Thế giới

Mỹ cứ dọa, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có trong tay F-35, S-400 kể cả phải rời NATO?

S-400 sẽ là biểu tượng cho quan hệ Nga-Thổ thăng tiến, trong khi F-35 có thể sẽ là hợp đồng cuối cùng mà Mỹ chuyển giao cho Ankara trong tư cách thành viên NATO.

S-400 sẽ là biểu tượng trong quan hệ được nối lại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dồn ép vào đường cùng

Washington đã đấu tranh để thuyết phục Ankara từ bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ S-400 từ Moscow, với tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực châu Âu và Á-Âu Was Mitchell gần đây nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với các đòn trừng phạt nếu mua hệ thống tên lửa của Nga.

Cho đến hiện tại, bất chấp thái độ cương quyết của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua hệ thống phòng không của Nga, phía Mỹ vẫn liên tục gây sức ép, thậm chí là đe dọa đưa ra các biện pháp trừng phạt áp đặt với đồng minh NATO của mình.

Tuy nhiên cần phải nhớ rằng, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã nhiều lần khẳng định Ankara sẽ gắn bó chặt chẽ trong thỏa thuận với Nga bất kể điều gì xảy ra.

Amur Hajiyev, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ Đương đại tại viện Nghiên cứu Đông phương của Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã giải thích lý do đằng sau phản ứng gay gắt từ Washington đối với Ankara liên quan đến thỏa thuận mua vũ khí với Moscow.

Ông bày tỏ quan điểm rằng, Mỹ đang cố gắng duy trì ảnh hưởng của mình đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vì những diễn biến gần đây cho thấy sự phụ thuộc của Ankara vào Washington đang giảm bớt. Chuyên gia Hajiyev cho biết, Ankara đang ngày càng độc lập hơn nhờ vào chính sách đối ngoại Á-Âu và chuyển hướng sang Nga.

“Viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một người chơi độc lập trong khu vực không phải là điều mà các nước phương Tây mong muốn”, chuyên gia này nhận định. “Việc nối lại quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga dẫn tới bối cảnh phương Tây để mất đòn bẩy trong quan hệ với Ankara”.

Hajiyev lưu ý, việc Ankara mua lại S-400 không phải là điều duy nhất làm phiền lòng các quốc gia phương Tây.

Hợp tác với Nga về vấn đề Syria, đường ống dẫn khí “Turkish Stream” và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu cũng mâu thuẫn với tầm nhìn của phương Tây về Thổ Nhĩ Kỳ như là một “sân sau” của nhóm này trong khu vực.

"Phương Tây không sẵn sàng để thấy Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một chính sách đối ngoại đa chiều độc lập", Hajiyev nói.

Bất chấp lệnh trừng phạt

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi đến cùng hợp đồng với S-400 dù có phải rời khỏi NATO.

Faruk Logoglu, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao và cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ nói rằng, vấn đề S-400 đã được thảo luận tại Quốc hội Mỹ nhiều lần và những cảnh báo hậu quả gần đây là điều bất thường.

"Tuyên bố đó đại diện cho một thái độ chung trong Quốc hội Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ liên quan đến việc mua S-400, mà còn trong các khía cạnh khác của quan hệ song phương Mỹ-Thổ. Nhưng đến phút cuối, sẽ không lệnh trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ", nhà ngoại giao nói.

Ông Logoglu cũng tái xác nhận, quyết định mua hệ thống S-400 của Ankara là "cuối cùng và không thể đảo ngược" và “các đồng minh NATO nên chấp nhận điều đó”.

Mỹ đã cố gắng thay đổi suy nghĩ của Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga kể từ khi Ankara và Moscow ký hợp đồng vào tháng 12/2017.

Một trong những lý do chính của Washington là lo ngại Nga sử dụng S-400 để có được bí mật về máy bay phản lực thế hệ thứ năm F-35, mà Thổ Nhĩ Kỳ dự định sẽ được chuyển giao theo hợp đồng ký với Lockheed Martin.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Mitchell cho biết vào ngày 26/6 rằng Ankara sẽ phải đối mặt với "hậu quả" nếu không từ bỏ thỏa thuận S-400 với Moscow. Ông cũng nhắc nhở Thổ Nhĩ Kỳ rằng Mỹ có thể tạm dừng các chuyến hàng F-35 để đáp trả việc nước này mua hệ thống S-400.

Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận vào ngày 25/6 rằng Thổ Nhĩ Kỳ không có kế hoạch từ bỏ thỏa thuận với Moscow về việc mua các hệ thống phòng không S-400.

Trong quan điểm của mình, Tiến sĩ Emre Ersen từ khoa Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học Marmara cho rằng, bất chấp những lời đe dọa trên, Ankara sẽ vẫn có hệ thống phòng thủ của Nga và máy bay chiến đấu F-35 cũng sẽ giao hàng đúng hẹn.

“Chúng ta cần lưu ý rằng Ankara là một trong những nước tham gia đóng góp nhiều nhất cho dự án F-35. Đó là một dự án quốc tế và Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng góp hơn 1 tỷ USD. Vì vậy, tôi nghĩ, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu nếu Mỹ quyết định không gửi máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ”, Tiến sĩ Ersen nêu quan điểm.

Ông cũng cho rằng, một động thái như vậy thậm chí có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến gần Nga hơn, nên đó không phải là điều mà Washington muốn xảy ra.

Mặt khác, Ankara và Moscow đã thực sự đi một chặng đường dài, liên quan đến thỏa thuận S-400. Do đó, thỏa thuận không thể bị hủy bỏ rất dễ dàng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tìm kiếm sự cân bằng giữa Nga và Mỹ trong những tháng tiếp theo liên quan đến vấn đề này.

Nhà phân tích này cũng đánh giá, thỏa thuận S-400 giống như là biểu tượng của mối quan hệ được cải thiện giữa Ankara và Moscow. Cả hai đều muốn tận dụng lợi ích trong đó để ứng phó với phương Tây. Vì vậy, hai nước sẽ cố gắng giữ trong tay “quân bài” S-400 trong tay càng lâu càng tốt.

Về câu hỏi liệu bước đi gây tranh cãi này có ảnh hưởng đến tư cách thành viên của NATO hay không, Tiến sĩ Ersen nhận định rằng quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Âu khác đã không được tốt trong vài năm qua.

Có lẽ đã đến lúc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp và lựa chọn khác trong chính sách đối ngoại của mình và một trong những lựa chọn thay thế đó là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Tác giả: Quốc Vinh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: S-400 , NATO , Thổ Nhĩ Kỳ , Mỹ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP