Hội nghị tổng kết kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt - Lào. |
Tỉnh Nghệ An có đến 468,281km đường biên giới quốc gia trên đất liền, nằm trải dài trên địa bàn 6 huyện, 27 xã biên giới, tiếp giáp với các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô Ly Khăm Xay của Nước Công hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tiếp nối truyền thống của 2 nước, giai đoạn 2016 - 2020, Nghệ An đã có nhiều hoạt động thiết thực với các tỉnh láng giềng nhằm tiếp tục bồi đắp tình hữu nghị anh em Việt - Lào.
Viện trợ, giúp bạn phát triển
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Nghệ An đã sử dụng ngân sách với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng viện trợ cho các tỉnh nước bạn Lào. Cụ thể, ngân sách trung ương 355 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 147 tỷ đồng.
Trong số đó, đáng chú ý nhất là Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Hữu nghị tỉnh Xiêng Khoảng sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức do Chính phủ Việt Nam tài trợ, giao tỉnh Nghệ An triển khai, với tổng số vốn đầu tư lên đến 497 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Lào, công tác xây lắp trong quý II năm 2020 sẽ được hoàn thành. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 nên đầu tháng 3/2020 phải dừng thi công.
Đến nay, toàn bộ các hạng mục nhà khoa dinh dưỡng, nhà khoa lây, nhà giặt là, nhà lưu xác, nhà chuyên gia, các hạng mục hạ tầng đã hoàn thành 100%. Nhà chính 6 tầng cơ bản hoàn thành (đạt 95%). Dự kiến toàn bộ công trình sẽ hoàn thành chậm nhất sau 120 ngày kể từ ngày phía Lào mở cửa biên giới.
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư cho 27 xã giáp biên giới Lào từ nguồn vốn Chương trình đầu tư các xã giáp biên giới theo Quyết định số 160/2007/QĐ.TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội các xã tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phối hợp với Ủy ban chính quyền huyện Xay Chăm Phon, tỉnh Bo Ly Khăm Xay, Lào xây dựng Trạm xá quân dân y tại bản 1, Nậm On, huyện Xay Chăm Phon với tổng mức đầu tư lên đến 14,9 tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nghệ An tại Lào tiếp tục được đẩy mạnh. Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo tăng cường tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các địa phương dọc biên giới đầu tư, hợp tác với nhau trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu của mỗi bên theo pháp luật hai nước.
Hiện nay có khoảng 90 doanh nghiệp của Nghệ An trực tiếp đầu tư, kinh doanh vào thị trường Lào. Các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh gồm: Khai thác khoáng sản, thủy điện, chế biến và kinh doanh gỗ, du lịch lữ hành, vận tải… với tổng số vốn đầu tư của các dự án hơn 200 triệu USD.
Nghệ An cùng các tỉnh láng giềng của nước bạn Lào tổ chức các cuộc họp |
Kết nối giao thông, xích lại gần nhau
Bên cạnh viện trợ giúp đỡ, hỗ trợ phát triển chính thức, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Nghệ An cũng tăng cường với nước bạn Lào hợp tác các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, vận tải và khai thác hạ tầng giao thông.
Điển hình nhất là hiện nay, Ban Quản lý dự án 85 - Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư) đã hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn; đang trình phê duyệt tại Bộ GTVT. Tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương để triển khai các bước tiếp theo.
Tỉnh Nghệ An cũng đã hỗ trợ tỉnh Hủa Phăn 9,96 tỷ đồng thiết kế, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường tỉnh 3206, huyện Xăm Tạy, tỉnh Hủa Phăn đến cửa khẩu Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Về dịch vụ vận tải, đến nay có 7 tuyến vận tải cố định từ TP. Vinh, Nghệ An đi thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh Luông Pha Băng, Xiêng Khoảng, Bo Ly Khăm Xay… với tần suất 158 chuyến/tháng. Ngoài ra, còn có các tuyến phục vụ vận chuyển khách du lịch và vận chuyển hàng hóa. Có một thời gian dài, Nghệ An cũng đã tổ chức khai thác đường bay thẳng Vinh (Nghệ An) đi về Viêng Chăn (Lào).
Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Thông tư số 38/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ GTVT, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã tổ chức cấp giấy phép liên vận Việt - Lào kịp thời và nhanh chóng cho các phương tiện thương mai và phi thương mại hoạt động qua lại giữa 2 nước, góp phần tạo thuận lợi cho công tác xuất nhập cảnh của các phương tiện hai nước Việt Nam - Lào.
Ngoài ra, các hoạt động về văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, thông tin tuyên truyền; đào tạo học sinh, sinh viên, bồi dưỡng cán bộ; quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm; công tác kết nghĩa bản - bản; quy tập hài cốt liệt sỹ… cũng đạt nhiều kết quả tích cực.
Những kết quả đó đã và đang góp thêm lực vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào!
Tác giả: Sỹ Hòa - Văn Thanh
Nguồn tin: Báo Giao thông