Em Nguyễn Văn Nhã (SV Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học Huế) đã hi sinh thân mình cứu bạn thoát đuối nước. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Đó là ngày Nhu từ Huế đưa linh cữu em trai là Nguyễn Văn Nhã (SN 1998) trở về quê nhà Nghệ An. Khi cố gắng cứu 3 bạn nữ thoát đuối nước, Nhã đuối sức, bị nước biển nhấn chìm. Bố mẹ em thêm một lần chịu nỗi đau mất con vì đuối nước. Người bố chưa một lần khóc trước mặt vợ con cũng suy sụp. Nhưng với ông, cậu con trai Nguyễn Văn Nhã đã có một cuộc sống “tốt đời đẹp đạo” như đã được răn dạy.
Ngày về, còn mình anh bước xuống xe...
“Chiều 30/4, nghỉ lễ nhưng em vẫn ở lại Sài Gòn làm thêm. Đang làm dở thì nhận tin báo em Nhã bị đuối nước. Lúc đó, điện thoại lại sắp hết pin, các bạn của Nhã gọi video, em chỉ thấy mọi người đang vây quanh em ấy để cấp cứu trên bãi biển, rồi máy sập nguồn. Em vội đi tìm người để sạc nhờ điện thoại.
Khi mở được máy, gọi lại thì các bạn nói đang đưa Nhã đi bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, mạch vẫn còn đập. Có lẽ mọi người nói vậy để em bình tĩnh, không quá suy sụp, chứ lúc ấy Nhã mất rồi...”, Nguyễn Thành Nhu (SN 1996) – anh trai của Nhã nhớ lại.
Nguyễn Thành Nhu - anh trai của Nhã đã bay từ TP Hồ Chí Minh về Huế để đưa em trai về quê nhà. |
Bỏ lại công việc, Nhu vội vã mua vé bay về Huế. Sân bay Tân Sơn Nhất ngày lễ hối hả người. Cuối cùng, Nhu cũng kịp mua được vé để về với em trai. Thời gian ở ghế đợi dài đằng đẵng, cậu chỉ biết chắp tay lại, nguyện cầu có một phép màu nào đó để Nhã có thể qua cơn nguy kịch. 2h sáng hôm sau Nhu mới về đến sân bay Huế, cậu chạy thẳng tới bệnh viện.
Em Nhã mất thật rồi! Em nằm đó, gương mặt đẹp trai, lành lặn như đang ngủ. Bạn bè ở lại cả đêm trực xung quanh, cả các Cha cũng có mặt cầu nguyện. Tất cả cùng đợi Nhu, để làm thủ tục đưa em Nhã về quê nhà...
Nhu là anh trai kế của Nguyễn Văn Nhã, cậu nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn như tên gọi. Ngày em trai gặp nạn, Nhu là người được báo tin đầu tiên. Cậu vốn là cựu sinh viên báo chí Huế. Khi Nhu đang học năm cuối, thì em trai Nguyễn Văn Nhã vào năm nhất ngành Công nghệ thông tin – Trường ĐH Khoa học Huế .
Anh trai đã đưa Nhã đi nhập học, tập cho em quen với cuộc sống sinh viên. Khi tốt nghiệp đi làm, anh vừa lo trang trải cuộc sống cá nhân, vừa nuôi Nhã học tiếp. Trong số các anh chị em, Nhã thường nói chuyện, tâm sự với anh Nhu nhiều nhất. Chính vì vậy, bạn bè của Nhã đều biết và coi Nhu như anh trai chung của cả nhóm, có việc gì đều thông báo cho anh.
Nguyễn Văn Nhã được bạn bè yêu quý vì tính tình hiền lành, lương thiện, hay giúp đỡ bạn bè. |
“Mọi người thay quần áo cho Nhã, rồi đưa lên xe về quê mẹ. Dịp lễ nên tàu xe khó khăn, thuê xe cấp cứu thì tốn kém. May mà có xe miễn phí của giáo xứ Lâm Xuyên ở Yên Thành (Nghệ An) vào tận nơi hỗ trợ. Bình thường em Nhã là người hiền lành, vui vẻ, hay giúp đỡ bạn bè. Có lẽ vậy mà khi đi rồi, em cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người”, Nhu kể lại.
Đến 14h ngày 1/5, Nguyễn Văn Nhã được đưa về tới nhà, ở xóm 7, giáo họ Đồng Lăng, xã Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhìn thấy bố mẹ, các anh chị, khi ấy Nhu mới khóc như đứa trẻ. Suốt cả một chặng đường dài trên xe, Nhu phải lo liệu mọi việc cho em. Lớn lên bên nhau, rồi cùng đi ở trọ, cùng học đại học, vậy mà khi từ Huế trở về, chỉ còn Nhu bước xuống. Em trai cứ vậy nằm yên...
Nước mắt người đầu bạc
Bà nội của Nguyễn Văn Nhã năm nay 92 tuổi, tóc bạc trắng, không tự đi lại được. Khi Nhã về tới nhà, bà ngồi trên xe lăn, nhìn cháu bằng đôi mắt mờ đục, tay níu lĩnh cữu, mấy lần hỏi đi hỏi lại “răng lại bịt hắn lại rứa”? Từ nhỏ, Nhã được xem là “tay sai đắc lực” của cả nhà. Em chịu khó chiều ý ông bà, bố mẹ, các cháu nhỏ. Mỗi lần đi học xa về, Nhã đều làm tài xế chở ông đi chơi, giúp lễ, mặc áo, đọc sách cho ông bà. Bà nhớ cháu, mỗi lần gặp đều nhắc: “Rày (bây giờ - PV) cháu đi học nữa không, thôi đừng đi học nữa...” để ở nhà với bà. Giờ thì Nhã đã về thật rồi, sẽ không còn đi đâu xa, nhưng cũng không thể nào làm “tay sai vặt” cho mọi người được nữa.
Bà nội của Nhã đã 92 tuổi, ngồi xót xa bên linh cữu cháu. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Trong mảnh sân con sau nhà, bà Hoàng Thị Hữu (SN 1966, mẹ của Nhã) ngồi khóc lặng lẽ, thỉnh thoảng quay mặt đi, đưa tay gạt nước mắt. Suốt lễ đưa tang Nguyễn Văn Nhã về an nghỉ bên Chúa, bà không khản giọng gọi tên con, cũng không oán trách số phận. Nỗi đau của người mẹ, dường như quặn lại, bóp nghẹt trong tim, thành dáng ngồi lặng im, trong đôi mắt đỏ hoe, sưng mọng.
“Từ tết tới giờ em nó chưa về nhà lần nào, dịp lễ vừa rồi cũng ở lại. Nó ít khi về lắm, vì sợ tốn tiền của bố mẹ. Tiền xe từ Huế về nhà hết gần 300 nghìn. Mỗi năm nó chỉ về hè và về Tết thôi. Từ bữa tới giờ cũng chưa gọi điện về cho mẹ. Hôm trước nó gọi cho anh Nhu làm trong Sài Gòn xin tiền học. Anh mới gửi cho mấy triệu, chắc chưa dám tiêu chi...”, bà Hữu kể, giọng rõ ràng, không cao, không thấp. Chỉ thấy nước mắt cứ chảy dài trên gương mặt thẫn thờ sau mấy đêm thức trắng.
Bà Nguyễn Thị Hữu thẫn thờ khi nhắc đến sự ra đi của con trai. |
Nhiều năm trước, em trai út trong gia đình Nhã cũng từng bị đuối nước tử vong. “Đến tháng 6 này, là tròn 12 năm cháu mất. Hôm đó cũng là một buổi chiều, mấy anh em kéo nhau ra nông giang (kênh dẫn nước) cho bò ăn cỏ. Nông giang đang mở nước về đồng ruộng để chuẩn bị cấy vụ hè thu. Cháu bị rơi xuống nước, người ta thấy 2 chiếc dép nổi lên, tìm mãi mới thấy. Thằng bé mới hơn 4 tuổi, đẹp trai, mạnh khỏe, nhanh nhẹn lắm”, bà Hữu nhớ lại.
Hơn chục năm đã trôi qua, bà vẫn không thể nào quên được ngày đứa con trai út vĩnh viễn không ở lại cùng bố mẹ. Nỗi đau mất con vẫn ở đó, đau đáu, day dứt, chưa hề nguôi ngoai. Vậy mà 12 năm sau, vào một buổi chiều, Nguyễn Văn Nhã cũng bị đuối nước, ra đi.
Gia đình đã làm lễ an táng cho Nhã theo phong tục địa phương. |
“Ngày út mất, em còn nhỏ, mới học lớp 7 nên không nhớ nhiều nữa. Chỉ biết mẹ khóc nhiều lắm. Trong nhà bố là trụ cột, lo liệu mọi việc hết. Chưa bao giờ em thấy bố khóc cả. Nhưng hôm đưa em Nhã về đến nhà, bố cũng bật khóc. Lần đầu tiên em bố khóc. Hơn 3 năm trước bố bị tai biến. Giờ lại phải chịu thêm cú sốc này, bố già và gầy hẳn”, Nguyễn Thành Nhu nói.
Con đã sống tốt đời đẹp đạo
Mỗi lần nhìn thấy vợ khóc, ông Nguyễn Đức Nhân (SN 1959) - bố Nhã - lại tìm cách nói sang chuyện khác. Ông nhắc chuyện hồi còn nhỏ, Nhã đi đâu cũng bám theo mẹ. Khi bắt đầu vào mẫu giáo, cũng phải có mẹ bế vào ngồi cùng trong lớp mới thôi khóc. “Đi lễ ở nhà thờ, 2 anh em Nhã và Nhu mỗi đứa ôm 1 tay mẹ. Ở trường cháu học khá, còn về nhà, cháu học giáo lý cũng giỏi lắm, nhiều lần được giáo họ khen”. Ông nở nụ cười, nhớ lại ký ức về con trai. “Bố cũng buồn đau lắm, nhưng nói vậy, để nguôi ngoai bớt đi, bố nghĩ như vậy...”, ông tự nói với mình, cũng như nói cho cả Nhã cùng nghe.
Sự ra đi của Nhã khiến bố của em lần đầu tiên bật khóc trước mặt vợ con . |
Nguyễn Văn Song (quê Hà Tĩnh) là bạn chơi thân với Nhã từ khi cả 2 mới vào năm nhất. Học cùng lớp, cùng trường, ở cùng xóm trọ, cả 2 gắn bó với nhau như anh em. “Hôm cả nhóm đi chơi, tắm biển Thuận An, đáng lẽ em cũng đi cùng, nhưng lại có việc ở Hà Nội nên không ở lại Huế được. Ở ngoài Hà Nội, nghe tin, nhìn ảnh bạn trên báo mà em không tin nổi. Em vội bắt xe từ ngoài ấy về nhà bạn”, Song nói.
Không kịp về đưa tang Nhã vào chiều 2/5, mãi đến 3h sáng hôm sau, xe khách mới đưa Song về tới làng Quỳnh Yên. Không biết nhà bạn ở đâu, giờ ấy cũng không có ai để hỏi đường, cậu ngồi trước cổng giáo xứ Cẩm Trường. May sao có người đi qua, chở Song về tận nhà Nhã. Chỉ kịp ở lại 1 buổi, thắp cho bạn nén nhang, Song phải quay trở lại Huế đi học.
Cậu ôm bố mẹ bạn, hứa “con sẽ về thăm 2 bác nhiều lần”, rồi mang balô đi. Cả lớp đang chuẩn bị thi cuối kỳ. Chỉ còn 3 tuần nữa thôi, Nhã và các bạn sẽ hoàn thành chương trình ĐH, tốt nghiệp ra trường. Bao nhiêu hi vọng, ước mơ, dự định thanh xuân, đã dừng lại ở tuổi 23 của Nhã, một cách không ai ngờ được.
Em Nguyễn Văn Nhã đã được truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm. |
Chiều ngày 30/4, Nguyễn Văn Nhã cùng nhóm bạn đi chơi ở ven biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đến lúc gần ra về, Nhã phát hiện có 3 bạn nữ trong nhóm bị sóng biển cuốn liền bơi ra cứu. Nhưng khi đưa được 3 bạn vào khu vực an toàn, Nhã đuối sức, bị nước biển nhấn chìm rồi tử vong sau đó.
Theo lời người nhà của Nhã cho biết, 3 bạn được em cứu vẫn đang theo dõi sức khỏe ở bệnh viện. Trong đó có 2 bạn quê ở Yên Thành (Nghệ An), 1 bạn quê Thanh Hóa. Hôm đưa tang Nhã, gia đình của các bạn cũng vào thăm viếng, rồi xin phép vào Huế để chăm sóc con đang nằm viện. Một bạn sức khỏe đang yếu, nên mọi người giấu, chưa dám báo tin Nhã đã qua đời.
Sự ra đi của Nhã là nỗi mất mát không gì bù đắp nổi, nhưng với gia đình, em đã sống tốt đời đẹp đạo. |
Nhắc đến hành động quên mình cứu bạn của con trai, ông Nhân trải lòng: “Tôi nghĩ con làm như vậy là xuất phát từ lòng tốt muốn cứu giúp bạn. Nếu khôn ngoan, bình tĩnh, Nhã phải lên bờ, tự cứu mình trước, rồi tìm cách cứu người khác sau. Nhưng lúc đó, có lẽ mọi việc nhanh quá, con hành động bột phát, tự nguyện và không có sự tính toán nào cả. Con mất rồi, nhưng con đã sống tốt đời đẹp đạo như đã được dạy từ bé”.
Hoàn cảnh gia đình Nhã khó khăn, bố mẹ làm nông nghiệp nuôi 8 người con ăn học. Trong đó người anh trai cả lúc nhỏ mắc bệnh uốn ván, may mắn sống sót nhưng mang di chứng, bị khuyết tật (câm điếc) suốt đời. Cuộc sống vất vả, trong 8 anh em, chỉ có Nhu và Nhã là được học lên đại học.
Tuổi trẻ của Nhã đã dừng lại ở tuổi hai mươi. |
Nhưng tai nạn đuối nước lại một lần nữa cướp đi cậu con trai đang ở tuổi 23 tươi đẹp. Nỗi đau không gì bù đắp nổi, nhưng “chúng tôi không đòi hỏi gì cả đâu. Chỉ mong việc làm của con có ý nghĩa, mọi người sẽ cùng cầu nguyện và nhớ đến con”, ông Nhân nói.
Giữa gian nhà giờ đây là bàn thờ của Nguyễn Văn Nhã – con trai thứ 6 trong gia đình, đã từng cao lớn, mạnh khỏe, hiền lành. Di ảnh của em tươi nguyên nụ cười rạng rỡ, trẻ trung. Bên cạnh đặt Bằng khen cùng “Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm”, và xung quanh là những bông hoa cúc trắng bung nở... |
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại