữ sinh lớp 11 (nhưng chỉ nặng 33 kg vì bệnh tim), Linh đã là học sinh lớp 7 |
Lương Văn Nam giờ đã là chàng trai 21 tuổi, vẫn ngày ngày cần mẫn dán vàng mã để đỡ đần mẹ và các em học hành |
Lúc tôi đến thì cả nhà chị Thủy gồm Nam, Huệ, Linh và bà nội đang dán vàng mã lấy công. Trung bình mỗi ngày cả nhà phải dán khoảng 2000 cái hộp bé bé cho chủ thì được tiền công 50.000 đồng. Ngày nào Huệ, Linh đi học, chỉ có mỗi bà nôị và chị Thủy cùng cậu bé Nam làm thì chỉ được 30.000 đồng. Riêng anh Lương Văn Khương, bố của 3 đứa trẻ, chồng của chị Thủy, lúc nào cũng chỉ ngồi một chỗ nhìn ra xa, ngơ ngơ, ngác ngác chả biết làm gì.
Anh Lương Văn Khương vẫn với căn bệnh ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chỉ ngồi một chỗ chẳng biết làm gì |
Chị Thủy bảo, năm vừa rồi xã cho tiền làm nhà, nếu xây nhà 80 triệu thì xã hỗ trợ cho 55 triệu, nếu sửa nhà thì xã chỉ hỗ trợ 25 triệu. Bàn lui tính tới chị quyết định làm liều, đi vay khắp nơi để làm lại căn nhà hết 110 triệu đồng. Nhà cấp 4, mái lợp tôn.
Tính đến lúc này xã chỉ mới chuyển cho chị 35 triệu, còn nợ 20 triệu chưa giải ngân, và chị Thủy vẫn đang còn nợ 55 triệu tiền nhà. Các chủ nợ giục quá, chị đang tính bán đi 1 trong 3 sào ruộng của mình. “Nhưng người ta ép giá quá nên chị chưa bán, họ trả có 35 triệu / sào ruộng. Cả nhà chỉ trông vào 3 sào ruộng, bán đi rồi biết lấy gì mà ăn ?”.
Lương Văn Nam lúc 13 tuổi. Căn bệnh vảy nến khiến da em đóng từng mảng sừng, bong tróc ngứa ngáy khi vào mùa hè |
Do chịu khó tắm lá nên da em có đỡ hơn, nhưng cơ thể vẫn xù xì, khó coi. Cả ngày em chỉ ở nhà chứ chẳng dám đi đâu vì ai nhìn thấy cũng sợ |
Tôi cũng lạ, những đứa trẻ nhà càng nghèo lại.. càng học giỏi. Cả Huệ và Linh năm vừa rồi đều là học sinh giỏi của trường. Có điều con đường học hành phía trước của chúng rồi không biết ra sao, ngay cả khoản học phí (dù đã được miễn giảm) cũng là một gánh nặng trên đầu. Học phí của Linh một năm là 3,7 triệu, của Huệ là 5,5 triệu. Vì chưa xoay ra nên chị Thủy quyết định nhờ tôi bán hộ đàn chó 8 con.
Nghe chị Thủy nói chuyện bán chó, tôi lại liên tưởng hình ảnh chị Dậu trong truyện Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Chị Dậu vì muốn cứu chồng mà bán đàn chó con, chị Thủy để lo cho cả gia đình gồm 6 miệng ăn mà rao bán chó.
Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng cả Huệ và Linh luôn là học sinh giỏi của lớp |
8 con chó là hi vọng nhỏ nhoi của chị Thủy để trả nợ bớt một phần gánh nặng làm nhà, nộp học phí cho con, mưu sinh tồn tại với cuộc sống vốn đỗi quá khắc nghiệt với gia đình chị.
Bà Tô Thị Tiền, năm nay đã bước sang tuổi 84. Khuôn mặt già nua khắc khổ, đôi bàn tay chai sạn, lưng đã còng nhưng ngày nào bà cũng là “người chủ lực” trong công việc dán vàng mã của mình. Tôi không biết đôi tay của bà hàng chục năm qua đã dán bao nhiêu miếng hộp giấy bé bé đó, chỉ để cho con trai, con dâu và những đứa cháu có thêm miếng cơm manh áo hàng ngày.
Để có tiền đóng học phí cho con trong năm học tới, chị Thủy đang hi vọng bán được đàn chó con này |
84 tuổi, bà Tô Thị Tiền vẫn ngày ngày cần mẫn dán vàng mã để mưu sinh cho cả gia đình |
“Bà tuổi cao, sống cũng chỉ vài năm nữa thôi, nhưng bà thương mấy đứa trẻ lắm nên còn làm được ngày nào bà vẫn làm. Cuộc đời bà khổ đã đành, nhưng bà không đành lòng chút nào khi nhìn con, nhìn cháu của mình cũng khổ như bà”, bà Tiền rơm rớm nước mắt nói với tôi.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2951: Chị Phạm Thị Thủy, ở thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội. ĐT: 01646.336.734 |
Tác giả: Thế Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí