Tin trong tỉnh

Nghệ An: Cựu Chủ tịch xã kêu oan trong vụ "xà xẻo" tiền hỗ trợ cho người dân bị thiên tai

Bị tuyên phạt 2 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, cựu Chủ tịch UBND xã Khai Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) kêu oan, cho rằng bản thân không biết việc các cán bộ cấp dưới thực hiện việc cắt bớt tiền hỗ trợ của các hộ dân.

Lãnh đạo xã ''bớt xén'' tiền hỗ trợ của người dân

Ngày 24-25/8/2022, Tòa án Nhân dân huyện Anh Sơn (Nghệ An) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị cáo bị đưa ra xét xử là cựu Chủ tịch UBND xã Khai Sơn và các thuộc cấp, vì liên quan đến chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị thiên tai trên địa bàn năm 2020.

Theo nội dung vụ án: Vào tháng 7 và tháng 9/2020, xã Khai Sơn (huyện Anh Sơn) bị ảnh hưởng lớn bởi hoàn lưu bão số 9, dẫn đến hậu quả nhiều hộ dân bị thiệt hại tài sản trong sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai theo các quy định, UBND huyện Anh Sơn đã ban hành các văn bản về chính sách hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân.

Trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Anh Sơn (Nghệ An)

Ở xã Khai Sơn có 7 thôn gồm: thôn 1,3,4,6,7,8,9 bị thiệt hại nhiều tài sản trong sản xuất nông nghiệp. Sau khi tiếp nhận chủ trương hỗ trợ của UBND huyện, Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Chủ tịch UBND xã Khai Sơn đã giao cho Phan Thị Hoài – Công chức địa chính, nôngnghiệp của xã trực tiếp triển khai thực hiện. Hoài đã mời thôn trưởng tất cả các thôn đến xã để thông báo chủ trương, đồng thời phát hồ sơ cho thôn trưởng để đưa về phát cho người dân có thiệt hại trực tiếp kê khai, rồi nộp cho Phan Thị Hoài tổng hợp chung.

Trên cơ sở mức độ thiệt hại do các hộ dân kê khai và được Phan Thị Hoài tổng hợp danh sách, ngày 10/11/2020, Chủ tịch Nguyễn Thị Ngọc Ánh ký ban hành Quyết định số 142/QĐUBND thành lập Hội đồng kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại thực tế. Quá trình thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thiệt hại chỉ được tiến hành đối với một số hộ dân ở thôn 1 và thôn 3 của xã; số còn lại tổ công tác không tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế, mà chỉ tiến hành xét duyệt qua hồ sơ và cơ bản thống nhất như hồ sơ do thôn trưởng, thôn phó các thôn đã trình lên.

Sau khi tổng hợp, lập hồ sơ, Phan Thị Hoài đã trình danh sách hỗ trợ, tham mưu ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ của từng hộ ở các thôn kèm theo tờ trình và Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã ký duyệt, gửi lên Phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn để phục vụ công tác thẩm định hồ sơ, phê duyệt đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ.

Ngày 30/7/2021, UBND huyện Anh Sơn ban hành Quyết định số 75/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân trên địa bàn xã Khai Sơn, và nêu rõ: Tổng kinh phí hỗ trợ là 1.319.579.000 đ với chủ trương cấp phát đủ cho các đối tượng bị thiệt hại theo hồ sơ đề xuất của UBND xã Khai Sơn. Ngày 4/8/2021, Nguyễn Thị Ngọc Ánh – Chủ tịch UBND xã Khai Sơn đã ký ban hành Quyết định số 230/QĐ-UBND về việc cấp kinh phí hỗ trợ.

Cũng theo bản án, tháng 8/2021, trong quá trình lập hồ sơ chi trả tiền hỗ trợ, Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã chỉ đạo Nguyễn Thị Duyên và Phan Thị Hoài tìm cách cắt giảm tiền hỗ trợ của các hộ dân. Theo sự chỉ đạo của Ánh nên Hoài và Duyên đã dùng các thủ đoạn để lập hồ sơ khống, để trống cột ghi số tiền. Khi tiến hành chi trả, đã cho các hộ dân ký vào bản danh sách thực nhận và danh sách khống. Sau đó dùng danh sách khống hợp thức hóa hồ sơ để quyết toán. Các bị cáo đã cắt giảm của 144 hộ dân được hỗ trợ thiên tai tại các thôn 1,3,4,6,7,8 trên địa bàn xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An, gây thiệt hại cho các hộ dân số tiền 185.302.400 đồng.

Cựu Chủ tịch UBND xã Khai Sơn cùng các thuộc cấp tại phiên xét xử sơ thẩm


Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Khai Sơn 2 năm tù; Phan Thị Hoài, Công chức địa chính - Nông nghiệp xã Khai Sơn 18 tháng tù, cho hưởng án treo; Nguyễn Thị Duyên, Công chức tài chính - Kế toán xã Khai Sơn 16 tháng tù, cho hưởng án treo và Nguyễn Thị Liên, thôn 7, xã Khai Sơn 12 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 1, Điều 356 – BLHS. Bị cáo Nguyễn Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Khai Sơn 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 360 – BLHS.

Cựu Chủ tịch xã kêu oan?

Sau phán quyết của tòa sơ thẩm, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, cựu Chủ tịch UBND xã Khai Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) kêu oan cho rằng: Việc khởi tố, bắt tạm giam bà về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360, BLHS 2015. Mặc dù bản thân không biết việc bị cáo Hoài thực hiện việc cắt xén tiền hỗ trợ của những hộ dân nào, cùng với ai, sử dụng thủ đoạn nào để phạm tội và cũng không có chứng cứ, chứng minh bà có hành vi phạm tội. Việc chỉ căn cứ vào lời khai của Nguyễn Thị Duyên, Phan Thị Hoài để buộc tội bà và chuyển thành tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356, BHLS 2015” là không có căn cứ.

Theo cựu Chủ tịch UBND xã Khai Sơn, trong vụ án này, người chủ mưu, cầm đầu là Phan Thị Hoài (Công chức địa chính - nông nghiệp xã) – là người trực tiếp lập khống hồ sơ cắt giảm tiền hỗ trợ kinh phí của các hộ dân; Nguyễn Thị Duyên (Công chức tài chính - kế toán xã) là người hướng dẫn Hoài cách thức lập hồ sơ. Cả Hoài và Duyên sau khi cắt giảm tiền hỗ trợ của dân thành công, đã chia nhau số tiền chiếm đoạt được.

Nguyễn Thị Ngọc Ánh (áo trắng) kêu oan khi bị thay đổi tội danh


Cựu Chủ tịch UBND xã Khai Sơn và Luật sư bào chữa đã đưa ra 5 lý do nhằm kêu oan gồm:

Thứ nhất, tại sao chứng cứ là tin nhắn, do Cơ quan điều tra thu thập trong điện thoại của Hoài lưu vào hồ sơ vụ án, nhưng không xem xét trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Nội dung cụ thể các tin nhắn là Hoài và Duyên bàn bạc cách thức qua mặt Ánh để bớt xén tiền của dân; Hoài và ông Thái (Bí thư Đảng ủy xã) bàn bạc cách thức đối phó với bà Ánh, khi bị phát hiện hồ sơ các hộ dân được lập khống và thống nhất phương án xử lý số tiền đã bớt xén được của hộ dân, do Hoài đã bớt xén trước đó.

Thứ hai, số tiền chiếm đoạt, được Hoài tính toán, bàn bạc với Duyên sử dụng. Trong đó, Hoài trực tiếp đưa cho Liên 12.488.000 đồng, và yêu cầu Liên “giấu tuyệt đối không cho Ánh biết việc này”.

Thứ ba, khi phát hiện một số sai phạm xảy ra khi chi trả tiền cho người dân của cán bộ cấp dưới, chính bà Ánh là người chỉ đạo nạp trả số tiền sai phạm vào ngân sách nhà nước.

Thứ tư, tại phiên toà, mặc dù Viện kiểm sát đã ra thông báo cáo trạng bổ sung khẳng định: Là không có căn cứ, và rút một phần truy tố tại phiên toà sơ thẩm đối với hộ ông Nguyễn Văn Hoà, và hộ Lê Xuân Trường vì không có sự chỉ đạo của Nguyễn Thị Ngọc Ánh. Nhưng Hội đồng xét xử vẫn kết luận nội dung này.

Thứ năm, mâu thuẫn lời khai với kết luận giám định tại hồ sơ vụ án. Thủ đoạn phạm tội trong vụ án là: Hoài, Duyên in 01 bản danh sách thực cấp và 01 bản danh sách để trống cột số tiền, rồi dùng danh sách thực cấp đè lên bản để trống cho người dân ký. Sau đó về in thêm số tiền đã được phê duyệt, rồi mới trình Ánh ký hồ sơ quyết toán.

Căn cứ Kết luật giám định của VKHHS Bộ Công an, chỉ có danh sách tại thôn 7, thôn 8 là hồ sơ được in thêm in đè, còn hồ sơ thôn 1, 6 không bị in đè; hồ sơ thôn 3, 4 mất hồ sơ gốc không thực hiện giám định, nhưng tại các thôn này, các hộ dân vẫn bị cắt xén tiền. Vậy, Hoài đã thực hiện thủ đoạn nào khác để phạm tội, và có mục đích gì vẫn chưa được Cơ quan điều tra làm rõ?

Được biết, ngày 13/9/2022, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã có đơn gửi Viện KSND tỉnh Nghệ An đề nghị xem xét lại nội dung vụ án và Bản án số 38/2022/HSST ngày 25/8/2022 của Tòa án Nhân dân huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Sau khi nhận được đơn của bà Ánh, cơ quan Thanh tra – Khiếu tố, Viện KSND tỉnh Nghệ An đã chuyển đơn đến Phòng 7, Viện KSND tỉnh Nghệ An để xem xét, kiểm sát giải quyết theo thẩm quyền.

Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP