Sáng 19/6, các đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An có buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 tại xã Bồng Khê (huyện Con Cuông).
Vấn đề thủy điện tiếp tục là đề tài “nóng” tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở Nghệ An |
Tại buổi tiếp xúc cử tri này, một số cử tri thôn Vĩnh Hoàn, xã Bồng Khê, cho biết, cuối tháng 8/2018, các thủy điện ở thượng nguồn sông Cả đồng loạt xả lũ ồ ạt, người dân thôn này không chỉ bị thiệt hại hoa màu mà 5 ha đất cũng bị mất nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù. Theo các cử tri, nguyên nhân của sự việc là do xả lũ chứ không phải thiên tai nên nhà máy thủy điện phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người dân.
Phát biểu tại hội nghị về vấn đề thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa đền bù, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết, Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu đồng thời góp tiếng nói để sớm hỗ trợ cho người dân.
Tìm kiếm thi thể anh Vi Văn May, ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng (Tương Dương) bị đuối nước do thủy điện Nậm Nơn xả nước không có còi báo hiệu |
Trước đó, chiều ngày 18/6, các Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy và Nguyễn Hữu Cầu cũng đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã Xá Lượng (huyện Tương Dương). Tại hội nghị, toàn bộ ý kiến các cử tri đều thể hiện sự bức xúc với những nhà máy thủy điện đóng trên địa bàn. Được biết, xã Xá Lượng hiện có 2 thủy điện đóng trên địa bàn là Nậm Nơn và Bản Ang.
Theo cử tri, trước khi xây dựng thủy điện, nhiều hộ dân đã được khảo sát và kiểm đếm tài sản nhưng sau đó lại chỉ được đền bù phần đất bị ảnh hưởng chứ không cho di dời. Trong khi khoảng cách của các hộ dân với công trình thủy điện là quá gần, ảnh hưởng đến an toàn của người dân. Trong quá trình thi công, việc nổ mìn khiến người dân phải sơ tán nhiều lần, làm hư hại nhà cửa nhưng họ kiến nghị rất nhiều lần mới được đền bù, tuy nhiên việc đền bù vẫn không thỏa đáng.
Một khúc sông Nậm Mộ ở huyện Kỳ Sơn dài chưa đầy 1km nhưng có tới 3 nhà máy thủy điện khiến sông cạn trơ đáy |
Cũng theo cử tri xã Xá Lượng, trạm điện của thủy điện cách nhà dân chưa đầy 5 mét, gây bất an, đe dọa đến tính mạng người dân. Biển cảnh báo an toàn cấm của thủy điện không cho người vào khu vực thủy điện trong tầm 100m nhưng hiện nay người dân lại phải sinh sống cách đập chưa đến 20m, bờ tường nhà dân thậm chí sát với trạm biến áp...
Về việc giải quyết các thiệt hại phát sinh sau khi vận hành thủy điện Nậm Nơn, trong đợt xả lũ cuối tháng 8/2018 đã làm trôi và sạt lở nhà của 14 hộ gia đình sống dọc khu vực thủy điện, hiện nay chính quyền đã kiểm đếm, lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét nhưng gần một năm vẫn chưa có kết quả, trong khi người dân thì vẫn chưa có chỗ ở, còn mùa mưa bão thì đến gần.
Gần đây nhất, thủy điện Nậm Nơn xả nước không có còi báo đã làm chết anh Vi Văn May (bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng). Đại diện thủy điện đến gặp thân nhân anh May muốn thống nhất bồi thường dân sự 135 triệu đồng nhưng thái độ của phía thủy điện không cầu thị cho rằng có lỗi của nạn nhân trong vụ việc nêu trên đã gây nên bức xúc trong nhân dân.
Người dân bản Khe Bố, xã Tam Quang (huyện Tương Dương) “tố” nhà máy thủy điện xả lũ trong tháng 8/2018 gây ngập lụt, thiệt hại tài sản rất lớn |
Trong sáng 18/6, hai Đại biểu Quốc hội Lê Quang Huy và Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cũng đã tiếp xúc cử tri xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn). Theo các cử tri xã Na Ngoi, trên địa bàn xã hiện nay có đến 2 thủy điện, từ khi có thủy điện, địa phương cũng xuất hiện những “dòng sông chết”, nguồn nước cạn kiệt. Vì thế người dân không có nước để sản xuất nông nghiệp...
Trước bức xúc của người dân, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị huyện Kỳ Sơn cần kiểm tra công tác thi công cũng như tình trạng các dòng sông cạn kiệt ảnh hưởng đến canh tác của người dân hay không để có các phương án khắc phục.
Có thể nói, từ khi có các dự án thủy điện xuất hiện ở tỉnh Nghệ An thì hầu như không có cuộc tiếp xúc cử tri nào mà người dân không đề cập đến những ảnh hưởng, hệ lụy từ các dự án thủy điện trên địa bàn gây ra. Thế nhưng, việc giải quyết thấu đáo, dứt điểm những kiến nghị của cử tri vẫn chưa bao giờ được thực hiện một cách thỏa đáng.
Tại Báo cáo đánh giá toàn diện tác động của các công trình thủy điện đối với điều tiết, ngăn lũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An vào cuối tháng 10/2018 đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An đưa ra khỏi quy hoạch, rút giấy phép đầu tư các dự án thủy điện không khả thi, hiệu quả thấp, triển khai chậm tiến độ hoặc chưa triển khai, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đời sống của nhân dân.Đến nay, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Nghệ An đã loại bỏ 15 dự án thủy điện, 01 dự án đang xem xét loại bỏ. |
Tác giả: Đình Tiệp
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường