Các tài liệu và nhân chứng đều khẳng định thửa đất trước đây là âu nước, lạch và cống thoát nước thuộc quản lý của UBND thị trấn Cầu Giát, nhưng chỉ 1 vài thông tin ghi sai lệch trong sổ mục kê năm 1997 đã biến cái ao thành đất ở lâu năm. |
Hơn 1 năm vẫn tắc
Ngày 6/7/2019, Báo Giao thông có đăng bài viết “Dân chiếm cống xả lũ chuyển thành đất có sổ, thị trấn “bật đèn xanh”?” phản ánh bức xúc của người dân khối 4, Thị trấn Cầu Giát, khi toàn bộ hệ thống cống xả lũ và lạch thoát nước của khối bị biến thành đất có sổ đỏ của cá nhân.
Sau phản ánh, UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ an) đã yêu cầu UBND thị trấn Cầu Giát báo cáo và giải quyết dứt điểm vụ việc. Thế nhưng đã qua 1 năm, UBND thị trấn vẫn chưa thực hiện được.
Sự việc kéo dài khiến tuyến đường giao thông nối từ Chợ Bò tới đê Sông Thái cũng không thể thi công. Người dân ở đây tiếp tục chịu cảnh “nắng bụi mưa lầy”, trong khi chính quyền vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.
Trên bản vẽ thiết kế tuyến đường giao thông Thị trấn Cầu Giát năm 2005 thể hiện rõ tuyến đường cắt thửa 81 là qua ao nước, cống thoát nước thuộc quản lý của thị trấn nên không phải bồi thường GPMB. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kế Lợi - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Giát thừa nhận và cho biết: "Vấn đề đường giao thông, mương thoát nước, cống số 2, UBND đã giải quyết nhiều lần nhưng vẫn còn vướng do phía gia đình ông Nguyễn Hữu Ngũ (Ngụ) có đơn khiếu nại về văn bản trả lời của UBND thị trấn. Thậm chí, gia đình này còn thuê luật sư đại diện để đòi quyền lợi. Hiện chúng tôi đang tiến hành trả lời khiếu nại".
Về nguồn gốc mảnh đất, ông Lợi cho rằng, cần phải xác minh thông qua hồ sơ địa chính, bản đồ qua các thời kỳ và thông tin từ sổ mục kê.
"Cái khó của việc này chính là mỗi thời điểm trên bản đồ và sổ mục kê thể hiện khác nhau. Trên bản đồ địa chính thì thửa 81 thuộc quản lý của UBND xã, nhưng có lúc trong sổ mục kê lại ghi của gia đình ông Trần Trọng Hùng (sau bán cho ông Ngũ).
Tuy nhiên, nếu đất thuộc sở hữu của ông Ngũ thì tại sao suốt quá trình triển khai dự án đường giao thông từ năm 2005, khi đổ đất lấp mương và cống thoát nước số 2 vào năm 2009 và lần làm tiếp vào năm 2018 thì không có bất cứ hộ nào ngăn cản, đòi quyền lợi?
Tâm nguyện của địa phương là làm sớm để nhân dân đi lại. Về cái cống thoát nước, hiện huyện đã chấp thuận cho làm lại để thoát nước, chống ngập cho khu vực”, ông Lợi cho biết.
Giấy chuyển nhượng đất trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Ngũ bị tố có dấu hiệu bị làm giả, khi người viết và ký giấy là bà Nguyễn Thị Thường – người không biết chữ. |
Dấu hiệu làm giả giấy tờ?
Theo các tài liệu từ UBND thị trấn Cầu Giát và Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai huyện Quỳnh Lưu cung cấp, có thể thấy rất rõ nguồn gốc của mảnh đất này. Tại tờ bản đồ địa chính lâu đời nhất còn lưu tại UBND thị trấn thể hiện rất rõ trước năm 1992 , diện tích thửa đất số 81 là đất sản xuất nông nghiệp của HTX Đồng Tâm.
Sau khi làm đê sông Thái khu vực thửa 81 là đất sâu trũng hoang hóa, sau đó gia đình bà Nguyễn Thị Thường chiếm dụng một phần phía Tây thửa 81 để cải tạo trồng rau muống và cây nếp râu , đồng thời làm lò ngói và bồi đắp được một phần.
Đến năm 1994 thì gia đình bà Thường bán phần diện tích hơn 200m2 đã chiếm dụng và bồi đắp cho gia đình ông Hồ Trọng Hùng (ở khối 4). Đến năm 2003, gia đình ông Hùng không có nhu cầu sử dụng nữa nên đã chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Hữu Ngũ. Phần còn lại của thửa 81 vẫn là đất âu đựng nước và lạch thoát nước ở phía Bắc cống số 2.
Năm 2009, UBND thị trấn mở thông tuyến đường từ phía Tây chợ Bò đi để sông Thái nên đã cho lấp lòng lạch, âu đựng nước và cổng số 2, từ đó đến nay, phần diện tích lòng lạch đã bị lấp bao gồm thửa đất số 262 (thửa 81 tách ra thửa 262 và 253 - Bản đồ địa chính 2014) là đất bằng do UBND thị trấn quản lý.
Riêng năm 1997, do thực hiện đo vẽ địa chính khi khu đất vẫn là âu nước không có ranh giới rõ ràng nên cán bộ địa chính đã tính toàn bộ vào thửa đất 81 diện tích 1.242m2 và ghi vào sổ mục kê là đất thổ cư, chủ sở hữu Hồ Trọng Hùng. Đây chính là khởi đầu cho hành vi lấn chiếm đất và các tranh chấp đất sau này.
Đáng lưu ý, theo người dân địa phương cho biết, Chủ tịch UBND thị trấn lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Dương - lại chính là anh vợ ông Ngũ. Chính ông Dương cũng ký xác nhận trong giấy chuyển nhượng đất giữa ông Hùng và ông Ngũ vào năm 2003 với diện tích đất ở từ 200m2 lên thành 1.220m2 (trong khi thực tế lúc này thửa đất vẫn là âu nước và lạch cống.
Ngoài ra, trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lưu tại Văn phòng đăng ký đất đai huyện Quỳnh Lưu, có 1 tờ giấy mua bán đất do bà Nguyễn Thị Thường ký bán đất cho gia đình ông Hồ Trọng Hùng vào ngày 8/9/1994.
Tuy nhiên khi làm việc với PV, bà Nguyễn Thị Thường (65 tuổi) khẳng định: "Tôi không hề ký bất cứ tờ giấy bán đất nào cho ông Hùng. Tôi không biết chữ thì ký làm sao được. Tôi nhớ thời điểm đó chồng tôi là Nguyễn Ngọc Tân (1952) mới là người ký giấy chuyển nhượng cho gia đình ông Hùng. Mà lúc đó, vợ chồng tôi cũng chỉ bán công bồi trúc, khai hoang chứ đất của nhà nước ai dám bán.
Chính tôi cũng đã lên UBND xã yêu cầu làm rõ việc này. Tại sao giờ ông Ngũ lại viết 1 cái giấy nói bà Thường xâm chiếm đất của nhà nước rồi tự ký tên tôi vào đấy? Tôi không biết viết nên các giấy tờ tôi đều nhờ người đọc rồi tôi điểm chỉ vào đó. Tôi mong các cấp chính quyền địa phương sớm làm sáng rõ việc này, trả lại đất cho dân, trả lại uy tín, danh dự cho gia đình tôi”, bà Thường đề nghị.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tác giả: Văn Thanh
Nguồn tin: Báo Giao thông