Cò đất thao túng
Trong một số cuộc đấu giá, “cò đất” xuất hiện, dàn xếp giá cả tại các phiên đấu giá đất ở huyện Quỳnh Lưu diễn ra một cách công khai.
Trong vai một "cò" mới vào nghề, qua nhiều lần thuyết phục, chúng tôi đã được chị Vũ Thị N chia sẻ những "mánh khóe" làm ăn: Để dàn xếp được mình phải kêu đông đủ người có hồ sơ, ai đưa ra giá phù hợp thì tất cả nhường cho một người lấy luôn. Muốn làm như thế thì trong đó phải có cả dân cả "cò", tiền ai cũng được chia cả, nếu được 50 triệu đồng mà có 10 hồ sơ thì mỗi hồ sơ được 3 triệu, còn 20 triệu chia cho những anh em có công đi làm.
“Bật mí” của chị N. đã phần nào dần hé lộ bức màn bí mật của các phiên đấu giá đất với những phức tạp lâu nay chưa có lời giải.
Quang cảnh một phiên đấu giá đất tại xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Ảnh P.V |
Dùng ô tô chở vũ khí đi đe dọa
Nhưng không phải lúc nào chiêu bài của “cò đất” cũng được diễn ra như ý. Điển hình tại phiên đấu giá đất xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu trong ngày 21 và 22/7/2018, qua điều tra, theo dõi, thu thập bằng chứng từ các phiên đấu giá trước, Công an Quỳnh Lưu đã bắt quả tang việc dàn xếp giá cả.
Ngay tại phòng chờ đấu giá, công an đã có đầy đủ bằng chứng các đối tượng này dàn xếp giá lô số 3 với 41 hồ sơ, giá khởi điểm là 1.041 triệu đồng. Nếu mỗi hồ sơ đồng ý nhận 10 triệu đồng thì lô đất này sẽ được bán với giá ấn định là 1,2 tỷ đồng cho người đã thỏa thuận trước với "cò", nếu không "cò" sẽ đẩy giá lên cao. Người muốn trúng sẽ phải trả 1,8 tỷ đồng cho nhóm dàn xếp, tiền chênh lệch 600 triệu đồng sẽ được chia đều hồ sơ và phần lớn rơi vào túi nhóm người này. Nếu không nghe theo "cò" thì lô đất này khó bán được.
Ở vụ đấu giá trên, tuy tình hình rất phức tạp, nhưng với sự phối hợp xử lý chặt chẽ giữa các bên liên quan, nên không chỉ 25/27 lô đất được đấu giá thành công mà an ninh trật tự được đảm bảo.
Tình trạng “cò đất” lộng hành, dàn xếp giá cả tại các phiên đấu giá đất ở huyện Quỳnh Lưu diễn ra một cách công khai. Ảnh: P.V |
Công an còn bắt giữ 3 ô tô chở vũ khí đi quanh trụ sở xã Sơn Hải với tang vật gồm 20 dao mác, 15 dao bầu, 2 kiếm, 8 tuýp sắt..., mục đích nhằm hù dọa, đòi tiền những người tham gia đấu giá chính đáng; đồng thời bảo kê cho những tên “cò đất”.
Chuyên án này đã huy động tới 80 cán bộ, chiến sỹ nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phá án. Và đây được xem là "phát súng" mở màn của lực lượng công an khi bắt đầu tấn công vào loại hành vi phạm tội mới này.
Lực lượng công an chốt chặn, kiểm tra hồ sơ chặt chẽ những người vào khu vực đấu giá đất. Ảnh: P.V |
Mạnh tay dẹp cò
Theo ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, qua đợt đấu giá đất thành công này địa phương rút ra kinh nghiệm: Cơ sở phải nắm chắc giá đất thị trường và đưa ra mức giá hợp lý, phải có sự phối hợp với công ty bán hồ sơ khách quan; phải kiểm soát được các thông tin, tình hình an ninh, các đối tượng hoạt động.
Chỉ với 27 lô đất mà hồ sơ tham gia tại xã Sơn Hải đã lên tới gần 1.000 bộ, bình quân mỗi lô đất có gần 40 bộ hồ sơ tham gia, lô nhiều nhất có tới 81 hồ sơ tham gia đấu giá. Đây được xem là phiên đấu giá lịch sử nhất về số lượng hồ sơ, số người tham gia; cũng là lần đầu tiên lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật 400 triệu đồng của các đối tượng dàn xếp để thu lợi bất chính. Sau đó, nhóm người này đã bị đưa về trụ sở phục vụ điều tra.
Trung tá Tạ Đình Tuấn - Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: "Lâu nay, tình trạng cò đất móc nối nhiều, chúng tôi thấy có những bất cập ở chỗ dù nói là đấu giá đất nhưng thực tế chúng thông đồng với nhau làm cho giá đất chênh lệch. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước. Qua quá trình đấu tranh nghiên cứu, chúng tôi tìm ra quy luật mới vào cuộc, phương châm là phát hiện đến đâu xử lý đến đó. Thực ra việc đấu tranh với nạn cò đất còn mới và trong tiền lệ chưa thực hiện".
Mặc dù đã qua hơn 1 tháng, nhưng anh Nguyễn Huy Nam và nhiều người dân xã Sơn Hải vẫn không dấu được lo sợ khi kể về sự xuất hiện của nhiều nhóm người lạ xăm trổ đầy mình, lảng vảng gần khu vực đấu giá. Hơn nữa còn có nhiều ô tô của Vinh, Diễn Châu… thậm chí là Quảng Ninh cũng về nên người dân sợ không mua được đất. Nhưng tâm lý ấy được giải tỏa khi công an đã bắt được nhóm đối tượng dàn xếp và thu hung khí của nhóm xã hội đen lượn vòng ngoài.
Thành công của hoạt động đấu giá đất theo quy định ở xã Sơn Hải đã đánh dấu sự bắt tay vào cuộc của các cơ quan chức năng đối với loại hành vi phạm tội mới này, vì trên thực tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có kinh nghiệm, phương án hiệu quả trong giải quyết nạn “cò đất”.
Khu đất mới được đấu giá ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: P.V |
Tác giả: Lê Chu
Nguồn tin: Báo Nghệ An