Tin trong tỉnh

Xóa sổ những bản “đèn dầu” cuối cùng ở Kỳ Sơn

Những ngày đầu năm 2023, giữa núi cao rừng thẳm huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lại rậm rịch bước chân của hàng trăm người thợ xây lắp đường dây trung hạ áp và các trạm biến áp. Chúng tôi theo chân người thợ vượt dốc núi bùn lầy để tận mắt nhìn thấy những cột điện hiện lên vững chãi trong gió lạnh, mưa bay và sương mù.

Trạm biến áp ở bản Kẻo Cơn, xã Keng Đu_Ảnh: V.T

Huyện Kỳ Sơn hiện có 75/193 bản chưa có điện, thuộc 15 xã ở địa bàn vùng sâu và hiểm trở, trong đó 5 xã có nhiều bản “đèn dầu” nhất là: Bắc Lý - 11 bản, Mỹ Lý - 9 bản, Mường Lống - 9 bản, Keng Đu - 7 bản, Đoọc Mạy - 4 bản. Chúng tôi chọn một số xã có nhiều bản “đèn dầu” để tiếp cận công việc của người thợ, đặc biệt là việc vận chuyển cột trụ hạ thế và trung thế - một nguyên liệu cơ bản của đường dây truyền tải điện.

Đưa cột trụ vào vị trí siêu khó

Tại xã Mỹ Lý, anh Mai Đình Trung - cán bộ kỹ thuật gói thầu số 4 của Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Nghệ An - cho hay, 2 bản Piêng Pèn và Hòa Lý là 2 địa điểm siêu khó khi vâjn chuyển cột trụ lên đây. Sự siêu khó được anh miêu tả là, ở đây không có cầu bắc qua sông Nậm Nơn. Tất cả các cột trụ muốn kéo lên 2 bản này đều phải tập kết cách bờ sông Nậm Nơn khoảng 3km.

Từ đây, xe ben chuyên dụng tăng bo đến bờ sông để người thợ thi công vận dụng sức người, dùng dây cáp kéo cột qua lòng sông (đoạn nào nước chảy xiết hoặc dốc quá phải dùng máy kéo hỗ trợ). Cột dài 20m. Lòng sông nơi hẹp nhất là 50m, sâu gần 10m. Khi cột trụ được kéo lên khỏi lòng sông, xe bò lốp được sử dụng để kéo cột lên dốc cao khoảng 800m. Bò lốp kéo nhích lên từng đoạn một. Một ngày kéo cật lực cũng chỉ được 2 - 3 cột.

Đó là ngày nắng. Còn ngày mây mù và mưa phùn ướt mặt thì tất cả các loại xe chuyên dụng đều không đi được vì đường rừng rất nhão, trơn. Nếu cần đi, lốp xe phải quấn xích để ngừa xe bị quay ngang trên những nẻo đường một bên vách núi, một bên vực sâu. Tính đến ngày 30-1-2023, gói thầu số 4 đã vận chuyển được 22 cột lên bản Hòa Lý, 22 cột lên bản Piêng Pèn. 20 cột còn lại cũng được vận chuyển để khẩn trương thi công.

Trao đổi về chi tiết đường đi siêu khó của nhiều cột trụ, anh Nguyễn Hùng Vương - Phó ban Dự án thuộc Công ty điện lực Nghệ An - nói: “mỗi địa bàn có mỗi kiểu khó khác nhau. Có nơi suối nhỏ hoặc suối cạn thì xe tải chở cột trụ có thể “lội” qua. Riêng tại xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, cột trụ phải vận chuyển bằng phà thuê, đi qua lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ rộng 400m rồi mới dùng bò lốp kéo ngược lên dốc núi để thi công ở bản Pia Oi. Rất cực nhọc và kỳ công”.

Tại bản Phà Tạ, xã Đoọc Mạy, chúng tôi sững sờ khi nhìn những người thợ đang xoay vần với cột trụ trong sương mù lạnh cóng. Hỏi chuyện về thi công những cột trụ này, anh Bùi Trọng Đường - cán bộ kỹ thuật kiêm thi công gói thầu số 3 - nói: “nếu nói về vị trí siêu khó của việc đưa cột trụ lên cao thì tại 4 bản Phà Tạ, Phà Nọi, Huồi Khơ, Nọng Hán của xã Đoọc Mạy là địa bàn khó nhất của dự án này ở Kỳ Sơn. Bởi sương mù bao phủ quanh năm, tầm nhìn chỉ 10m mà biết bao công việc xung quanh cái cột trụ để “kéo” được điện về cho dân bản. Đã có lần chúng tôi xin rút lui, chấp nhận chịu phạt nhưng không được. Ban quản lý dự án động viên ráo riết để phấn đấu đến cuối tháng 3 kết thúc dự án, xóa sổ hơn 100 bản “đèn dầu” còn lại”.

Nhân công gói thầu số 3 cho hay, họ ở đây 38 ngày thì chỉ có 3 ngày nắng, còn lại là 35 ngày mưa, ngày mây và sương mù. Với tầm nhìn 10m thì thi công phải rất thận trọng mới bảo đảm chính xác và an toàn. Một vụ tai nạn xảy ra trước tết khi chiếc máy cày kéo cột trụ lên cao bị lật nghiêng vào nhà dân. Rất may không có thiệt hại gì. Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe chuyện dùng máy cày để kéo cột trụ, anh Đường giải thích: “ở đây đường nhỏ, xe reo, máy xúc đi không lọt nên phải dùng đến máy cày để “rút” từng cột trụ lên cao, đưa vào vị trí xây cột điện. Hiện chúng tôi đã dựng 85 cột hạ thế, 70 cột trung thế, hoàn thành 2 trạm cho 2 bản Phà Tạ và Phà Nọi. Ít ngày nữa sẽ tăng cường 2 “con” máy múc, 3 “con” máy cày, 1 xe reo để vận chuyển tiếp 50 cột trụ nữa”.

Trên xã “cổng trời” Mường Lống, trời đổ mưa rây và sương mù ngầu đục. Chúng tôi theo chân những người thợ gói thầu số 1 “hành quân” vào bản Tham Hốc. Tại đây, anh Nguyễn Văn Tiến - đội trưởng đội 1 - chỉ tay, hướng chúng tôi về phía dốc Tham Hốc, nói: “đời làm thợ thi công đường dây truyền tải điện của tôi chưa ngán nơi nào như đường lên bản Tham Hốc này. Ngán là vì sợ. Sợ là bởi xe 3 cầu cũng không bò lên được con dốc này”. Bởi dốc cao lại trơn tuột nên phải dùng bò lốp kéo đoạn đầu. Đến khi xe bò lốp không nhích được nữa, anh em thợ dùng sức người kéo từng cái cột vượt dốc. Sau 4 tháng thi công, đến ngày 30-1, gói thầu số 1 đã kéo được 74 cột trụ, xây xong 63 móng và một trạm biến áp ở Tham Hốc.

“Cuộc cách mạng về điện lưới ở Kỳ Sơn”

Chúng tôi tìm hiểu một số tư liệu về dự án từ anh Nguyễn Hùng Vương. Được biết, dự án cấp điện này do Tổng Công ty điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. 85% vốn ngân sách nhà nước, 15% vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Công ty Điện lực Nghệ An được giao nhiệm vụ quản lý dự án. Dự án triển khai từ năm 2014 theo Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ, về việc “Phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020”.

Ban đầu, dự án được giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư (trực tiếp là Sở Công Thương). Sau một thời gian không triển khai được do nguồn vốn, dự án được chuyển sang ngành điện vào tháng 6-2014. Bốn tháng sau, ngành điện có quyết định phê duyệt dự án đầu tư với tổng kinh phí 782,211 tỷ đồng. Quy mô, xây dựng mới hơn 688km đường dây trung thế 35KV, xây mới 203 trạm biến áp, xây mới hơn 415km đường dây hạ thế, lắp đặt 18.214 công tơ điện cho các hộ dân... Dự án được thực hiện trên địa bàn 54 xã thuộc 8 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông) của tỉnh Nghệ An.

Riêng huyện Kỳ Sơn khi bắt đầu triển khai dự án có 110 bản của 20 xã chưa có điện mà người dân quen gọi là bản “đèn dầu”. Năm 2015 là giai đoạn 1 - giai đoạn cấp bách - đã đưa điện về 21 bản “đèn dầu” của 12 xã. Năm 2020, giai đoạn 2 đã đưa điện về 9 bản “đèn dầu” của 4 xã. Năm 2021, giai đoạn 3 đưa điện về 15 bản “đèn dầu” của 7 xã. Năm 2022 là giai đoạn 4 đang đưa điện về 75 bản của 15 xã.

Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn - nói vui: “một lý do khiến dân bản vùng cao thường đi ngủ sớm từ lúc 19 giờ hằng ngày là do bản làng không có điện. Ngồi buồn quá thì họ đi ngủ thôi. Có bản, 10 gia đình xem chung một ti vi tại nhà ở gần suối có điện từ tuốc-bin. Bởi thế, dự án đưa điện về cho người dân ở 110 bản vùng xa, vùng sâu huyện biên giới Kỳ Sơn là “một cuộc cách mạng về điện lưới”.

Sắp tới điện lưới sẽ “phủ sóng”, xóa sổ toàn bộ bản “đèn dầu” từ xưa đến nay. Liên tục trong nhiều năm gần đây, huyện trăn trở, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh làm sao 100% số xã, bản có điện để giúp việc xóa đói, giảm nghèo hiệu quả cho người dân các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Trăn trở đó đang trở thành hiện thực”. Còn anh Nguyễn Hùng Vương khẳng định: “6 gói thầu của dự án đã đóng được 17/89 trạm biến áp. Hiện toàn tuyến đang dồn sức, vượt khó để cuối tháng 3 năm nay đóng điện cho toàn bộ những bản “đèn dầu” ở Kỳ Sơn”./.

Hồ sơ sự kiện số 490, ngày 10-3-2023

Tác giả: Vũ Toàn

Nguồn tin: hssk.tapchicongsan.org.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP