Tin trong tỉnh

Nghệ An ghi nhận hàng trăm ca mắc bệnh sởi tản phát

Ngày 5/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hàng trăm ca mắc bệnh sởi tản phát. Ca bệnh sởi được ghi nhận đầu tiên vào tháng 3 và có xu hướng tăng nhanh từ tháng 4 đến tháng 7. Số ca mắc giảm dần ở tháng 8, nhưng tăng nhanh trở lại từ tháng 9 đến nay.

Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 89,5% (chỉ tiêu của tỉnh đặt ra là 79,1%).

Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 4/12, trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 361 ca mắc bệnh sởi, phân bố tại 18/21 địa phương, không có trường hợp tử vong.

Đặc biệt, tháng 10 và tháng 11 ghi nhận số người bị bệnh sởi tăng đột biến, lần lượt là 67 và 117 ca.

Thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên là 3 địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất. Các huyện Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu chưa ghi nhận ca bệnh sởi năm 2024.

Sau khi phát hiện các ca bệnh, CDC tỉnh Nghệ An và các trung tâm y tế đã thực hiện điều tra dịch tễ. Kết quả cho thấy, các ca mắc chủ yếu là các trường hợp chưa được tiêm phòng (chiếm 79,2%); trẻ chưa đủ tuổi tiêm phòng (chiếm 13,1%).

Số ca mắc bệnh sởi theo thời gian, tỉnh Nghệ An, năm 2024. (Nguồn: CDC tỉnh Nghệ An)

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm vaccine phòng sởi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt chỉ tiêu đề ra. Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm đạt 89,5% (chỉ tiêu của tỉnh đặt ra là 79,1%).

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Di, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh Nghệ An cho biết: “Tỷ lệ tiêm vaccine sởi khu vực miền núi thấp hơn so với khu vực đồng bằng, nhưng số người mắc ghi nhận ở đồng bằng lại cao hơn. Nguyên nhân được xác định là do mật độ dân số các huyện đồng bằng đông. Đáng nói, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan, không tiêm vaccine cho con mình”.

Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em trên địa bàn huyện miền núi Tân Kỳ.

Theo đánh giá của CDC tỉnh Nghệ An: Tình trạng gián đoạn trong cung ứng vaccine của Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trên toàn tỉnh, nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine là yếu tố nguy cơ làm gia tăng ca mắc các bệnh phòng được bằng vaccine.

Các ca bệnh xuất hiện rải rác trong cộng đồng tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh và tình trạng tự điều trị khi bệnh mới có các dấu hiệu nhẹ dẫn đến khó kiểm soát, phát hiện sớm. Có 13,1% tỷ lệ trẻ mắc bệnh sởi (47/361 ca) là trẻ chưa đến độ tuổi tiêm phòng sởi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch sởi hiện nay.

Tiến sĩ, bác sĩ Chu Trọng Trang, Giám đốc CDC tỉnh Nghệ An, thông tin: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tham mưu Sở Y tế chỉ đạo triển khai các hoạt động nhằm phòng, chống dịch bệnh sởi kịp thời, hiệu quả. Đơn vị ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn về phòng chống, dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi.

CDC tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức đánh giá nguy cơ bệnh sởi trên địa bàn toàn tỉnh cho từng huyện, thị xã, thành phố Vinh và xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh sởi; đánh giá, rà soát tỷ lệ tiêm phòng các mũi vaccine sởi của địa phương để có căn cứ xây dựng kế hoạch tiêm bù, tiêm vét; tổ chức tập huấn và giao chỉ tiêu giám sát sốt phát ban nghi Sởi/Rubella cho các địa phương; tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi, bệnh truyền nhiễm và lợi ích của việc tiêm phòng vaccine...

Tỷ lệ ca mắc sởi theo tình trạng tiêm chủng, tỉnh Nghệ An. (Nguồn: CDC tỉnh Nghệ An)

Nhận định bệnh sởi trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, lãnh đạo CDC tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ sự lo lắng bệnh sởi tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch.

Ngoài tình trạng các ca bệnh xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương làm tăng nguồn lây bệnh trong cộng đồng, thì nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh, tiềm ẩn việc hình thành các ổ dịch tại đây và có thể lây nhiễm ra cộng đồng.

Để bệnh sởi không bùng phát thành dịch, ngành Y tế Nghệ An đang tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; đẩy mạnh rà soát đối tượng trẻ trên địa bàn toàn tỉnh, lịch sử tiêm chủng và triển khai tiêm bù, tiêm vét mũi vaccine sởi và vaccine sởi-Rubella. Các trung tâm y tế cũng được yêu cầu tiến hành điều tra, xác minh thông tin, tổ chức khoanh vùng, bao vây, xử lý dịch tại các địa phương ghi nhận ca bệnh và tăng cường hoạt động tiêm chủng đầy đủ các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… thậm chí có thể gây tử vong.

Năm 2014, bệnh sởi đã bùng phát thành dịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với gần 300 ca mắc chỉ trong 4 tháng đầu năm.

Tác giả: Trần Trung Hiếu

Nguồn tin: nhandan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP