Tin trong tỉnh

Miền Tây xứ Nghệ có tộc người Ơ Đu

Sau khi thủy điện Bản Vẽ ra đời, có 73 hộ dân của tộc người Ơ Đu sống rải rác ở hai bờ sông Nậm Nơn (thuộc huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) được đưa ra khỏi lòng hồ về nơi tái định cư mới, từ đó bà con mới có nhà cửa khang trang, có đất đai màu mỡ và được hướng dẫn tăng gia sản xuất...

Lay lắt tộc người Ơ Đu

Trong chuyến công tác lên miền biên ải, ngồi trên chiếc thuyền máy lao vun vút để ngược vào lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, một cán bộ huyện Tương Dương đưa tay chỉ vào hai bên sườn núi cho biết: Ngày trước đây là địa bàn định cư của đồng bào Ơ Đu, nhưng nay người ta ngăn dòng sông Nậm Nơn nên lâu rồi trở thành biển nước mênh mông. Bây giờ mỗi khi mùa nước rút cạn xuống vẫn còn lại một vài dấu tích của tộc người Ơ Đu từng sinh sống nơi này.

Trẻ em tộc người Ơ Đu hồn nhiên vô tư như bao trẻ em dân tộc anh em khác.

Được biết, đây là tộc người xuất hiện sớm nhất ở vùng núi Tương Dương, Nghệ An (tức vào khoảng cuối thế kỳ 8, đầu thế kỷ thứ 9). Ngày xưa tộc người này có tên gọi là “Tày Hạt”, nếu dịch theo ngôn ngữ tiếng dân tộc Thái có nghĩa là “đói rách”. Người dân Ơ Đu sống chủ yếu dọc sông Nậm Nơn biệt lập trong khe suối, sông nước của núi rừng.

Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Mỗi năm họ chỉ làm một vụ, phát, đốt, gieo hạt từ các tháng 4-5 âm lịch, thu hoạch vào các tháng 9-10. Công cụ làm rẫy gồm rìu, dao, gậy chọc lỗ. Ngoài lúa là giống cây trồng chính, bà con còn trồng sắn, bầu, bí, ngô, ý dĩ, đỗ.

Mặc dù biết sản xuất nhưng hái lượm và săn bắn vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào Ơ Đu. Chăn nuôi trâu bò, lợn gà và dê khá phát triển từ rất lâu. Trâu, bò dùng làm sức kéo, kéo cày làm ruộng; lợn gà sử dụng trong các dịp cưới, nghi lễ tín ngưỡng, cúng ma… Ðan lát đồ gia dụng bằng giang, mây, một phần tiêu dùng, phần để trao đổi. Đặc biệt ngày xưa người Ơ Đu còn biết dệt vải.

Sau ngày đất nước giành được độc lập (năm 1945), người dân Ơ Đu không gọi tên dân tộc mình là “Tày Hạt” nữa mà chọn tên gọi chính thức là “Ơ Đu”. Từ ngày đó đến nay, chưa ai cắt nghĩa được từ Ơ Đu nghĩa là gì? Cùng với sự phát triển xã hội, không còn bản làng nào của người Ơ Đu thuần tục nữa mà họ đã sống đan xen với đồng bào Thái, Khơ Mú và Kinh.

Thời gian gần đây bà con tập trung về sống quây quần ở bản Xốp Pột và bản Yên Hòa thuộc xã Kim Đa. Cuộc sống mưu sinh của đồng bào Ơ Đu không kể hết nỗi gian truân. Con cá dưới sông, rẫy lúa, nương ngô trên đôi bờ sông Nậm Nơn đã nuôi sống họ trải qua bao thế kỷ.

Người Ơ Ðu thường ăn một bữa phụ (sáng) và hai bữa ăn chính đó là trưa và tối. Trước đây họ ăn xôi đồ, nay có cả cơm gạo tẻ, khi mất mùa ăn củ nâu, củ mài, hoặc sắn, ngô thay cơm. Họ thích uống rượu và hút thuốc lào.

Người Ơ Đu quanh năm vất vã vì cuộc sống mưu sinh.

Tuy nhiên, gần đây tộc người Ơ Đu đã dần trở nên ít dần, chưa đầy 450 nhân khẩu. Không những thế mà các phong tục tập quán của họ cũng đã dần bị đồng hóa. Mọi sinh hoạt của người Ơ Đu dần theo phong tục của tộc người Thái và Khơ Mú.

Điều làm cho nhiều nhà nghiên cứu về tộc người này hết sức đau đầu đó là lâu nay chỉ còn đúng 4 người biết nói tiếng mẹ đẻ bao gồm: cụ Bốn Nhoong, cụ Bằng, cụ Hạu và cụ Nghệ. Nhưng tất cả trong số họ cũng chỉ nói được 70-78%.

Tiếng nói là một trong những tiêu chí để khẳng định tính độc lập của một tộc người. Nhưng điều băn khoăn là ai dám đứng ra khẳng định đó là tiếng nói riêng đúng nguyên bản của người Ơ Đu, trong khi chữ viết của họ không còn. Người Ơ Đu bây giờ chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Thái hoặc tiếng Khơ Mú và tiếng Kinh.

Một cao niên trong bản làng luôn tìm cách nghiên cứu dạy và học tiếng cho đồng bào Ơ Đu của mình.

Để bảo tồn đúng bản sắc của người dân tộc Ơ Đu, UBND huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An có tổ chức cho một số cán bộ văn hóa cùng một số giáo viên, nhà nghiên cứu đi sao chép và thu băng những tiếng nói, lời kể của mấy cụ còn biết tiếng Ơ Đu để lưu truyền cho con cháu biết đúng tiếng và hiểu được cội nguồn, bản sắc văn hóa của tộc. Thông qua đó giúp đồng bào xóa được tính tự ti để hội nhập và giao lưu văn hóa để bảo tồn dân tộc mình.

Hồi sinh ở vùng tái định cư mới

Ngày trước muốn vào đây phải chạy bằng xe ôm có khi mất gần cả ngày trời mới đến nơi. Tuy nhiên, hiện nay nhà nước đã cho xây dựng đường rải thảm nhựa từ thị trấn Hòa Bình vào tận bản Văng Môn của xã Nga My, tức khu vực tái định cư của đồng bào Ơ Đu.

Nhà tái định cư nơi ở mới của đồng bào Ơ Đu.

Từ phía xa trong thung lũng núi rừng âm u này, bắt đầu hiện dần lên những nếp nhà tường màu vàng óng và ngói đỏ tươi. Được biết, kiểu mẫu nhà đó được phỏng theo yêu cầu của người dân tộc Ơ Đu. Tại khu tái định cư Văng Môn được chia làm 3 khu dân cư sống quây quần bên nhau.

Đó đây người dân Ơ Đu đã biết trồng rau, hoa màu xanh mơn mởn. Ngày mới về vùng tái định cư này, bà con được Nhà nước hỗ trợ cho mỗi gia đình một con bò, giống cây, vật tư, phân bón và đã chia rừng, chia đất sản xuất. Bên cạnh đó, còn xây cho 3 bể nước sinh hoạt công cộng.

Mặc dù trước đây không mấy ai người dân tộc Ơ Đu biết cầm cái cày, cái cuốc hoặc canh tác trên nương trên rẫy nhưng bây giờ đã sản xuất không thua kém gì người dân miền xuôi. Vì hằng ngày UBND huyện Tương Dương có cắt cử cán bộ khuyến nông-khuyến lâm vào tận bản để hướng dẫn cho bà con canh tác sản xuất.

Người dân Ơ Đu đã biết ra chợ trao đổi hàng hóa của mình sản xuất ra.

Lên thăm lại đồng bào Ơ Đu, bà con ai nấy không dấu hết niềm vui khi được Nhà nước chăm lo đời sống của họ. Anh Lo Văn Thống, một người dân bản Xốp Pột tâm sự: "Nhà tôi có 4 nhân khẩu, ngày trước ở trong rừng, trong khe khổ lắm. Bây giờ ra vùng tái định cư cái gì cũng có. Nào là nhà cửa, sân vườn, ruộng nương, lợn gà chăn thả từng đàn, nhà có ti vi để xem, có loa đài để nghe nhạc… Được như thế này là mãn nguyện lắm rồi".

Cùng bản, gia đình anh Lò Văn Khánh cũng sống trong một ngôi nhà gỗ rất to đẹp. Được biết, ngày ra tái định cư ở khu mới Văng Môn này, vợ chồng anh đã di chuyển toàn bộ gỗ lạt của ngôi nhà cũ trong khe, cộng với gỗ tích góp bấy lâu để dựng nên ngôi nhà sàn to và bề thế. Anh Khánh không dấu gì chúng tôi và cho biết: "Từ ngày ra nơi ở mới, gia đình đã mua sắm được rất nhiều tiện nghi đắt tiền như tivi, tủ lạnh, xe máy…".

Ngoài những căn nhà đẹp, xinh xắn xếp liền nhau chẳng khác nào dãy phố nơi miền sơn cước. Từ khu tái định cư số 1 đến khu số 3 điện lưới được đưa vào tận từng nhà, vườn dậu được bà con trồng cây cối xanh tươi thẳng tắp.

Một số bà con Ơ Đu chia sẻ, bây giờ tại bản Văng Môn đêm đến đỏ điện sáng như ban ngày. Nếu so sánh với thời gian trước đây ở trong khe suối thì một trời một vực. Bây giờ nhà nào cũng có xe máy, nhà nào cũng có ti vi để xem.

Được biết, ngày trước ở vùng núi Nga My này đường đi vào hết sức khó khăn, trên đường đi đầy sên, vắt, rắn rít rất ghê sợ, còn bây giờ đã có đường rải nhựa thẳng băng. Vì thế bà con đi lại thuận tiện, nhất là các em học sinh của tộc người Ơ Đu thay vì đi bộ như trước đây thì giờ đã được bố mẹ mua sắm cho những chiếc xe đạp rất đẹp để đến trường.

Được biết, ngày trước ở trong khe suối, con em đồng bào Ơ Đu không mấy ai đi học chữ. Từ ngày ra vùng tái định cư, nơi đây đã được xây dựng hệ thống trường học bề thế. Hiện nay có một số con em đồng bào Ơ Đu đã tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng…

Về bản mới Văng Môn, chiều chiều người ta lại nghe tiếng trống, tiếng trẻ thơ rộn rã sau mỗi buổi tan trường. Đó đây từng đàn bò nhởn nhơ tìm về chuồng trại, trên lưng mỗi người dân Ơ Đu đầy những gùi lương thực từ trên nương, trên rẫy mang về với bản làng.

Trẻ em dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga Mỹ, huyện Tương Dương) hôm nay.

Một lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết: Hiện nay, ở Việt Nam đồng bào của tộc người Ơ Đu duy nhất chỉ còn 73 hộ dân/438 nhân khẩu sống ở vùng núi Tương Dương. Tộc người này đang có nguy cơ “tiêu vong”. Hiện ở Sầm Nưa thuộc nước bạn Lào cũng có tộc người “Kniêng” mà người dân Việt Nam thường gọi họ là “ Ơ Đu ở Lào”. Rất mong các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, vì hai tộc này (Ơ Đu và Kniêng) là một./.

Tác giả: Phan Sáng

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP