Xung quanh vấn đề này, có rất nhiều nguyên nhân được đại diện các cơ quan chức năng đưa ra bàn luận, trong đó có liên quan đến việc nhiều địa phương cấp cơ sở sợ trách nhiệm liên đới trong khâu xác minh nguồn gốc, xử lý thủ tục đất đai khiến tình trạng nói trên rơi vào vướng mắc, bế tắc…
Sợ trách nhiệm liên đới
Xử lý, giải quyết thủ tục đất đai là vấn đề nhạy cảm bởi vấn đề này liên quan đến quyền lợi trực tiếp của các cá nhân, tổ chức được giao quyền sử dụng. Đằng sau đó, nhiều câu chuyện liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí cả yếu tố hình sự nếu khách thể lẫn chủ thể cố tình làm trái, làm sai quy trình, thủ tục.
Ông Nguyễn Văn Thắng, trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh cho biết, thực tế hồ sơ, thủ tục đất đai hiện nay quá phức tạp và không có sự thống nhất từ cơ sở đến cấp có thẩm quyền.
“Chúng tôi phải chờ đợi hơn 2 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thiện xong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dù mất cả hàng chục lần lên, xuống xã, phường rồi cấp thành phố nhưng quy trình thủ tục vẫn phải làm đi, làm lại do không được hướng dẫn một cách đồng nhất từ cấp trên cho xuống cấp dưới. Nhiều người đã phải bỏ cuộc, mất đi các cơ hội sinh kế vì không thể theo đuổi được lộ trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của địa phương” – ông Nguyễn Văn Thắng bức xúc.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trên địa bàn Nghệ An hiện nay còn rườm rà, bế tắc do cấp địa phương sợ liên đới trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ |
Chưa kể, để người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện đang mất rất nhiều thời gian, phải đi lại nhiều lần nhưng vẫn chưa thể có ngay được kết quả cuối cùng.
Mới đây, tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An khoá 18, kỳ họp lần thứ 11 diễn ra vào ngày 08/12/2022, trả lời trước những vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm, ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho biết, liên quan đến quy trình, thủ tục xử lý hồ sơ đất đai, các địa phương hiện đang tồn tại thực trạng sợ trách nhiệm. Đó là một trong những nguyên nhân tồn đọng hiện nay trong việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn trong thời gian qua.
“Khó khăn nhất là việc xác nhận nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp tồn đọng, mặc dù các địa phương đều thành lập đoàn để kiểm tra, xác minh, tuy nhiên các địa phương đang sợ trách nhiệm trong vấn đề này nên ảnh hưởng đến tiến độ” – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho biết.
Dịch vụ công trực tuyến chưa đồng bộ
Để giải quyết tình trạng này, người đứng đầu ngành TN&MT tỉnh Nghệ An cũng cho biết sẽ tiếp tục tổng hợp các khó khăn, vướng mắc từ cấp cơ sở để phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28 trước đó đã ban hành.
Cụ thể, theo Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND về việc quy định về việc cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An thay thế Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 03/4/2018 của UBND tỉnh khi đi vào áp dụng thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Được biết, hiện vẫn còn 15/21 huyện, thị ở Nghệ An thành hiện đang còn tồn đọng số lượng hồ sơ liên quan đến thủ tục hoàn thiện đất đai cho người dân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ở Nghệ An đang có hàng nghìn hồ sơ liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân vẫn chưa được giải quyết.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, trên địa bàn Nghệ An có còn khoảng 47.073 trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở nhưng chưa được cấp GCNQSDĐ lần đầu. Trong số này, có 14.630 trường hợp giao đất trái thẩm quyền; 820 trường hợp tại các khu tập thể cũ; 31.623 trường hợp giao đất không đúng quy hoạch, căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề tại các dự án đô thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Việc công khai thủ tục đất đai trên địa bàn Nghệ An bằng cách đưa lên dịch vụ công trực tuyến cần được nâng cao hơn nữa |
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề đất đai ở Nghệ An đã có không ít vụ việc cán bộ, công chức cố tình làm sai lệch hồ sơ, vòi vĩnh, hạch sách người dân…đã bị khởi tố.
Thống kê cho thấy, trong năm 2022, Toà án các cấp đã thụ lý, xét xử 6 vụ (chiếm 30% tỷ lệ vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai) liên quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và áp dụng hình phạt từ 1 đến 6 năm tù.
Thực trạng đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức xuống cấp, tha hoá vẫn còn tồn tại trong bộ máy công quyền ở địa phương. Vấn nạn “cò môi”, thiếu công khai, minh bạch, tiếp tay cho sai phạm vẫn còn xảy ra ở một số địa phương dẫn đến hồ sơ, thủ tục đất đai bị biến tấu, phù phép khiến khiếu kiện kéo dài.
Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, liên quan đến vấn đề thủ tục đất đai hiện có tới khoảng 80% vụ việc khiếu kiện, tố cáo được cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận, xử lý. Không ít cán bộ, công chức có “nhúng chàm” trong việc thực thi công vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xảy ra sai phạm.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cũng đề xuất cần phải nâng cao tính công khai, minh bạch, việc đưa quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hiện nay là cấn thiết. Làm được điều đó sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng quan liêu, sách nhiễu của cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong thời gian tới.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp