Bạn cần biết

Nắng nóng gay gắt kéo dài kỷ lục, bác sĩ mách loạt mẹo vàng tránh sốc nhiệt

Theo nhận định từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, đợt nắng nóng hiện tại đã kéo dài kỷ lục trong vòng 27 năm. Thời gian có nhiệt độ cao trên 35 độ C là từ 10-18 giờ. Với điều kiện thời tiết như vậy, nguy cơ xảy ra say nóng, say nắng và đột quỵ nhiệt (sốc nhiệt) rất lớn. Báo Lao Động trích đăng bài viết "Đột quỵ nhiệt" Tổn thương nguy hiểm trong ngày hè nắng nóng" của bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).

Nắng nóng ở miền Bắc đã kéo dài 12 ngày, thời gian nhiệt độ cao trên 35 độ C từ 10-18 giờ. Ảnh minh hoạ: Thảo Anh.

Đột quỵ nhiệt nguy hiểm mức nào?

Say nóng và nặng hơn nữa đó là đột quỵ nhiệt là tình trạng chấn thương bởi nhiệt, cơ thể bị rối loạn do tiếp xúc với nhiệt độ cao trong một thời gian, thường kết hợp với tình trạng mất nước và ở những người lao động quá sức, dẫn đến hệ thống điều hoà nhiệt độ của cơ thể bị tổn thương và mất kiểm soát.

Đột quỵ nhiệt có thể giết chết hoặc gây tổn thương não, cơ bắp và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể nếu bệnh nhân không được sơ cứu và xử trí kịp thời. Định nghĩa y học về đột quỵ nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể lớn hơn 40 độ C với các biến chứng liên quan đến hệ thống thần kinh trung ương xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, và các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất phương hướng và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê, và cuối cùng bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được sơ cứu, cấp cứu kịp thời.

Ngăn ngừa đột quỵ nhiệt như thế nào?

Khi chỉ số nhiệt cao, tốt nhất là nên ở trong môi trường có máy lạnh. Nếu phải đi ra ngoài, có thể ngăn ngừa đột quỵ do nhiệt bằng cách thực hiện các bước sau:

➢ Mặc quần áo nhẹ, màu sáng, thoáng và đội mũ rộng vành, đeo kính râm.

➢ Sử dụng kem chống nắng với hệ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên, đặc biệt khi đi ngoài nắng, đang bơi hoặc đang đổ mồ hôi.

➢ Uống thêm nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước, mọi người nên uống ít nhất tám ly nước/ngày.

➢ Với những người chơi thể thao hoặc làm việc ngoài trời, khuyến cáo chung là uống tầm 700ml hai giờ trước khi tập thể dục, lao động và cân nhắc thêm 8 ounce (~ 240 ml) nước hoặc thức uống thể thao khác trước khi tập thể dục. Trong khi tập thể dục, nên tiêu thụ tầm 240ml mỗi 20 phút, ngay cả khi không cảm thấy khát.

➢ Tuyệt đối không được để bất cứ ai trong một chiếc xe đang đậu mà không chạy điều hoà hoặc tắt máy, đây là nguyên nhân phổ biến gây tử vong do nhiệt ở trẻ em. Khi đậu dưới ánh mặt trời, nhiệt độ trong xe có thể tăng thêm 6,7 độ C chỉ trong vòng 10 phút.

➢ Lên lịch lại hoặc hủy hoạt động ngoài trời. Nếu có thể, hãy thay đổi thời gian của bạn ở ngoài trời vào những thời điểm thú vị nhất trong ngày, vào sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn.

➢ Theo dõi màu nước tiểu của bạn: Nước tiểu đậm hơn là dấu hiệu cơ thể thiếu nước. Hãy chắc chắn uống đủ nước để duy trì nước tiểu có màu vàng nhạt và trong.

➢ Đo trọng lượng cơ thể trước và sau hoạt động thể chất. Theo dõi lượng nước bị mất (số cân nặng giảm sau tập) có thể giúp chúng ta xác định lượng nước cần uống bổ sung vào.

➢ Tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, bởi vì cả hai chất này đều có thể cơ thể mất nhiều chất lỏng hơn và làm trầm trọng thêm các bệnh liên quan đến nhiệt.

➢ Cần chuẩn bị ekip sơ cứu y tế trong những sự kiện diễn ra dưới trời nắng nóng.

Lưu ý, chúng ta cần trao đổi với bác sĩ riêng của mình trước khi tăng lượng chất lỏng nếu anh chị hoặc người thân bị bệnh động kinh hoặc suy tim, suy thận, bệnh gan hoặc đang trong chế độ ăn uống hạn chế chất lỏng hoặc có vấn đề với giữ nước. Ngoài ra, sau khi anh chị đã hồi phục do đột quỵ do nhiệt, có thể cơ thể sẽ nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao nên dễ bị sốc nhiệt tái phát. Vì vậy, tốt nhất là tránh thời tiết quá nóng và tránh tập thể dục quá nặng cho đến khi có lời khuyên từ bác sĩ.

Tác giả: BÁC SĨ TRẦN QUỐC KHÁNH

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP