Tin trong tỉnh

Nghệ An: Dự án ôm "đất vàng" xây dựng dang dở rồi thành nơi đổ rác

Nằm ở vị trí đắc địa giữa TP.Vinh (Nghệ An), dự án Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC xây dựng dang dở rồi "đắp chiếu" hơn một thập kỷ gây lãng phí tài nguyên đất, tạo ra nhiều hệ luỵ xấu về công tác thu hút đầu tư.

Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, chung cư cao tầng BMC xây dựng dang dở ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan đô thị. Ảnh Tuấn Quỳnh

Trong đó, dự án Trung tâm thương mại, chung cư cao tầng BMC do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại (gọi tắt là BMC) có địa chỉ tại TP.Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư vẫn là "điểm nhấn" trong hàng loạt dự án chậm tiến độ tại Nghệ An. Dự án này nằm trên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Hưng Bình) - là khu vực trung tâm, có hoạt động kinh doanh, thương mại sầm uất bậc nhất TP.Vinh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 2307/QĐ-UBND.ĐT ngày 26/6/2006. Sau khi được bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2009, với diện tích đất là hơn 3,100 m2, Công ty BMC đã tiến hành khởi động xây dựng dự án và dự kiến hoàn thiện, đưa vào sử dụng vào năm 2010. Được biết, tổng mức đầu tư của dự án này là 179,93 tỷ đồng.

Dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành "trái tim của phường Hưng Bình" nay xây dựng dang dở rồi đắp chiếu hơn một thập kỷ. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Thời điểm 2010, dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành "trái tim của phường Hưng Bình", hứa hẹn sẽ là một trong những tòa nhà cao nhất trên địa bàn TP.Vinh khi hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư đã nhiều lần xin gia hạn thời gian hoàn thành dự án. Đến năm 2013, khi chủ đầu tư BMC đã xây dựng đến tầng thứ 11 của dãy 2 toà nhà thì bất ngờ "đắp chiếu” cho đến nay.

Bên ngoài dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC được vây rào tôn xung quanh. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Một người dân tại phường Hưng Bình bức xúc, chia sẻ: “Dự án này, được xây dựng đã hơn 10 năm, tuy nhiên vẫn chưa hoàn thiện. Việc chủ đầu tư đã “ôm” một diện tích đất lớn ở ngay vị trí mặt tiền của phường Hưng Bình, TP. Vinh rồi xây dựng dang dở không những gây lãng phí tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan đô thị. Người dân chúng tôi mong muốn dự án sẽ sớm triển khai, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp cho TP. Vinh”.

Bên trong dự án cây cối mọc um tùm, rác thải vứt nham nhở, nhếch nhác. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Theo quan sát của phóng viên, hiện tại tòa nhà đã được xây đến tầng thứ 11. Các tầng phía trên cơ bản hoàn thành phần thô, phía ngoài được sơn trắng. Phía trên nóc tua tủa hàng trăm thanh thép chờ. Bên ngoài dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC được vây rào tôn xung quanh, bên trong cây cối mọc um tùm, rác thải vứt nham nhở, nhếch nhác.

Trao đổi với phóng viên về dự án này, ông Nguyễn Sơn Tùng – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, TP. Vinh cho biết: “Dự án này chậm tiến độ, chúng tôi đã có kiến nghị với tỉnh để tiến hành xử lý. Trước đó, sau nhiều lần cơ quan chức năng kiểm tra, chủ đầu tư đã xin gia hạn tiến độ và có động thái tiến hành xây dựng. Sau đó, chủ đầu tư đã không đủ năng lực tài chính để xây dựng, tài sản trên đất thì doanh nghiệp đã thế chấp với ngân hàng. Sở Xây dựng đã có những văn bản yêu cầu ngân hàng báo cáo những nội dung liên quan tới dự án, nhằm tìm ra giải pháp khả thi để xử lý”.

Đến nay, dự án này là một trong những công trình được người dân ví von “những dự án làm xấu đô thị”, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý. Ngoài công trình trên, công ty này cũng là chủ đầu tư của dự án Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp BMC - Vinh - Plaza nằm ở khu đất "kim cương" ngã tư ga Vinh, giao nhau giữa đường Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Nguyễn Sỹ Sách và đường Lê Lợi. Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2007 với tổng diện tích hơn 11,200m2. Hiện tại, dự án này vẫn đang trong tình trạng chậm tiến độ sử dụng đất, bên trong cỏ mọc um tùm, nhếch nhác.

Theo PGS. TS Lưu Đức Hải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “treo” dự án thì thường là do mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi đất còn giá trị thấp thì họ cứ xin quy hoạch, chờ đến khi giá đất lên cao thì họ đầu tư hoặc cũng có những trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai thực hiện thì họ sẽ tìm đơn vị khác có đủ năng lực rồi chuyển giao để thu lợi nhuận chênh lệch. Hoặc thời điểm được chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp cảm thấy cơ hội đã qua đi và không còn mặn mà cho việc triển khai thực hiện.

Vấn đề thứ hai, ban đầu khi xin chủ trương, doanh nghiệp đều phải bỏ ra một số tiền và khi dự án thu hồi thì nhà nước phải hoàn trả số tiền đó cho nhà đầu tư. Và nguồn tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư thì cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc và tính toán. Bên cạnh đó, có thể chính quyền chưa tìm được nhà đầu tư mới có đủ tiềm lực để thực hiện đầu tư mới thay thế thì họ cũng vẫn sẽ để tạm đó.

Vấn đề thứ 3, giữa chính quyền và nhà đầu tư có thể có sự móc nối nào đó và không muốn bị lộ ra ngoài, đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc chính quyền không mạnh dạn trong công tác thu hồi các dự án “treo”.

“Để có thể giải quyết dứt điểm các dự án “treo” nhiều năm thì ngành chức năng từ Trung ương tới địa phương cần phải tăng cường công tác giám sát, xử lý. Cụ thể, nếu dự án để lâu không thực hiện thì cần phải được thanh tra, thanh tra quy trình giao, cho thuê đất và tại sao không triển khai thực hiện?

Sau thanh tra cần nhanh chóng quyết định hoặc là gia hạn hoặc là thu hồi, hủy bỏ dự án và giao cho đơn vị có đủ năng lực để thực hiện. Đồng thời, việc thanh tra cũng sẽ tác động đến nhà đầu tư, bởi nếu không triển khai thực hiện thì họ có thể mất cơ hội đầu tư và từ đó họ sẽ có động thái để thực hiện.

Song song cùng việc chấp thuận chủ trương, chính quyền cần bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất với doanh nghiệp về khả năng thực hiện, thời gian thực hiện,.. nếu làm thì phải làm ngay, còn không làm được thì kiên quyết thu hồi, hủy bỏ dự án” - PGS. TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.

Tác giả: Tuấn Quỳnh

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP