Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. |
Ngoài pháp trị còn cần đề cao đức trị
Thưa Đại biểu, quan điểm của ông về vấn đề trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như thế nào?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Câu chuyện chỉnh đốn Đảng bao gồm chỉnh đốn về tổ chức và chỉnh đốn về nhân sự. Nhiệm kỳ XII Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã làm rất quyết liệt. Tôi đánh giá cao Ban chấp hành Trung ương trong nhiều kỳ họp gần đây đề cập mạnh mẽ đến việc chỉnh đốn Đảng, ở cả trên phương diện tổ chức và cán bộ.
Về pháp trị, có sửa đổi quy định về kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng. Những ai vi phạm pháp luật sẽ xử lý nghiêm theo quân thước.
Còn ở đề án “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” lần này thì đề cao đức trị, tức là tính nêu gương.
Ở trong một cơ quan, tổ chức, nếu người đứng đầu tha hóa biến chất, khoác cho mình một lớp son giả dối thì lên lớp, dạy bảo người khác làm sao được? Nếu lãnh đạo mà trí tuệ không vượt trội, khi nhận văn bản của cấp dưới trình lên chỉ sửa được dấu chấm phẩy rồi chuyển tiếp lên cấp trên thì ai phục?...
Chúng ta cần phải “chuẩn” ngay từ “nóc”! Tức là về mặt đạo đức, người nào ở vị trí càng cao thì càng phải gương mẫu, nêu gương sáng cho cấp dưới noi theo. Điều này rất đúng, tôi ủng hộ đề án.
Như vậy là nếu khi nào phù hợp dùng đức trị thì sẽ dùng đức trị, khi nào cần phải dùng pháp trị thì sẽ dùng pháp trị.
ĐBQH Lê Thanh Vân. |
Có ý kiến cho rằng, việc đưa ra quy định trách nhiệm nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương giống như “lấy đá ghè chân mình” nhưng Đảng vẫn rất quyết tâm làm. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Đây là vấn đề rất hệ trọng, từng bước đi của Ban chấp hành Trung ương Đảng mà người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất bài bản, chắc chắn, được người dân tín nhiệm.
Tôi thấy đề án “Quy định trách nhiệm nêu gương” đã đề cập toàn diện, người cán bộ phải là gương sáng về lối sống, đạo đức, tác phong, mẫu mực về trí tuệ, năng lực, tiêu biểu hơn người khác. Có như vậy mới dẫn dắt được tập thể, cơ quan, mà cao hơn nữa là dẫn dắt được Đảng, Nhà nước.
Lúc này, rất cần những cán bộ mẫu mực. Tôi thấy nhiệm kỳ XII khi mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết tâm chỉnh đốn Đảng đã có những bước đi rất bài bản, chắc chắn, từ việc sửa đổi, “rào chắn” lại các quy chế, cho đến hành động chống tham nhũng, chống thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là việc lạm dụng, lộng hành quyền lực.
Chính vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Tôi thấy những ngày qua, lòng dân rất đồng tình ủng hộ. Bởi vì, chính Đảng đang thực sự đi tiên phong chỉnh đốn “cơ thể mình”, “tố chất, phẩm hạnh của mình”.
Không đủ tài đức... đừng “giữ ghế”
Trước giờ dư luận vẫn nói về văn hóa “từ chức”, thế nhưng vẫn chỉ là chung chung, chưa có một quy định cụ thể. Tuy nhiên, trong đề án “Quy định trách nhiệm nêu gương” có một điểm mới là yêu cầu các cán bộ chủ động từ chức khi bản thân không đủ uy tín, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị hoặc để cấp dưới trực tiếp tham nhũng, vi phạm pháp luật. Ông thấy quy định như vậy đã đảm bảo răn đe để cán bộ tự giác từ chức hay chưa?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Đề án này để cảnh tỉnh, nhắc nhở những ai không hoàn thành nhiệm vụ, không xứng đáng là tấm gương thì nên từ chức. Còn nếu anh đã vi phạm pháp luật thì đương nhiên đã có pháp trị, anh từ chức cũng bằng thừa. Lúc đó, kỷ luật Đảng sẽ “sờ” đến anh, pháp luật của Nhà nước sẽ trừng trị anh.
Cho nên, ở đây là những quy định có tính chất điều chỉnh bằng đạo đức, tức là nhắc nhở, khuyên nhủ anh. Nếu anh chưa đến mức vi phạm để phải kỷ luật đảng hoặc pháp luật xử lý thì anh nên tự giác từ chức. Bởi vì, trí tuệ anh không có, anh ngồi đấy ban hành các văn bản trái quy định, điều hành không tốt thì sớm muộn còng số 8 cũng tra vào tay anh!
Nếu người cán bộ không gương mẫu thì sớm muộn tổ chức, nhân dân cũng phát hiện ra. Cho nên đề án này là những cảnh báo để anh biết đường lựa chọn việc tiếp tục “giữ ghế” hay “không giữ ghế”, tự giác nhường chỗ cho người khác tài năng, đức độ hơn mình.
Đề án này không thay thế cho các quy định có tính chất pháp trị, mà chủ yếu là răn đe và đức trị. Để đạt được cảnh giới đó thì cán bộ phải có lòng tự trọng, phải biết mình là ai, có xứng đáng ngồi ghế đó hay không. Nếu anh không chủ động từ chức thì sẽ bị tổ chức, cá nhân khinh bỉ. Điều này có tác động rất lớn tới văn hóa từ chức.
Quần chúng sẽ giám sát
Vậy, theo ông, cần có cơ chế giám sát như thế nào để đề án “không nằm trên giấy” mà thực sự hiệu quả, đi vào đời sống?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Tôi nghĩ, vai trò giám sát quan trọng vẫn là của quần chúng, của tập thể. Và một điều đặc biệt hơn nữa là cấp trên phải sáng suốt, anh minh. Bởi vì, nếu cùng cấp thì tâm lý thường nể nang nhau, còn cấp dưới thì có những người lại muốn cầu vinh nên không nói đúng suy nghĩ của mình khi đánh giá về thủ trưởng. Mặc dù không ưa thủ trưởng, không nể thủ trưởng về tài năng, đức độ nhưng trước mặt vẫn nịnh bợ, dối trá làm cho thủ trưởng tiếp tục “ảo giác” về mình. Đó là căn bệnh phổ biến.
Chính vì thế, vấn đề ở đây là cấp trên phải anh minh, phải nhận ra bản chất. Mặc dù ở bên dưới có sự nể nang, dối trá, bỏ phiếu tín nhiệm cao nhưng cấp trên vẫn nhìn thấy nhân sự đấy thực tế không đủ đức, đủ tài. Các biểu hiện tha hóa về lối sống, sinh hoạt, nhìn vào cách ăn tiêu, ứng xử với những người xung quanh như thế nào… chỉ cần cho kiểm tra là biết hết. Vấn đề là có làm hay không? Nếu không quyết tâm thì không thể lấy lại uy tín của Đảng.
Muốn đưa các quy định trên vào cuộc sống thì phải bằng những tấm gương hiện hữu. Xã hội đang rất mong đợi là thông qua đợt chỉnh đốn này của Đảng, những ai từ cao xuống thấp thấy mình tài hèn đức mọn, không gánh vác được trọng trách được giao thì nên từ chức. Có như vậy mới bảo vệ được sự tự trọng, danh dự của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Nguyễn Hường
Nguồn tin: Báo Người đưa tin