Cuộc sống

Nếu bạn cảm thấy những điều này, tình yêu của bạn đã hết

"Tình yêu" không chỉ cần có mỗi "cảm giác yêu" để tồn tại. Nếu bạn có những linh cảm sau về mối tình của mình, thì nó thực sự đã hết, hoặc tới lúc nên kết thúc rồi.

1. Thường xuyên có những "giá như"

Cho dù là bạn, hay người yêu của bạn có suy nghĩ này, thì đó cũng là một dấu hiệu xấu khi một trong hai người hoặc cả hai người luôn cảm thấy mối quan hệ này lẽ ra có thể vui vẻ hơn nếu về cơ bản có điều gì đó được thay đổi.

Tất nhiên mọi mối quan hệ đều trải qua những giai đoạn trục trặc, nhưng trường hợp LUÔN cảm thấy cần phải thay đổi, sửa chữa thì lại là chuyện khác. Hiểu đơn giản là, khi bạn thường xuyên sống trong giả thuyết (mà có lẽ không thể đạt được trong tương lai) chứ không phải sống trong hiện tại, cho bây giờ, thì đó là rào cản bạn hạnh phúc.

2. Không cảm thấy được thấu hiểu

Có thể, bạn cảm thấy mình chỉ được yêu thương trong một số điều kiện nhất định nào đó thôi, hoặc bạn phải giữ thể diện cho nửa kia. Điều này có thể cản trở sự gần gũi về tình cảm giữa hai người và theo thời gian, bạn sẽ thấy trống rỗng vì ý nghĩ người kia sẽ không thực sự yêu mình nếu mình phá bỏ mọi rào cản để sống đúng với bản thân.

Có thể bạn đang phải vờ sống như một người khác, che giấu đi một phần quan trọng trong tính cách của mình, thậm chí giả vờ quan tâm đến những sở thích hoặc hoạt động của nửa kia chỉ để họ vui, để họ thấy bạn dành thời gian bên họ. Có thể bạn đang sống là chính mình nhưng luôn cảm thấy người kia không hiểu mình. Những kiểu ngắt đoạn kết nối cảm xúc này có thể dẫn bạn tới sự cô đơn sâu sắc, còn cô đơn hơn cả đang còn độc thân.

3. Bạn cảm thấy kiệt sức

Trong một mối quan hệ, có những khi người này cảm thấy người kia nhận nhiều hơn cho, không phải lúc nào cũng có sự công bằng hay "có qua có lại" hoàn hảo. Nhưng những mối quan hệ tốt đẹp sẽ thay đổi uyển chuyển và cả hai đều thỏa mãn về những gì đã cho và nhận.

Một khi bạn luôn cảm thấy mình mệt mỏi với người kia, cảm thấy bạn cần được nghỉ ngơi, xa họ ra hơn là ở gần bên họ, thì đó là một dấu hiệu báo động cho tình yêu của bạn. Có thể là sẽ giải quyết được, cũng có thể là vô cùng khó khăn để bước tiếp khi bạn thấy mình luôn là người bị tước đoạt, phải hy sinh mà không nhận lại được điều gì.

4. Bạn giấu gia đình, bạn bè nhiều chuyện về người ấy

Có thể rất nhiều điều người ấy làm với bạn, nói với bạn, đối xử với bạn... đã bị che giấu khỏi gia đình, bạn bè của bạn.

Bạn không muốn những người thân của mình biết mình thực sự đang sống trong một mối quan hệ như thế nào, không muốn họ biết bạn đang sống bên cạnh một người thực chất đối với bạn ra sao. Có thể là bạn xấu hổ khi phải thừa nhận hai người thường xuyên cãi vã, hoặc xấu hổ khi phải thừa nhận người ấy là một con bạc khát nước, hay một kẻ đàng điếm triền miên ngoại tình.

Nếu bạn thấy mình thường xuyên tô vẽ những bức tranh không có thật về nửa kia trước những người khác, thì đó là dấu hiệu cho thấy đối tác của bạn không đạt những chuẩn mực mà bạn biết là bạn nên được nhận từ người đàn ông của mình. Bạn thường xuyên biến người ấy thành một người khác khi nói về họ với bạn bè, gia đình, điều này đồng nghĩa với bản thân bạn biết rõ anh ta là người không có gì đáng để cho mình được tự hào cả.

5. Hai người hường xuyên xung đột, và "đấu tranh sai cách"

Rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về hôn nhân nhận định rằng, xung đột trong quan hệ vợ chồng không quan trọng, cách bạn xung đột mới quan trọng, nó cho thấy hai người sẽ sống hạnh phúc với nhau thế nào theo thời gian.

Các cuộc xung đột của các bạn có theo mẫu thiếu lành mạnh? Các bạn cho nhau thời gian yên tĩnh để làm lành vết thương hay tranh cãi theo kiểu ném đá, gây tổn thương cá nhân càng nhiều càng tốt?

Sự oán giận có gia tăng theo mỗi cuộc tranh cãi, với những vấn đề thực sự không được giải quyết, hoặc người này để cho người kia tự giải quyết một mình?

Xung đột của các bạn dường như không phải cơ hội để hóa giải những khác biệt, không phải cơ hội để hai người hiểu nhau hơn mà là cơ hội để làm đau nhau và vỡ òa cảm xúc hung hăng hiếm khi được kìm nén. Đó sẽ là những dấu hiệu xấu.

6. Bạn lúc nào cũng phải xin lỗi

Bạn thường xuyên rơi vào cảnh phải xin lỗi nửa kia vì mình đã thế này, đã thế kia, nói cách khác bạn xin lỗi người ta vì đã là chính mình. Có phải bạn chưa đủ tốt hay không? Hay bạn không thể đạt những chuẩn mực mà người kia cần có?

Chuyện cũng có thể rẽ sang hướng khác: Bạn có ước mơ lớn, hoài bão lớn nhưng lại cảm giác thật "ngu ngốc" khi mang ước mơ đó, và biết rằng nửa kia sẽ không thích. Bạn không thể thoát ra để sống tự do như mình muốn mà không bị người ấy chỉ trích, phê bình, thậm chí là cho bạn cảm giác bạn là người có lỗi.

Tác giả: Huyền Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP