Tin trong tỉnh

Nghệ An: Đường điện cao thế giữa sân trường - nỗi lo trước mùa mưa bão

Gần 500 học sinh và cán bộ giáo viên ở điểm trường THCS Châu Cam, huyện Con Cuông (Nghệ An) luôn thấp thỏm khi học ngay dưới đường điện cao thế. Các giáo viên và học sinh ở đây đã không ít lần chứng kiến cảnh tượng phóng điện, làm chết khô cả cành cây.

hiều năm nay, hàng trăm học sinh và giáo viên Trường THCS Châu Cam cơ sở 1 (Con Cuông), luôn nơm nớp lo sợ vì phải dạy và học ngay dưới đường điện cao thế. Đường điện 35KV là trục chính, đưa điện từ huyện Tương Dương xuống, chạy xuyên qua khuôn viên trường kéo dài hơn 100m.

Ngay sau khi bước vào cổng trường, các giáo viên và học sinh muốn lên lớp đều phải đi bộ dưới đường dây điện cao thế này. Chưa kể, đường dây điện còn chạy cắt qua sân trường - nơi học sinh tập trung chào cờ và sân dạy thể dục.

Nằm dưới đường điện cao thế, bo nhiều năm nay cô trò Trường THCS Châu Cam (huyện Con Cuông, Nghệ An) dạy và học trong sự bất an

Cô Đinh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Châu Cam nói rằng, trường được thành lập từ những năm 1994, đến nay đã 27 năm cô cũng không nhớ nỗi đã bao nhiêu lần kiến nghị lên cấp trên về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

"Hơn 3 năm trước, việc đầu tiên sau khi về trường này nhận nhiệm vụ là tôi đã kiến nghị về việc này. Lúc đó, lãnh đạo huyện trả lời là đã có kế hoạch di dời nhưng chờ mãi cũng chưa thấy. Trong những năm qua, chúng tôi kiến nghị rất nhiều lần, từ các văn bản, các cuộc họp rồi tiếp xúc cử tri. Cũng nhiều đoàn về kiểm tra, nắm tình hình rồi hứa giải quyết sớm nhưng sự việc vẫn giẫm chân tại chỗ", cô Hà nói, các hiệu trưởng nhiệm kỳ trước cũng liên tục kiến nghị vấn đề này nhưng vẫn không được đáp ứng.

Theo cô Hà, nguy hiểm nhất là trường có 50 em học sinh do nhà xa nên phải ở lại khu nhà của giáo viên trong trường. "Ngày nắng thì còn đỡ, chứ mỗi khi mưa gió, học sinh thì đang độ tuổi ham chơi hiếu động, cô vừa dứt lời lại chạy ra chơi. Dù trời mưa nhưng các em vẫn đá bóng, đá cầu trên sân thể dục, trong khi ngay trên đầu là đường dây điện. Vì thế, những lúc mưa gió tôi đều phải cắt cử giáo viên trông chừng các em, không cho lại gần khu vực dây điện chạy qua…", Cô Hà cho hay.

Trước đây có hàng cây ngô đồng ở sân trường, nhưng lo sợ an toàn lưới điện, nhà trường đã phải đốn hạ

Trường THCS Châu Cam cơ sở 1 đóng tại bản Khe Choăng (xã Châu Khê), hiện có 445 học sinh theo học trong đó có 60 học sinh ở lại nội trú. Các giáo viên và học sinh ở đây không ít lần hãi hùng khi chứng kiến cảnh tượng phóng điện. Đặc biệt là những lúc mưa gió. "Nhiều lần nó phóng điện làm cháy sém cả cây cối, nhiều cành cây cách dây điện cả mét bị cháy khô. Rất đáng sợ", một giáo viên nói.

Trước tình trạng đó, mới đây nhà trường đã phải đốn hạ hàng cây ngô đồng được trồng gần khu vực dây điện cao thế chạy qua. Khiến sân trường gần như trơ trọi. "Chúng tôi có đề xuất, nếu không thể di dời thì có thể nâng cao đường dây điện lên một chút, rồi chính quyền mua thêm đất của dân để mở rộng khuôn viên trường, làm nơi cho các em học thể dục được an toàn. Tuy nhiên, những đề xuất này vẫn không được triển khai", cô hiệu trưởng cho hay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Sỹ Kiện- Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho hay, vấn đề tồn lại đường điện cao thế qua trường lâu lắm rồi. Nói về phương án xử lý, huyện đưa ra 2 phương án xem xét thực hiện. Một là di dời trường, và hệ thống cơ quan ở đây, hai là tiến hành gia cố đường điện. Nhưng vì đường dây này liên quan đến một loạt cơ sở nên phương án di dời trường là không khả thi vì quá tốn kém về mặt tài chính cho huyện bên cạnh đó lại liên quan đến quỹ đất phù hợp để bố trí.

Theo hiệu trưởng, nguy hiểm nhất là 50 em học sinh ở tại khu nhà tập thể, đá bóng ở sân thể dục dưới trời mưa

Huyện có nhiều văn bản đề nghị nhờ ngành điện giúp, vừa rồi, Điện lực về khảo sát và xây dựng phương án cho di dời hoặc gia cố đường điện nên địa phương đang chờ. Biện pháp phù hợp nhất lúc này là di dời đường điện ra khỏi khuôn viên trường. Cũng vì lý do không đủ điều kiện an toàn, nên nhiều năm qua việc xây dựng Trường THCS Châu Cam đạt chuẩn quốc gia gặp khó khăn.

“Nếu ngành điện chọn phương án để nguyên đường dây và gia cố hay di dời đường điện thì trách nhiệm của huyện tiếp theo là đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Về biện pháp kỹ thuật là không khó, cái khó nhất hiện nay vẫn là bố trí nguồn vốn…”, ông Hoàng Sỹ Kiện cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Quang Thanh - phó Giám đốc công ty Điện lực Nghệ An cho biết, đây là đường dây trung thế cấp điện cho khu vực huyện Con Cuông. Sau khi ngành điện khảo sát, xem xét các phương án thống nhất với chính quyền địa phương chuẩn bị việc di dời đường dây ra khỏi sân trường đường dây ra khỏi sân trường để đảm bảm an toàn cho học sinh và cán bộ giáo viên trong trường. Trong quá trình thi công mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo thi công đúng tiến độ. "kế hoạch sắp tới của chúng tôi là sẽ di dời đường điện này ra khỏi khuôn viên trường, nhất định sẽ hoàn thành trong năm 2021 này…", ông Lê Quang Thanh khẳng định.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP