Tin trong tỉnh

Nghệ An: Bất cập từ công trình trường học nhận bàn giao “chìa khóa trao tay”

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xây dựng trường chuẩn, cũng như giải quyết vấn đề thiếu lớp học, vẫn còn các công trình trường học do UBND xã, phường làm chủ đầu tư khi bàn giao cho các trường để đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều bất cập.

Xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn vẫn đang có nhiều bất cập.

Xây xong mới thấy bất cập

Qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2020 - 2021, cũng như số liệu phổ cập giáo dục thì tình hình thiếu lớp học trên toàn tỉnh đặc biệt ở cấp mầm non, tiểu học và THCS đang trở nên cấp bách. Hàng năm, vào đầu năm học, các trường học này đã phải tổ chức bốc thăm để tuyển học sinh vào trường vì lượng học sinh quá đông mà cơ sở vật chất nhà trường không đủ để tiếp nhận tất cả học sinh.

Việc đầu tư xây dựng thêm trường học và cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đang được chính quyền địa phương quan tâm đưa vào kế hoạch và là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.

Theo phân cấp tại Nghệ An, việc đầu tư xây dựng các trường học cấp mầm non, tiểu học, THCS do UBND xã, phường làm chủ đầu tư. Từ việc lập phương án kế hoạch sử dụng, bố trí xin nguồn ngân sách đến việc lựa chọn nhà thầu, bản vẽ thiết kế và việc giám sát thi công đều do UBND xã xử lý, đến khi nào công trình hoàn thành sẽ tiến hành bàn giao theo kiểu “chìa khóa trao tay” cho nhà trường quản lý và sử dụng.

Đối với lãnh đạo các nhà trường chỉ được báo cáo UBND xã, phường, Phòng Giáo dục và Đào tạo khi nhìn nhận tình hình học sinh năm học mới ít hay nhiều. Nhiều thì thiếu bao nhiêu phòng học cần phải đầu tư xây mới để chính quyền đưa vào nghị quyết trình HĐND quyết định.

Việc phân cấp cho cấp xã, phường làm chủ đầu tư các dự án công trình hạ tầng của xã nhằm tăng tính hiệu quả, sự phù hợp của công trình, nâng cao tính giám sát đối với chất lượng của công trình. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi những bất cập, đặc biệt từ công trình trường học.

Một Hiệu trưởng trường THCS tại thành phố Vinh (xin được giấu tên) chia sẻ: Trường chúng tôi nằm ở địa phương rộng, dân số nhiều nên lượng học sinh hàng năm tăng lên rất nhiều, do vậy vấn đề về phòng học đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Sau nhiều lần báo cáo chính quyền địa phương xin xây dựng bổ sung phòng học, UBND phường cũng đã bố trí cho xây dựng thêm khu nhà 3 tầng và bàn giao cho nhà trường quản lý sử dụng. Tuy nhiên, khi nhận bàn giao và đưa vào sử dụng đã xuất hiện một số bất cập như diện tích phòng học nhỏ hơn so với đạt chuẩn, cửa sổ tại các phòng học vẫn còn ít không đủ ánh sáng. Trong đó, vì quy mô trường lớp có nhiều thay đổi nên hiện nay số phòng học hiện có của nhà trường không đủ để bố trí lớp học. Đặc biệt theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT quy định trường chuẩn mới (cần khoảng 67 m2/phòng học) thì phòng học trường chúng tôi nhỏ hơn nhiều.

Không những vậy, một số hạng mục thiết yếu như khu vực vệ sinh cho học sinh thiếu, nhỏ... chưa phù hợp với lứa tuổi của học sinh và UBND phường đã phải lập phương án xin điều chỉnh bổ sung thêm cho phù hợp.

Chủ đầu tư cần phối hợp với ngành Giáo dục

Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, đối với những công trình trường học tại Nghệ An do xã, phường làm chủ đầu tư, từ nhiều năm nay, UBND xã chủ động làm tất cả như chọn vị trí, quy hoạch, bản vẽ thiết kế của công trình trường học mà gần như không cần tham khảo qua ý kiến nhà trường hay phòng Giáo dục. Cứ thế theo barem có sẵn rồi trình cấp trên phê duyệt và triển khai thi công.

Khi triển khai thi công công trình trường học các chủ đầu tư nên tham khảo ý kiến ngành Giáo dục, tránh bất cập không đáng có.

Với cách làm như vậy, những năm gần đây nhiều chính quyền xã, phường đã phải lập phương án điều chỉnh bổ sung, sửa chữa những công trình trường học vì công trình xây dựng xong bàn giao mới lộ ra những hạng mục chưa đúng với tiêu chuẩn quy định của ngành Giáo dục hoặc chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhà trường.

Thậm chí có những trường mầm non, khi nhà trường nhận bàn giao để đưa vào sử dụng mới phát hiện là bếp nấu không có hoặc không phù hợp với thực tế của nhà trường. Và rồi chính quyền lại phải lập phương án bổ sung để điều chỉnh.

Bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh chia sẻ: “Tại thành phố Vinh, lịch sử trước đây thì khi xây dựng một số công trình trường học đúng là ngành Giáo dục không được các chủ đầu tư tham khảo ý kiến dẫn đến nhiều công trình xây dựng xong bàn giao cho nhà trường quản lý sử dụng xuất hiện nhiều bất cập, các trường có văn bản kiến nghị. Chính quyền địa phương đã phải sửa chữa điều chỉnh lại nhiều lần mới được đó. Nếu khi lập đề án, triển khai mà tham khảo ý kiến nhà trường thì có thể tránh được bất cập không đáng có và không phải làm điều chỉnh bổ sung tốn kém, mất thời gian.

Nhưng hiện tại, UBND thành phố Vinh đã có quy định đối với những công trình trường học phải có ý kiến bằng văn bản của Phòng Giáo dục mới phê duyệt. Kể cả các công trình đã được phê duyệt, khi triển khai thi công mà thấy bất cập Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ kiến nghị dừng lại sửa đổi bổ sung cho phù hợp luôn, tránh tình trạng xây dựng xong rồi mới sửa chữa sẽ tốn kém và mất thời gian”.

Trao đổi với phóng viên, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Đúng là đối với các công trình trường học mầm non, tiểu học, THCS do UBND xã, phường làm chủ đầu tư xây dựng rồi bàn giao vẫn có nhiều bất cập. Từ trước khi có Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi triển khai thi công gần như chính quyền phường, xã không tham khảo qua ý kiến của ngành Giáo dục. Chính quyền cứ cập nhật theo số liệu báo cáo của các trường rồi lên phương án, kế hoạch triển khai thi công. Một phần vì ngân sách địa phương có hạn và còn phải dùng vào nhiều vấn đề khác nên khi bố trí được nguồn thì cũng tính toán làm sao xây dựng công trình trường học tiết kiệm nhất do vậy khi lập quy hoạch, bản vẽ thiết kế có thể chính quyền cắt giảm một số hạng mục mà theo UBND xã là có thể các hạng mục đó không thiết yếu đối với nhà trường mà không tham khảo qua ý kiến của nhà trường. Đến khi bàn giao cho nhà trường để đưa vào sử dụng thì các hạng mục đó lại rất cần thiết phải có đối với quá trình hoạt động giảng dạy của nhà trường.

Để giảm thiểu những bất cập đối với những công trình trường học được nhận bàn giao theo kiểu “chìa khóa trao tay”, UBND xã, phường cần tham khảo ý kiến của các nhà trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo trước khi lập quy hoạch, thiết kế và triển khai thi công. Sở sẽ có kiến nghị với UBND tỉnh về vấn đề này.

Tác giả: Thành Vinh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP