Tin trong tỉnh

Nghệ An: Gần 15 năm 'đi không được, ở chẳng yên' vì dự án làm đường

Dự án đường Lê Mao kéo dài TP.Vinh (Nghệ An) thi công được 1km thì dừng lại, khiến hàng chục hộ dân vẫn trong tình cảnh đi không được, ở không yên đã 15 năm.

Năm 2008, Dự án đường Lê Mao kéo dài, TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) có điểm đầu từ điểm giao cắt với đường Trần Phú kéo dài đến sông Vinh bắt đầu thi công, nhưng sau khi hoàn thành được hơn 1km thì dừng lại. Đến nay, đã 15 năm qua, dự án này vẫn "treo", không được triển khai.

Dự án đường Lê Mao kéo dài dừng lại gần 15 năm nay và chưa biết khi nào khởi động và thi công tiếp

Theo thiết kế, đường Lê Mao kéo dài, từ điểm đầu đường Trần Phú đến bờ sông Vinh khoảng dài 1,5km được đầu tư theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), chủ đầu tư là Tổng công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Hà Nội Handico 30. Theo đó, Handico 30 sẽ thi công tuyến đường trên và đổi lại tỉnh dành quỹ đất tương đương với giá trị công trình để Handico 30 làm dự án khu đô thị.

Tuy nhiên, sau khi thi công xong đoạn từ ngã tư Trần Phú đến đường vào dự án khu đô thị mới hiện nay và đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng, đoạn từ cổng dự án khu đô thị mới đến bờ sông Vinh thuộc địa phận khối 2 Tân Phượng (phường Vinh Tân) thì chính sách đầu tư BT bị dừng lại.

Theo phương án ban đầu, nếu thi công theo hình thức BT, Handico 30 đã có phương án dành quỹ đất bố trí cho 28 hộ dân bị ảnh hưởng được tái định cư khu vực xung quanh đó. Tuy nhiên, do đầu tư theo BT bị dừng lại và thời điểm đó mặc dù Handico 30 đã thi công nhưng buộc phải dừng lại để chuyển sang hình thức đầu tư công. Thế nhưng, do thành phố thiếu nguồn vốn nên dự án cũng dừng lại cho đến nay.

Nhiều gia đình ở khối Tân Phượng phường Vinh Tân (TP. Vinh) đang sống trong căn nhà tạm bợ, chờ được tái định cư

Nhiều gia đình muốn chỉnh sửa, xây mới nhưng không thể do nằm trong diện quy hoạch "treo" suốt 15 năm.

Tại khu vực này, nằm ngay gần trung tâm TP. Vinh, những căn nhà cấp 4 cũ kỹ được xây dựng từ 30-35 năm trước, nhiều gia đình có diện tích lên đến hơn 1.500m2 với hai, ba thế hệ sinh sống nhưng không thể tách thửa chia các con xây nhà ở. Do vậy, người dân phải cơi nới thêm không gian, các con đường đều bằng đất đá lổn nhổn, cỏ dại um tùm bên cạnh những hồ nước đen kịt, bốc mùi hôi.

Ngoài 70 tuổi, ông Trần Văn Trường - người dân sống, gắn bó gần như cả đời người ở khối Tân Phượng, phường Vinh Tân chia sẻ: 'Chúng tôi đã ở đây nhiều năm và có ý kiến với chính quyền địa phương về việc dự án không thực hiện, cứ lo lắng không biết khi nào phải dời đi, gia đình muốn làm giấy tờ, sửa chữa nhà cửa cái gì cũng khó khăn'.

Nhà bà Nguyễn Thị Quy (khối Tân Phượng, phường Vinh Tân) được xây từ 30 năm trước. Bốn người con đều đã lập gia đình, mảnh đất rộng hơn 1.500m2 nhưng không thể tách thửa chia cho các con xây nhà ở.

"Không chỉ gia đình tôi, mà nhiều nhà khác trong khu này nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng nhưng không thể xây dựng, cơi nới gì trong gần 15 năm qua. Nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân được hứa hẹn năm sau sẽ di dời, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì…", bà Quy nói.

Căn nhà tạm bợ của gia đình ông Trường hiện có 3 thế hệ sinh sống, diện tích đất lên tới 1.200m2 nhưng không thể chia cho con làm nhà hay nâng cấp

Hai mẹ con bà Nguyễn Thị Khương cũng đang sống chật vật trong căn nhà đã xuống cấp. Chồng bà Khương mất cách đây chưa lâu, mẹ con bà phải dành một gian để lập bàn thờ, phía ngoài sân làm lán trại tạm để ăn uống, sinh hoạt. Xung quanh được san lấp để làm khu đô thị mới, khu vực này như ao tù, nước đọng. "Mùa mưa lũ đến, nước dâng ngập ngang ngực, chúng tôi phải chạy đi sơ tán", bà Khương bức xúc.

Khu lực này còn 29 hộ dân phải di dời, diện tích cần giải phóng mặt bằng là hơn 18.000m2. Năm 2010, UBND TP. Vinh dự kiến bố trí khu tái định cư tại phường Trung Đô nhưng người dân thấy không phù hợp nên không đồng ý. Sau đó, do chưa tìm được nơi tái định cư khác nên dự án bị tắc lại.

Theo UBND phường Vinh Tân, sau 15 năm dự án bị "treo", mới đây nhất ngày 6/1/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép dừng dự án theo hình thức Hợp đồng xây dựng - Chuyển giao (BT). Đến nay, Ban quản lý dự án doàn thiện hồ sơ thiết kế Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình UBND thành phố xem xét.

Cũng theo lãnh đạo phường Vinh Tân, theo chỉ đạo của thành phố, phường sẽ họp dân thông báo về chủ trương tái khởi động dự án trên cơ sở khảo sát, nắm lại tâm tư nguyện vọng của người dân và tổ chức kiểm đếm, lập hồ sơ đền bù lần nữa.

Vị trí ban đầu mà nhà đầu tư định bố trí tái định cư cho các hộ dân nếu dự án được thi công theo hình thức BT nhưng nay đã dừng lại và buộc phải tìm vị trí mới

Ông Nguyễn Trung Dũng - Bí thư phường Vinh Tân cho biết, dự kiến đến quý 3/2023 sẽ làm thủ tục đấu thầu. Theo ông Dũng, phần lớn các hộ dân bị ảnh hưởng đều muốn tái định cư tại phường. Dự kiến quỹ đất tái định cư cho khu vực này khoảng 16.000m2 và phường Vinh Tân hiện không còn vị trí nào phù hợp nên thành phố đang tìm kiếm. Kinh phí đền bù, di dời dân thực sự là thách thức lớn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nhạc, khối trưởng khối 2 Tân Phượng cho hay: Khó khăn cực nhọc của 28 hộ khối 2 Tân Phượng sau gần 15 năm chờ đợi không thể nói hết. Khối và phường nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng không biết khi nào mới thấu và được giải quyết.

Qua trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đa số các hộ dân đều mong muốn dự án thi công trở lại càng sớm càng tốt, phường và thành phố cần nhanh chóng có phương án đền bù, hỗ trợ để tái định cư người dân về nơi ở mới.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường Lê Mao kéo dài (giai đoạn 2) sẽ kết thúc vào năm 2025. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây, chưa biết ngày nào dự án khởi động để thoát cảnh xuống cấp đã kéo dài quá lâu.

Tác giả: Hoàng Trinh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP