Tin trong tỉnh

Nghệ An: Ban quản lý rừng phòng hộ nợ tiền dân?

Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Nghệ An (gọi tắt là Dự án JICA2) được triển khai tại huyện Tương Dương từ cuối năm 2014, đến nay chuẩn bị kết thúc nhưng người dân tham gia trồng rừng vẫn chưa được thanh toán đủ tiền công.

Anh Vi Văn Khánh ở bản Na Cáng (xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương) cho biết, năm 2014 anh nhận trồng rừng Dự án JICA2 với diện tích 6,4ha. Trồng xong, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương về nghiệm thu chỉ được 5ha với giá 40 triệu đồng. Do ban quản lý mới trả được một nửa số tiền nên anh và mọi người không chăm sóc, dẫn đến việc cây chết dần.

Anh Mạc Văn Biểu, Trưởng bản Na Cáng, cho biết, bản được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương chọn để thực hiện dự án với diện tích gần 60ha. Năm 2014, có 12 hộ dân của bản nhận khoán trồng rừng. Lúc đầu, bản trồng lát hoa và xoan, nhưng 2 loại cây này không sống được nên ban quản lý thuê người nơi khác về trồng keo.

Việc trồng rừng JICA2 tại bản Phà Lõm (xã Tam Hợp) cũng không hiệu quả. Ông Xổng Vả Dềnh, Trưởng bản Phà Lõm, cho biết, diện tích rừng JICA2 chỉ sống được khoảng 20%, số còn lại bị chết do không được chăm sóc. Hồ sơ nhận trồng là 10 triệu đồng/ha, người dân đã ký và giao giấy tờ cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương duyệt để rút tiền. Tuy nhiên, ban quản lý cho rằng dân trồng không đúng thiết kế nên không trả hết tiền.

Ông Xồng Bá Nỏ, Chủ tịch MTTQ xã Tam Hợp, bức xúc: “Ban quản lý nói với dân sau khi trồng xong sẽ trả công chăm sóc 3 triệu đồng/ha/năm. Nay trồng xong lại nói sai quy hoạch nên chỉ trả tiền chăm sóc cho dân trên diện tích 13/32ha. Hiện nay, do không được chăm sóc nên diện tích cây trồng sống chưa được 1/10”.

Ông Ngũ Văn Trị, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương, cho biết, tổng diện tích trồng rừng JICA2 ở Tương Dương là 72,5ha, chi phí là 30 triệu đồng/ha, quá trình kiến thiết cơ bản 4 năm (gồm 1 năm trồng, 3 năm chăm sóc). Do điều kiện khách quan nên cây không phát triển, không đạt tiêu chuẩn chứ không phải do chủ quan của đơn vị. Do người dân chỉ trồng năm đầu, sau đó không làm nữa nên đơn vị đã lấy số tiền còn lại thuê người ngoài vào làm. Ông Trị còn cho biết thêm, việc trồng sai quy hoạch là do khi làm thiết kế, đo đạc không cắm mốc phân chia ranh giới nên người dân trồng ngoài thiết kế. Vì vậy, diện tích trồng ngoài chỉ được hỗ trợ một phần tiền và không được nghiệm thu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hảo, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án JICA2, cho biết, đầu tháng 6-2014, trên cơ sở hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, đơn vị này đã ký hợp đồng hợp phần trồng rừng với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương với tổng diện tích hơn 85ha và hiện đã hoàn thành nghiệm thu và bàn giao. Ở xã Yên Tĩnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tương Dương báo cáo, kinh phí trồng đã tăng lên 60 triệu đồng/ha do đầu tư nhiều nhưng không bảo vệ được.

Tác giả: DUY CƯỜNG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP