Trao đổi với PV, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng công an phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Hoàng Mai vừa khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Cảnh Tâm (SN 1972, trú Khối 10, phường Quỳnh Xuân) và con trai ông Tâm là Nguyễn Cảnh Thực để điều tra về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản và cố ý hủy hoại tài sản.
Trước đó, chị Nguyễn Thị Hựu (SN 1977, địa chỉ Khối 12, phường Quỳnh Xuân) có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng phản ánh, năm 1996 chị được bác ruột là ông Nguyễn Đình Phú (hiện ở TP.Vinh) chuyển nhượng cho một mảnh đất bám đường quốc lộ 1A, với diện tích 203 m2 thuộc khối 12 phường Quỳnh Xuân.
Mảnh đất này có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1996 mang tên chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Phú và một giấy viết tay của hai người bác là ông Nguyễn Đinh Phú và bà Nguyễn Thị Chung chuyển nhượng cho cháu là Nguyễn Thị Hựu.
Bị đập phá, nhà chị Hựu chỉ còn là đống đổ nát. Ảnh: ĐV |
Đến năm 2003 vợ chồng chị Hựu vay mượn làm một căn nhà nhà cấp 4 và ở từ đó đến đến năm 2010.
Vì công việc làm ăn, chị Hựu có vay của vợ chồng ông bà Nguyễn Cảnh Tâm và Vũ Thị Loan, sinh sống cùng địa phương số tiền 260 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó do gặp khó khăn nên chị Hựu không có có tiền trả nợ.
Theo trình bày của chị Hựu, do vợ chồng ông Tâm liên tục dọa nạt đòi lấy tiền, chị đành phải xin sang Malaysia lao động mong kiếm tiền để về để trả nợ.
“Khi vợ chồng ông Tâm biết tôi đi đã viết sẵn một tờ giấy chuyển nhượng đất bắt tôi ký và bảo là giấy cam kết. Họ biết bản thân tôi không hề biết chữ, tôi cứ tưởng thật nên đã ký để đi làm. Trước khi đi tôi đã nói với vợ chồng ông Tâm là tôi đi làm để kiếm tiền về trả nợ cho anh, còn nhà của tôi thì tôi không bán được đâu vì đang còn chồng với con tôi nữa.
Đến đầu năm 2018 tôi về Việt Nam và sang nhà ông Tâm xin lỗi, bảo ông Tâm tính số tiền gốc và lãi để trả nhưng ông Tâm đòi đúng 1 tỷ đồng. Thấy cách tính cắt cổ này không khác gì kiểu tín dụng đen cho vay nặng lãi, vô lý nên tôi không trả”, chị Hựu nói.
Cũng theo phản ánh, ngày 11/12/2018, ông Tâm cho người lái xe ben húc thẳng vào cửa chính nơi mẹ con chị đang ở làm bờ tường nứt. Chị Hựu sau đó đã làm đơn trình báo Công an phường Quỳnh Xuân và Công an thị xã Hoàng Mai. Khi sự việc còn đang giải quyết thì vào chiều 21/1/2019, ông Tâm lại đưa một máy múc cỡ lớn và một số đối tượng bê tài sản trong nhà chị, trong lúc chị đi vắng, hai con gái nhỏ đi học.
“Khi nghe tin tôi chạy về thì chỉ nhìn thấy một đống đổ nát, cả bàn thờ tổ tiên, đồ đạc quần áo đều bị ném ra đường. Toàn bộ thiệt hại sau này được xác định là hơn 360 triệu đồng”, chị Hựu bức xúc.
Cho đến nay, gần 4 tháng sau khi nhà bị phá, mẹ con chị Nguyễn Thị Hựu vẫn đang phải đi ở nhờ nhà bà con trong xóm, mỗi nhà vài buổi. Hiện chồng chị đang đi làm ăn xa, không có ở nhà, bản thân chị đang đi bán hoa quả để mưu sinh, nuôi ba con nhỏ ăn học, cuộc sống cực kỳ bấp bênh.
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Đại Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội), từ nội dung vụ việc nêu trên, trong trường hợp tài sản chưa được bàn giao, giấy bán nhà là hợp đồng chuyển nhượng và chưa hoàn thiện nhưng ông Tâm đưa máy xúc, máy ủi đến cưỡng chế phá nhà là trái quy định của pháp luật.
Trường hợp giao dịch mua bán nhà được cấp thẩm quyền chứng nhận thì mảnh đất đó thuộc quyền sở hữu và là tài sản của ông Tâm. Nói cách khác, ông Tâm chỉ là chủ sở hữu thực sự khi có trong tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đó.
Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt rõ là việc bán đất và tài sản gắn liền trên đất. Cho dù chị Hựu có bán đất nhưng không ghi rõ bán cả tài sản gắn liền trên đất thì ông Tâm cũng không có quyền phá nhà. Hành vi này có dấu hiệu của tội Hủy hoại tài sản.
Tác giả: Hoàng Duyên
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội