Tin trong tỉnh

Nghệ An: Chưa giải quyết khiếu nại dứt điểm cho dân, UBND xã Quỳnh Bảng đã tổ chức cưỡng chế?

Mặc dù người dân vẫn tiếp tục khiếu nại và chưa được sự nhất trí của huyện nhưng xã vẫn ban hành Quyết định cưỡng chế.

Chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế phần đất có bụi tre của gia đình ông Hồ Đình Sắc.

Ông Hồ Đình Sắc (cán bộ hưu trí, trú tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vừa gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc, UBND xã Quỳnh Bảng thực hiện không đúng quy định của pháp luật, ban hành quyết định cưỡng chế, tổ chức cưỡng chế sai trái gây thiệt hại về kinh tế, uy tín danh dự cho gia đình ông.

Đặc biệt quá trình giải quyết vụ việc, UBND xã lại dựa vào một tờ đơn sai cả về tên người xin cấp đất để làm căn cứ xác định diện tích, giải quyết vụ việc khiến người dân bức xúc.

Trong đơn ông Hồ Đình Sắc nêu: Căn cứ vào bản đồ gốc năm 1986 thì xác định diện tích của gia đình là 680m2 bao gồm đất ở, đất vườn và đất liền kề.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì trong các năm lại có sự thay đổi cụ thể: Năm 1995 đo lại 530 m2, năm 1996 đo lại 570 m2.

Riêng năm 2013, sau được nhường lại đất bao gồm (đất ở, đất vườn) từ bố đẻ là ông Hồ Đình Điểm, gia đình ông lại nhận được diện tích 530 m2.

Sau khi đo đạc lại, thửa đất của gia đình ông Hồ Đình Sắc có tổng diện tích 679,4 m2. Tuy nhiên UBND xã lại cho rằng diện tích đất của gia đình ông chỉ có 530 m2.

Đầu năm 2017, với chủ trương điều chỉnh lại diện tích đất ở, đất vườn cho các hộ gia đình trong xã, khi đo đạc lại thì diện tích của gia đình ông lại trở về 679,4 m2 (sát với số đo năm 1986 là 680 m2) và được các hộ gia đình ký xác nhận diện tích tại thửa đất (số 250, bản đồ tờ số 25) tại nhà văn hóa xóm.

Trong đó có các bụi tre nằm trong phần đất của gia đình được giao sử dụng, quản lý mảnh đất mà cha ông để lại và trải qua 5 đời.

Tuy nhiên, UBND xã lại cho rằng diện tích đất của gia đình ông Hồ Đình Sắc chỉ là 530 m2, đối với phần đất gia đình ông trồng tre là do lấn chiếm.

Ông Hồ Sỹ Bình cán bộ địa chỉ xã cho rằng: “Theo năm 1988, ông Hồ Đình Điểm ( tức bố đẻ ông Hồ Đình Sắc) có đơn xin cấp quyền sử dụng ruộng đất được ký tại tờ mẫu số 3, ngày 01/06/1988, xác định diện tích xin là 530m2”.

Tuy nhiên, chính tờ đơn xin cấp đất này lại sai cả tên của người làm đơn. Cụ thể người làm đơn xin cấp quyền sử dụng đất là ông Hồ Đình Điểm nhưng trong giấy lại ghi là Hồ Điễm.

Người đi làm đơn lại viết sai ngay chính tên của mình?

Căn cứ vào tờ đơn sai họ tên này để UBND xã Quỳnh Bảng giải quyết vụ việc rồi kết luận ông Nguyễn Đình Sắc “Vi phạm hình chính trong lĩnh vực đất đai”.

Sau đó vị Chủ tịch UBND xã tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế các bụi tre khi chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND huyện Quỳnh Lưu.

Đồng thời ra thông báo (ngày 16/9/2019) tổ chức cưỡng chế nêu rõ “Chặt bỏ, đào gốc toàn bộ bờ tre. Buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu” tổ chức cưỡng chế được “ấn định” vào ngày 18/9/2019.

Đúng thời gian được “ấn định” chính quyền xã Quỳnh Bảng rầm rộ tổ chức lượng công an, cán bộ xã và xóm, đưa máy móc đến cưỡng chế chặt, đào phá các bụi tre, hủy hoại tài sản vật chứng trên đất thổ cư.

Căn cứ quy định tại Khoản 3; Điểm b, Khoản 5, Điều 71 Luật Đất đai; Khoản 5, Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai thì Chủ tịch UBND cấp huyện mới được ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.

Hiện ông Sắc đã làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu làm rõ, giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên đại diện UBND xã Quỳnh Bảng lại cho rằng: Quá trình giải quyết của địa phương nhận được sự đồng thuận từ phía hộ gia đình sản xuất liền kề và cán bộ xóm.

Những ngọn tre này vì ảnh hưởng đến phần đất sản xuất của người dân gần đó nên có lời qua tiếng lại với gia đình, địa phương đã xuống giải quyết, phía gia đình có ngọn tre tỏa xuống ruộng, đã chặt ngọn. Còn việc tổ chức cưỡng chế, là do anh em chuyên môn “tham mưu”.

Cho rằng quá trình giải quyết của UBND xã là chưa thỏa đáng, đặc biệt việc ban hành Quyết định cưỡng chế, tổ chức cưỡng chế là trái quy định của pháp luật không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ông và gia đình.

Vì vậy, ông Hồ Đình Sắc đã làm đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu làm rõ giải quyết dứt điểm sự việc.

Đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ quy trình cưỡng chế của UBND xã Quỳnh Bảng, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm minh.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP