“Trượt đại học đã là gì, trượt tốt nghiệp mới đáng sợ” – câu nói vui của những sĩ tử trong khi chờ đợi công bố điểm thi THPT quốc gia nói lên phần nào áp lực của các em trong kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. Trước kỳ thi, trên một số diễn đàn ôn thi, các sĩ tử thường đưa ra câu hỏi với nhau rằng “nếu trượt tốt nghiệp, sẽ làm gì”? Dù chỉ là cuộc thảo luận mang tính chất vui là chính nhưng những câu trả lời phía dưới thực sự khiến nhiều người giật mình. Đa phần các em nghĩ đến việc trốn đi đâu đó, bỏ nhà và “đi bụi”. Áp lực tứ phía, từ bố mẹ, hàng xóm , thầy cô, bạn bè chỉ có thể mô tả bằng hai từ “khủng khiếp”.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2019 có hơn 3.000 bài thi đạt điểm liệt (từ 1 trở xuống), đồng nghĩa với hơn 3.000 thí sinh trượt tốt nghiệp. Bởi theo quy định, thí sinh đạt điểm từ 1 trở xuống ở một môn thi sẽ không đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT.
Vậy nếu con thi trượt tốt nghiệp, bố mẹ nên làm gì?
"Trượt tốt nghiệp là sự trả giá cần thiết với con"
Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng giá trị của kỳ thi không phải là “đỗ” mà giá trị nằm ở “trượt” và trẻ cần hiểu rằng đó là sự “trả giá” cần thiết.
TS Vũ Thu Hương. |
TS Vũ Thu Hương nói: “Thí sinh thi THPT quốc gia đều là những thí sinh đủ 18 tuổi, không phải là trẻ con. Vì vậy nếu con thi trượt tốt nghiệp, bố mẹ cần khẳng định với con rằng đó là do con không học hành gì. Đây hoàn toàn là sự trả giá cần thiết. Tất nhiên nếu con không chủ động học hành, không nỗ lực cố gắng thì kết quả là như vậy.
Đứa trẻ cần phải được chịu sự trả giá đấy để lớn lên và trưởng thành. Giá trị của kỳ thi không phải ở chuyện đỗ mà giá trị nằm ở chỗ trượt. Nếu như kỳ thi nào cũng đỗ thì đứa trẻ chẳng học được gì nhiều. Trượt trong kỳ thi thì đó mới là bài học lớn nhất với trẻ.
Trong những trường hợp này, bố mẹ nên coi mọi chuyện hết sức bình thường và nói với con rằng những chuyện này do con làm thì con phải chịu, rất xứng đáng. Phụ huynh cũng không nên quát mắng, sỉ nhục, hay thương xót kêu la mà nên nói chuyện với con theo hướng đây là cái giá mà con phải trả, hãy nhìn thẳng vào sự thật và xây dựng kế hoạch cho tương lai”.
Theo TS Vũ Thu Hương, con trượt tốt nghiệp không có nghĩa mọi cánh cửa trong cuộc đời đều đóng. Một kỳ thi trượt là cách tốt nhất để trẻ nhìn lại bản thân và luôn có nhiều con đường khác để xử lý vấn đề này.
Con đường đầu tiên là thi lại năm nữa. Ngoài thời gian học thêm để chắc chắn năm sau đỗ tốt nghiệ, những đứa trẻ này nên đi làm thêm. Khi đi làm, trẻ sẽ dần hiểu giá trị sức lao động, từ đó đạo đức, tư cách sẽ thay đổi rất nhiều. Trẻ sẽ có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình, đồng nghĩa với có trách nhiệm với việc học. Khi đi làm, thấm được những giọt mồ hôi, trẻ sẽ hiểu đi học thực sự là một quyền lợi và trân trọng việc đi học.
Ngoài ra cũng có thể cho trẻ học bổ túc văn hóa để lấy được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, sau đó đi những con đường khác. Với những đứa trẻ thực sự không muốn hoặc không thể học được, bố mẹ nên hướng cho con đi làm hoặc đi học nghề. Có rất nhiều việc làm không đòi hỏi tấm bằng tốt nghiệp THPT.
“Những đứa trẻ trượt tốt nghiệp chưa chắc đã thành gánh nặng cho cha mẹ”
(Ảnh minh họa) |
TS Vũ Thu Hương cho rằng "những đứa trẻ trượt tốt nghiệp chưa chắc đã thành gánh nặng cho cha mẹ". Khi biết tin con trượt tốt nghiệp, cũng là lúc bố mẹ cần tự tìm ra những con đường mới cho con đi. Tuyệt đối không than khóc, kêu ca, tỏ vẻ đau khổ hay sỉ nhục con. Trượt tốt nghiệp là học quý giá cho trẻ trưởng thành và sau này con có thể sẽ làm được nhiều việc cho cuộc đời.
TS Vũ Thu Hương kể một câu chuyện về một người mẹ có cách xử trí thông minh về vấn đề này. Khi con gái thi trượt, mọi người trong gia đình, hàng xóm đều sỉ vả đứa trẻ rất dữ dội. Sau đó, người mẹ này có kể cho mọi người rằng hôm nay khi đang đi chợ, bỗng nhiên có người chạy đến nói: “Về sau con gái cô (đứa trẻ bị trượt tốt nghiệp) sẽ rất giỏi giang và nên người”. Ngay khi nghe, mọi người dường như bao dung hơn với con gái cô, chỉ nghĩ đó là một rủi ro, một sai lầm nhỏ, sau này chắc chắn đứa trẻ này vẫn làm nên. Con gái cô vì không phải nghe những lời mắng nhiếc, bàn tán xung quanh nên tâm trạng thoải mái, tích cực hơn nhiều.
“Thực tế người mẹ này đã bịa ra câu chuyện trên. Câu chuyện dù là “bịa” ra nhưng lại có giá trị vô cùng lớn về mặt tâm lý của đứa trẻ. Suy cho cùng đứa trẻ thi trượt tốt nghiệp không phải là đứa trẻ bỏ đi. Quan trọng nhất là cách xử lý của bố mẹ, làm thế nào để con nhận ra sai lầm, nhận ra phải thay đổi, chứ không phải nhận ra sai lầm rồi để đó, nghĩ rằng là đường cùng rồi và làm những điều dại dột”, TS Vũ Thu Hương nói.
Tác giả: Hải Vân
Nguồn tin: thoidai.com.vn