Tin trong tỉnh

Nghệ An: Bất ngờ trước quyết định xử phạt Công ty TNHH Châu Tiến?

Dư luận hết sức bất ngờ, đó là không hiểu vì sao với tính chất nghiêm trọng của vấn đề cùng hàng loạt sai phạm được chỉ ra trước đó mà doanh nghiệp chỉ bị xử phạt 116 triệu đồng…?!

Toàn cảnh nhà máy chế biến bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến tại KCN Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

Theo đó, Công ty TNHH Châu Tiến - nơi có nhiều công nhân đã và đang làm việc bị bệnh bụi phổi và có 4 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, mới chỉ bị xử lý vì 2 hành vi liên quan đến người lao động với tổng số tiền chưa đến 120 triệu đồng. Mặc dù trước đó, kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã chỉ ra rất nhiều sai phạm của doanh nghiệp này, trong đó có cả việc chấp hành pháp luật về môi trường.

Liệu rằng có đủ sức răn đe?

Trung tuần tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Châu Tiến có địa chỉ tại Lô A3-A4, Khu công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Người đại diện theo pháp luật là ông Hồ Viết Cầm (SN 1962), Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng Giám đốc.

Theo đó, Công ty TNHH Châu Tiến bị phạt 60 triệu đồng vì không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật; quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tình tiết tăng nặng của doanh nghiệp này là vi phạm nhiều lần. Cụ thể, từ năm 2017 - 2022, doanh nghiệp không tổ chức thực hiện quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật.

Công ty TNHH Châu Tiến bị phạt vì không tiến hành quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng xử phạt 56 triệu đồng đối với Công ty TNHH Châu Tiến bởi không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 14 người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; quy định tại khoản 2, Điều 22, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tình tiết tăng nặng của hành vi này cũng là vi phạm nhiều lần. Cụ thể, từ năm 2017 - 2022, doanh nghiệp không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 14 người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của pháp luật.

Dựa theo nội dung của Quyết định số 215, UBND tỉnh Nghệ An mới chỉ nêu ra đúng 2 lỗi vi phạm của Công ty TNHH Châu Tiến; với tổng số tiền nộp phạt là 116 triệu đồng. Trong khi trước đó, kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp này; không chỉ liên quan đến người lao động mà còn cả về lĩnh vực môi trường?!

Bất ngờ trước quyết định xử phạt…

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, phản ánh về tình trạng nhiều công nhân đã và đang làm việc tại nhà máy chế biến bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến bị bệnh bụi phổi và có 4 trường hợp đã tử vong. Ngày 12/5/2023, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 1302/QĐ-UBND thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra Công ty TNHH Châu Tiến tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc.

Sau 3 tháng vào cuộc, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã có báo cáo kết quả; qua đó, lộ rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại doanh nghiệp này. Đơn cử như: Không thực hiện đầy đủ quy định về quan trắc môi trường lao động, chưa lập hồ sơ báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, công tác thu gom, lưu trữ chất thải nguy hại còn sơ sài…

Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2017 - 2022, công ty không thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật về quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định về phân loại số lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cũng như về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tiếp xúc với các yếu tố tác hại có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đối với việc chấp hành pháp luật về môi trường, đoàn kiểm tra phát hiện Công ty TNHH Châu Tiến chưa lập hồ sơ báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép. Bên cạnh đó, công tác thu gom, lưu trữ chất thải nguy hại còn sơ sài, chưa đúng quy định; chưa hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển xử lý chất thải công nghiệp thông thường; kho lưu giữ chất thải công nghiệp thông thường, chất thải sinh hoạt cũng như mạng lưới thoát nước nội bộ sân công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu…

Đoàn kiểm tra tỉnh Nghệ An đã chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty TNHH Châu Tiến về môi trường nhưng lại mới chỉ bị xử phạt về lĩnh vực liên quan đến người lao động?

Đặc biệt, các loại hóa chất như Acid Oxalic, NaOH, Chrome Oxide Green, Acid Boric… sử dụng cho hoạt động sản xuất chưa được bố trí kho lưu giữ riêng, còn để chung trong xưởng sản xuất. Hơi axit phát tán trong nhà xưởng làm ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Quá trình ngâm tẩm, tẩy trắng đá silic được thực hiện trong bể, không có biện pháp thu axit cưỡng bức, công nghệ thô sơ, hơi axit tạo ra làm ảnh hưởng sức khỏe người lao động. Dây chuyền nghiền đá silic được thực hiện bằng công nghệ “dã chiến” ngoài trời, không có biện pháp thu bụi.

Trong khi đó, băng chuyền vận chuyển từ lò sấy hơi đốt vào công đoạn nghiền tinh là băng chuyền hở, là nơi phát sinh bụi khi hoạt động. Công ty chưa lắp đặt hệ thống xử lý bụi phát sinh từ lò sấy hơi đốt, hơi axit phát sinh từ quá trình sấy sau khi ngâm tẩy trắng. Tại khu vực nghiền tinh, bụi mịn silic phát tán rất nhiều làm ảnh hưởng tới môi trường làm việc và sức khỏe người lao động.

Đoàn liên ngành cũng đã yêu cầu Công ty TNHH Châu Tiến phải có trách nhiệm với người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Theo đó, công ty phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 38, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.

Đồng thời, phải có các chính sách hỗ trợ khác đối với người lao động, thân nhân người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đã và đang làm việc tại công ty. Lập danh sách người lao động đã và đang làm việc tại công ty, phối hợp với Sở Y tế để khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp; giám định mức suy giảm lao động cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.

Dựa trên kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An, có thể thấy rằng, Công ty TNHH Châu Tiến “dính” rất nhiều sai phạm. Vậy nhưng, điều dư luận đang thắc mắc, không hiểu vì sao doanh nghiệp này lại mới chỉ bị xử lý vì 2 hành vi liên quan đến người lao động với tổng số tiền chưa đến 120 triệu đồng?.

Tác giả: HỒNG QUANG

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP