Du lịch

Món bún riêu "thắt bím tóc" lạ lùng, chỉ bán 3 tiếng là hết hàng

Với tuyệt chiêu thắt bím để giữ độ giòn, dai của ruột vịt, món bún riêu độc lạ của vợ chồng chị Phượng bán hết vèo trong 3 tiếng mỗi sáng suốt hơn 20 năm qua.

20 năm nay, vợ chồng chị Ngọc Phượng, 43 tuổi và anh Phạm Tấn Trung, 44 tuổi bán bún riêu ruột vịt thắt bím - món ăn "độc nhất vô nhị" ở Sài Gòn.

Khác với món bún riêu nấu kiểu truyền thống, vợ chồng chị Phượng sử dụng nguyên liệu chủ yếu là huyết, thịt và ruột vịt thắt bím. Giá mỗi tô chỉ 25.000 đồng.

Quán chỉ có 6 chiếc bàn inox nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách. Chị Phượng tận dụng vỉa hè và khoảng sân trống khoảng 60m2, đối diện số 944 đường Tạ Quang Bửu, quận 8, của gia đình nên tiết kiệm chi phí mặt bằng.

Chị Phượng mất thêm khoảng 30 phút cho mỗi lần thắt bím ruột vịt trước khi luộc (Ảnh: Thanh Huyền).


Sau khi mua ruột vịt ở chợ về, chị vo sạch với muối. Để ruột không tanh chị cạo sạch chất dơ bên trong, rửa nước nhiều lần. Mỗi đoạn ruột vịt thường dài hơn 50cm, để không bị rối khi chế biến, chị nghĩ ra cách thắt lại như bím tóc. Khi thắt phải thật khéo léo, nếu làm quá mạnh, ruột sẽ bị đứt. Tuy nhiên vẫn phải đủ chặt để khi luộc chín không bị bung ra. Ruột vịt sẽ được luộc riêng để không bị ám mùi vào các nguyên liệu khác.

"Không ngờ với hình thức này, món ăn của mình trở nên độc lạ, chưa thấy quán thứ hai ở Sài Gòn", bà chủ quán cho biết.

Quán bún riêu vịt của chị Phượng đông khách sáng 13/10 (Ảnh: Thanh Huyền).


Mỗi ngày vợ chồng chị Phượng sẽ dậy từ lúc 4h sáng chuẩn bị đi chợ, chọn mua tất cả các nguyên liệu tươi ngon. Mọi công thức nêm nếm, chế biến đều do một tay chị thực hiện.

Trung bình một ngày, với khoảng 10kg ruột vịt, 5kg mề, 30kg bún chị nấu được hơn 200 tô, bán hết vèo trong 3 tiếng buổi sáng từ 6-9 giờ.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, khoảng 6h chị Phượng dọn hàng bán. Khi khách đến mua, chị mới cắt thành từng miếng vừa ăn để đảm bảo ruột vịt giữ được mùi vị và không bị khô. Bí quyết này cũng làm cho ruột trở nên giòn hơn. Khách ăn chấm với nước mắm gừng và ớt sẽ kích thích vị giác.

"Người ta bảo tui bán rẻ quá, lợi nhuận không được bao nhiêu mà lại mất công. Nhưng tôi quan niệm, tuy món ăn bình dân nhưng nhìn vẫn phải đẹp. Khách ăn nhìn vào thấy gọn gàng sạch sẽ cũng cảm thấy ngon miệng hơn. Tui không thể nào để nguyên một sợi ruột mà bán, nhìn không đẹp mắt đến mình còn chưa muốn ăn, huống gì là khách", chị Phượng vui vẻ nói.

Tô bún giá 25.000 đồng bình dân giữa Sài Gòn (Ảnh: Thanh Huyền).


Ngoài thịt và ruột vịt, quán còn có chân vịt, đầu cổ... để khách thoải mái chọn lựa thêm. Mỗi món thêm giá từ 5.000 đến 10.000 đồng. Với nhiều khách không đủ tiền hoặc phần ăn trẻ em thì mua bao nhiêu chị cũng bán.

Gần đây, khu quận 8 có nhiều quán bún riêu vịt mọc lên, nhưng tiệm của chị Phượng luôn hút khách nhất. Ngoài những khách quen, nhiều bạn trẻ ở xa cũng ghé đến ăn thử và chia sẻ với bạn bè trên mạng xã hội.

Nước lèo được đun lửa nhỏ suốt buổi sáng, lúc nào cũng nghi ngút khói (Ảnh: Thanh Huyền).


20 năm qua, quán hầu như chỉ nghỉ bán vào dịp Tết. Nhưng mới đây, chị Phương phải đóng cửa suốt hai tháng vì anh Trung lâm bệnh nặng. Hiện giờ, anh không còn phụ giúp chị bán như trước, thay vào đó là chị em trong nhà phụ giúp nhau. Khách quen tới ăn, ai cũng lo lắng và hỏi thăm cho tình hình sức khỏe của ông chủ quán.

Ông Phúc (58 tuổi, ngụ quận 8) một khách quen của quán gần 10 năm nay cho hay: "Vừa rồi chồng chị Phượng bệnh nên quán nghỉ bán, mấy lần tôi qua đây tìm mua mà không thấy, cứ tưởng đã nghỉ bán rồi nên tiếc lắm. Mấy đứa nhỏ ở nhà quen ăn món bún riêu ruột vịt này, mua bún riêu bình thường tụi nó không chịu ăn. Dù cũng là bún riêu nhưng vị ở đây không giống mấy quán khác".

Tác giả: Châu Thanh Huyền

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP