Với điều kiện tự nhiên đa dạng, nguồn tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào nên Nghệ An được ví là "Việt Nam thu nhỏ". Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc – Nam của cả nước, kết nối thuận lợi với nước bạn Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với 16.486,49km2, bờ biển dài 82km, đường biên giới 468,281km. Với dân số hơn 3,4 triệu người (đứng thứ 4 cả nước), lực lượng lao động trên 1,6 triệu người, và đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” là một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn FDI.
Nghệ An có hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ với 5 loại hình giao thông đường bộ (trong đó có tuyến cao tốc Bắc – Nam), đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thuỷ nội địa. Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, nhất là một số khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Mai 1… từng bước được đầu tư đồng bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An có cam kết "đồng hành cùng nhà đầu tư", thủ tục hành chính nhanh gọn; chính quyền tỉnh năng động, minh bạch và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển lâu dài. Theo đó, Nghệ An luôn là "điểm sáng" về thu hút vốn FDI. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, Nghệ An đều nằm trong tốp 10 các tỉnh thành thu hút vốn FDI tốt nhất cả nước.
![]() |
Một góc khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng |
Thu hút có chọn lọc
Trả lời phỏng vấn Nhadautu.vn, ông Nguyễn Hồng Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An cho biết, trong định hướng phát triển của tỉnh Nghệ An, khu vực FDI đóng vai trò rất quan trọng, nhất là thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, đóng góp thu ngân sách và giải quyết việc làm.
Theo ông Tuấn, trong thời tới, Nghệ An sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư FDI có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu mới; dịch vụ tài chính, ngân hàng; giáo dục; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu và phát triển; logistics...
Về đối tác, Nghệ An ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị gia tăng, tham gia thị trường khu vực và toàn cầu, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh…
Bên cạnh các chính sách, ưu đãi đầu tư, Nghệ An xác định việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, an toàn, hiệu quả; chính quyền trực tiếp đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư vẫn là yếu tố có tính chất quyết định để thu hút đầu tư. "Quan điểm xuyên suốt của tỉnh Nghệ An là phát triển kinh tế nhanh nhưng phải bảo đảm yếu tố bền vững. Thu hút đầu tư hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Nghệ An không đánh đổi tăng trưởng đơn thuần, lấy thành tích thu hút đầu tư để hy sinh về môi trường", ông Tuấn nhấn mạnh.
Tầm nhìn về thu hút đầu tư của Nghệ An trong 5-10 năm tới, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An chia sẻ, Tỉnh sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát triển mạnh các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) để thực sự trở thành động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhất là các dự án FDI trong các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, đóng góp lớn cho thu ngân sách, có cam kết chuyển giao công nghệ; đồng thời thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI với các doanh nghiệp trong tỉnh để phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: nhadautu.vn