Còn hơn 300m đường ở phía Bắc chưa triển khai thi công do vướng mặt bằng. |
Theo chủ đầu tư, dự án xây dựng đường giao thông dài 1km tại thành phố Vinh (Nghệ An) bị chậm tiến độ và “đội” vốn là do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) và thay đổi giá đền bù.
“Mòn mỏi” chờ thông đường
Báo Giáo dục và Thời đại trước đó đã có bài viết “Gần 1km đường đầu tư ngót 300 tỷ, gần 2 thập kỷ chưa xong” tại thành phố Vinh (Nghệ An). Đây là tuyến đường dài 990m, rộng 72m tiếp nối với đại lộ Vinh - Cửa Lò, đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Gần 2 thập kỷ trôi qua kể từ ngày dự án được phê duyệt (năm 2004), tuyến đường đến nay vẫn chưa được thi công hoàn thành. Trong khi đó, người dân hằng ngày đi lại trên tuyến đường này vẫn phải chịu cảnh bụi bặm, ngập úng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Có 300m2 đất vườn nằm trong diện BT-GPMB đang chờ nhận tiền đền bù, ông Nguyễn Ngọc Bảo (SN 1942, trú tại xóm 17, xã Nghi Phú, thành phố Vinh) cho biết, việc dự án triển khai chậm chạp khiến cuộc sống gia đình ông và người dân địa phương gặp nhiều phiền phức.
Theo ông Bảo, vì tuyến đường chưa rải thảm một đoạn dài khoảng 300m nên vào mùa hè, xe cộ đi lại nhiều khiến bụi bay mù mịt. Gia đình ông Bảo phải mua bạt che chắn toàn bộ mặt tiền ngôi nhà. Không dừng lại ở đó, hệ thống thoát nước của con đường chưa hoàn thiện nên chỉ cần mưa to là nước ngập vào tận sân nhà.
Điều đáng nói, trong khi tuyến đường đang thi công dở dang nhưng xe cộ hằng ngày đi lại rất đông. Các phương tiện lưu thông qua đây phải chuyển sang làn ngược chiều để đi. Tại các vị trí chuyển làn, nhà thầu không cắm biển cảnh báo, đèn báo hiệu hay phương án đảm bảo an toàn giao thông.
Nguy hiểm hơn, mặc dù được đầu tư hệ thống chiếu sáng nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện để bàn giao, đóng điện. Vào ban đêm, tuyến đường này thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn, va chạm giao thông, thậm chí có những vụ tai nạn chết người. Vì những bất cập nói trên mà vào buổi tối, hầu như vợ chồng ông Bảo không bao giờ đi ra ngoài đường.
Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh (thành phố Vinh, Nghệ An) chậm tiến độ gần 2 thập kỷ. |
Một dự án 4 đời giám đốc
“Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 1A (ngã ba Quán Bàu) đến đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh 4 lần vào các năm 2006, 2013, 2014 và 2022. Từ ban đầu có số vốn hơn 63,4 tỷ đồng, đến tháng 1/2022 dự án “đội” vốn lên 275,5 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần. Gần đây nhất, ngày 7/10, UBND tỉnh Nghệ An có tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, dự án tiếp tục tăng vốn từ 275,5 tỷ đồng lên 281 tỷ đồng”. |
Theo tìm hiểu, dự án Đầu tư xây dựng đường giao thông từ Quốc lộ 1A (ngã ba Quán Bàu) đến đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại QĐ số 2112/QĐ.UB-CN ngày 11/6/2004.
Dự án được giao cho Ban Quản lý các dự án Xây dựng dân dụng và Kỹ thuật hạ tầng đô thị tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư (thuộc Sở Xây dựng), nay là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Nghệ An (thuộc UBND tỉnh Nghệ An).
Ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Nghệ An - cho biết, dự án đến nay đã trải qua 4 đời Giám đốc Ban Quản lý dự án. Nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ và đội vốn là do vướng khâu BT-GPMB, chậm vốn và bổ sung hạng mục thi công.
“Người dân đã ký vào phương án BT-GPMB rồi, nhưng tiền cấp thì chưa đủ để chi trả cho họ. Mình làm sao mà giải phóng nhà và đất của họ được. Ban đề xuất giải phóng lòng đường đã, chỗ nào dân nhận tiền rồi mình giải phóng chỗ đó, còn nếu làm đồng loạt thì không thể làm được”, ông Dũng nói về quá trình triển khai dự án.
Theo ông Dũng, trong lần điều chỉnh gần đây nhất vào đầu năm 2022, ngoài tăng chi phí BT-GPMB, dự án còn được UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu bổ sung thêm hạng mục “đảo giao thông” tại nút giao với Quốc lộ 1A (ngã ba Quán Bàu). Hiện, Ban Quản lý dự án đang làm việc với Sở Tài chính tỉnh Nghệ An để xin ngân sách.
Phương tiện giao thông phải chuyển sang làn đối diện vì làn đường chính bị “cụt”. |
“Khi UBND thành phố Vinh phê duyệt phương án BT-GPMB rồi thì HĐND tỉnh có một kỳ họp và đề xuất phương án điều chỉnh giá đất. Khi có nghị quyết của HĐND điều chỉnh giá đất bắt buộc Hội đồng BT-GPMB phải điều chỉnh lại phương án vượt lên 16,5 tỷ đồng. Giá đất tăng lên thì phải đền bù cho người dân tăng lên, không thể áp dụng chi phí cũ được”, ông Dũng thông tin về lần tăng vốn năm 2020.
Về vấn đề mặt đường phía Bắc đã thông từ lâu nhưng chưa được rải thảm, ông Dũng giải thích, theo thiết kế hệ thống mương sẽ nằm trong đất những hộ dân còn vướng mặt bằng. Chính vì thế, khi trời mưa nước sẽ đổ dồn xuống lòng đường, nếu rải thảm mặt đường đọng nước sẽ bị hư hỏng.
Ngoài ra, ông Dũng cho biết, ở phía Bắc đường 72m trước đây đã được nhà thầu làm mương, tuy nhiên có một số cá nhân đổ đất, vật liệu lấn chiếm vỉa hè làm hư hỏng, tắc hệ thống thoát nước.
“Hôm trước, tôi đã ra hiện trường, mời Thanh Thành Đạt (đơn vị thi công) ra làm việc, yêu cầu anh em bám hiện trường. Đợt tới, họ thống nhất thông lòng đường hết. Trước mắt sẽ thông một làn để cho 2 xe đi 2 chiều đỡ nguy hiểm. Đợt này Ban sẽ chỉ đạo sát sao chỗ này”, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thông tin.
Liên quan đến việc hệ thống đèn chiếu sáng, ông Dũng cho biết do chưa hoàn thiện nên chưa thể bàn giao lại Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh quản lý. Trong khi đó, Ban Quản lý dự án là đơn vị tự chủ, nếu bật đèn chiếu sáng sẽ không có ngân sách để chi trả tiền điện.
“Chúng tôi cũng phải nhìn lại, mình đã quyết liệt hay chưa, và quyết liệt như thế nào để quyết liệt hơn nữa. Và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, dự án kéo dài lâu quá, đơn giá thì đơn giá ngày xưa. Hiện tại dự án còn thiếu 16,5 tỷ đồng, Ban đang làm văn bản để xin UBND tỉnh trả cho người dân để làm xong cho dứt điểm”, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Nghệ An nói.
Tác giả: Phạm Tâm
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn