Tin trong tỉnh

Một công nhân tử nạn ở Nhà máy xi măng Sông Lam: Văn bản hỏa tốc của UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo những gì?

Liên quan tới vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến một người tử vong tại nhà máy xi măng Sông Lam (Đô Lương) mà PL&DS phản ánh trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã phát văn bản chỉ đạo hỏa tốc đối với các cơ quan chức năng.

Điều tra, làm rõ và xử lý đúng quy định!

Ngày 9/11/2020, PL&DS có bài viết “Tai nạn lao động nghiêm trọng tại nhà máy xi măng Sông Lam khiến một công nhân tử vong”, trước những thông tin phản ánh trong bài, ngay trong ngày 9/11/2020 UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo nội dung PL&DS phản ánh.

Văn bản hỏa tốc Số 7836/UBND-NC của UBND tỉnh Nghệ An, nêu rõ nội dung: “ Ngày 9/11/2020, trên chuyên trang điện tử Pháp luật & Dân sinh của báo Pháp luật & Xã hội có bài viết “ Tai nạn lao động nghiêm trọng tại nhà máy xi măng Sông Lam khiến một công nhân tử vong”, theo đó vụ tai nạn xảy ra lúc hơn 16h ngày 8/11/2020 tại khu xưởng sửa chữa của nhà máy xi măng Sông Lam, xã Bài Sơn, Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Vụ tai nạn khiến 1 công nhân tử vong.

Văn bản chỉ đạo Hỏa tốc mà UBND tỉnh ban hành sau khi PL&DS phản ánh vụ tai nạn lao động khiến một công nhân tử vong tại nhà máy xi măng Sông Lam

Về vấn đề này, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh có ý kiến như sau: 1. Giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng liên quan, khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động nêu trên làm cơ sở xử lý theo đúng quy định; 2. Giao Sở LĐ&TBXH, UBND huyện Đô Lương quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ thân nhân gia đình nạn nhân; 3. Yêu cầu Cty CP xi măng Sông Lam phối hợp với các cơ quan chức năng, báo cáo làm rõ vụ tai nạn lao động nêu trên, đồng thời có hình thức thăm hỏi, bảo đảm quyền lợi của người lao động theo đúng quy định pháp luật hiện hành.”.

PL&DS ghi nhận sự vào cuộc cũng như sự chỉ đạo khẩn cấp từ UBND tỉnh trước thông tin mà PL&DS phản ánh liên quan tới vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại nhà máy xi măng Sông Lam của Cty CPXM Sông Lam. Sự chỉ đạo kịp thời này không những thể hiện việc quản lý chặt chẽ, sâu sát của chính quyền sở tại trong công tác lao động, sản xuất trên địa bàn, mà còn thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho đời sống, tính mạng người lao động.

Liệu có bị “chìm xuồng”?

Trước đó, theo thông tin PL&DS nắm được từ Chủ tịch UBND xã Bài Sơn là ông Đào Danh Hà thì sau khi vụ tai nạn lao động xảy ra khiến anh Nguyễn Hàm D. (33 tuổi, xã Quang Sơn, Đô Lương) là công nhân sửa chữa máy tại nhà máy xi măng Sông Lam thuộc Tập đoàn nhà máy xi măng The Vissai tử vong thì giữa những người có trách nhiệm của nhà máy xi măng Sông Lam và gia đình nạn nhân đã có sự bàn bạc thỏa thuận.

Việc “thỏa thuận” này kéo dài từ sau khoảng 17h chiều cùng ngày cho đến đêm dưới sự chứng kiến, trung gian đứng ra từ lãnh đạo xã Bài Sơn nhưng sau đó đã không thành do hai bên đã không tìm được tiếng nói chung.

“Sau nhiều giờ hai bên thỏa thuận về hướng xử lý sự việc, mức hỗ trợ…dưới sự chứng kiến trực tiếp từ lãnh đạo UBND xã trong đó có tôi, tuy nhiên do không tìm được tiếng nói chung về mức tiền hỗ trợ do gia đình yêu cầu mức hỗ trợ 1 tỷ đồng thì bên nhà máy cho rằng không thể đáp ứng, vậy thì phải nhờ cơ quan pháp luật, nên hai bên đã không thống nhất được phương án xử lý sự việc, gia đình vẫn để thi thể nạn nhân tại nhà máy. Sau đó tôi về nhà và nghe lại anh em Công an xã báo cáo lại là tới tầm gần 00h cùng ngày thì hai bên đã thỏa thuận được với nhau về mức hỗ trợ và gia đình cũng đã đồng ý đưa thi thể nạn nhân về nhà an táng.” – Ông Hà – Chủ tịch UBND xã Bài Sơn thông tin.

Dư luận tại tỉnh Nghệ An chờ đợi câu trả lời rõ ràng, đúng pháp luật từ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An về cái chết của công nhân Nguyễn Hàm D (Ảnh hiện trường anh D tử vong)

Liên quan tới nội dung mức “hỗ trợ” 300 triệu đồng mà phía nhà máy xi măng Sông Lam “thỏa thuận” với gia đình nam công nhân xấu số, trao đổi với PV qua điện thoại, bà Duyên – Người đại diện phát ngôn truyền thông nhà máy xi măng Sông Lam chỉ nói rằng mong báo đừng thông tin vụ việc và từ chối cung cấp các thông tin khác.

Quá trình hoạt động sản xuất, nhà máy này đã có nhiều tai tiếng liên quan tới việc gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều gia đình "sống mòn" bao năm qua nhưng cũng chưa được quan tâm, tái định cư để ổn định cuộc sống, bảo đảm sức khỏe. Nhà máy này cũng từng dính líu tới chuyện tiếp tay cho "quặng tặc". Trước đó, PL&DS cũng đã có bài viết phản ảnh việc lợi dụng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhiều đối tượng đã mang máy múc, hàng chục xe tải vào khu vực xóm 2, xã Bài Sơn khai thác trộm đất giàu quặng mang đi bán. Hàng ngàn m3 đất đã bị khai thác, vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Từng đoàn xe tải chở đầy đất chạy vào khu vực Nhà máy xi măng Sông Lam (huyện Đô Lương). Chiều 1-5, từ tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Nghệ An bí mật ập vào bắt quả tang hoạt động khai thác đất trái phép ở xã Bài Sơn. Lúc đó, việc khai thác đất trái phép mới dừng lại.

Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Đô Lương đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về Đảng đối với ông Quang. Về mặt chính quyền, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cũng đã ký quyết định kỷ luật mức cảnh cáo ông Quang vì đã buông lỏng quản lý để xảy ra khai thác đất trái phép.

PL&DS sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Pháp luật & Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP