Chiều nay 13/11, tại huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, UBND huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học: “Phát triển bền vững du lịch Kỳ Sơn: Thực trạng và vấn đề”.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Bình An/BNEWS/TTXVN |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, huyện đang quan tâm rà soát và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng kết nối kinh tế du lịch, du lịch nông nghiệp, khai thác tối đa các lợi thế tự nhiên, nhân văn mà Kỳ Sơn đã và đang có.
Hiện nay, huyện Kỳ Sơn đang nỗ lực triển khai hiệu quả các chương trình, tạo sinh kế cho người dân thông qua các mô hình sản xuất; trong đó có hoạt động du lịch, thương mại phù hợp với trình độ văn hóa và đặc thù của Kỳ Sơn. Cùng với đó là tư duy liên kết ngành sản xuất - thương mại - du lịch là động lực để phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Các diễn giả cùng nhiều đại biểu từ các bản tại Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: Bình An/BNEWS/TTXVN |
Theo ông Võ Bá Nguyên, Giám đốc Công ty Vinh Guru Tours Nghệ An, Kỳ Sơn cần tập trung cải thiện chất lượng và số lượng dịch vụ (lưu trú, ăn uống); đảm bảo an toàn cho khách, đặc biệt điểm đến leo Đỉnh Pu Xai Lai Leng, tắm thác, trekking. Đồng thời cải thiện thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng cho khách quốc tế khi vào tham quan, trải nghiệm các điểm đến trong vùng biên giới; cần giữ gìn, bảo vệ cảnh quan tự nhiên hoang sơ và cần nâng cấp sửa chữa cơ sở hạ tầng, đặc biệt đường vào Na Ngoi, Mường Lống giúp việc đi lại thuận lợi hơn trog quá trình tham quan.
Sản phẩm du lịch được trưng bày bên lề hội thảo. Ảnh: Bình An/BNEWS/TTXVN |
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Ngọc Lâm- Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Việt-Lào-Thái cho hay, chính quyền địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi tham gia các tour du lịch xuyên biên giới Việt-Lào; tập trung thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch giữa Việt Nam với Lào và ngược lại, nhất là các địa phương giáp biên với huyện Kỳ Sơn,
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo, quy hoạch của huyện Kỳ Sơn cần chỉ rõ những lợi thế và hạn chế của từng bản trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Đồng thời, cần đánh giá tính khả thi đối với từng nhóm khách hàng để xây dựng các sản phẩm, mô hình du lịch hợp lý, tránh để xảy ra xung đột giữa chính các nhóm khách hàng với khách hàng, cở sở du lịch này với cơ sở du lịch khác…
Kỳ Sơn là huyện miền núi, biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 250 km, có diện tích tự nhiên 209.484 ha (đồi núi chiếm trên 98%, diện tích đất bằng chiếm trên 1%), có đường biên giới giáp ranh với nước bạn Lào dài 203,409 km, có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.
Với tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng do có địa hình núi non hùng vĩ và văn hóa dân tộc thiểu số còn giữ được các nét nguyên bản, chưa được khám phá hết nên rất hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là nền tảng, là cơ hội cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng…
Bước đầu, huyện đã hình thành phát triển các mô hình du lịch như điểm du lịch tại xã Na Ngoi (leo núi chinh phục đỉnh Pu Xai Lai Leng), điểm du lịch xã Mường Lống với nhiều hoạt động vui chơi giải trí như chọi bò, chợ phiên của đồng bào Mông; điểm du lịch bản Yên Hoà, xã Mỹ Lý với nét bản sắc của đồng bào Thái với tháp cổ Xốp Lợt…
Huyện đã ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Kỳ Sơn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết thấu đáo như cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật chưa đảm bảo; các quy định pháp lý về quản lý du lịch chưa đầy đủ và còn không ít bất cập…
Tác giả: Bình An
Nguồn tin: bnews.vn