Tin trong tỉnh

Nghệ An: Hướng đi nào cho rác thải sinh hoạt?

Ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt đang là “bài toán khó” khiến cho các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An loay hoay tìm cách giải quyết. Thực trạng ô nhiễm và những bất cập từ các bãi xử lý rác thải hiện nay trên địa bàn tỉnh khiến dư luận băn khoăn, lo lắng, thậm chí bức xúc.

Người dân sống khổ vì những bãi rác

Ô nhiễm môi trường phát sinh từ các bãi rác thải sinh hoạt tập trung đang là vấn đề khiến người dân bức xúc và lo lắng trong nhiều năm qua. Tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ các bãi rác thải cùng với những hệ lụy của nó đang khiến cho cuộc sống của người dân ở nhiều nơi bị đảo lộn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt của rất nhiều hộ dân sinh sống quanh các bãi rác.

Bãi rác huyện Quỳnh Lưu đặt tại xã Ngọc Sơn gây ô nhiễm môi trường nhiều năm do quá tải

Trong mấy năm trở lại đây người dân Thôn 5, xã Ngọc Sơn (huyện Quỳnh Lưu) luôn sống trong cảnh lo lắng, khổ sở vì ruồi nhặng và mùi hôi thối của bãi rác thải tập trung huyện Quỳnh Lưu đặt ở địa phương này. Với thiết kế ban đầu chỉ xử lý (chôn lấp) rác thải sinh hoạt cho 7 xã nhưng đến nay bãi rác này đã phải “gánh” lượng rác thải của 33 xã của huyện Quỳnh Lưu. Với thiết kế ban đầu có độ “vênh” rất lớn so với thực tế nên chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động thì bãi rác Ngọc Sơn đã quá tải và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các hộ dân sống gần bãi rác.

Ô nhiễm nghiêm trọng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên

Chị Nguyễn Thị Tình, ở Thôn 5, xã Ngọc Sơn, bức xúc: Chúng tôi là những hộ dân Thôn 5 - Lâm nghiệp sống ở gần bãi rác Ngọc Sơn này nhất. Kể từ khi bãi rác này đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của hàng chục hộ dân chúng tôi. Hàng ngày, chúng tôi phải sống trong không khí ô nhiễm, mùi hôi thối bao trùm cả thôn bản…khiến cho người dân của Thôn 5 sống hết sức khổ cực.

Ô nhiễm bấy lâu đã đành, mới cuối tháng 6 vừa qua bãi rác Ngọc Sơn bỗng dưng bốc cháy dữ dội toàn bộ bãi rác rộng đến hơn 5ha, mùi hồi thối, khói từ vụ cháy bay vào bủa vây khu dân cư đã khiến cho hơn 30 người dân ở Tôn 5 phải vào viện cấp cứu vì…ngạt khói.

Ông Nguyễn Văn Mỹ ở xóm 4, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc: “Nguyện vọng di dời của người dân bấy lâu không được giải quyết”

Nói về ô nhiễm từ bãi rác thải không thể không kể đến bãi rác Hồng Sơn (huyện Đô Lương). Bãi rác tập trung của huyện Đô Lương đặt tại xã Hồng Sơn được phê duyệt xây dựng từ năm 2009, với tổng mức đầu tư gần 17 tỷ đồng. Quy mô bãi có diện tích 4,2 ha. Hệ thống bãi rác xử lý gồm 4 ô chôn lấp rác với diện tích 22.652 m2, khối tích chôn lấp theo thiết kế là 142.713 m3. Do quy mô không đáp ứng lượng rác thải của 33 xã, thị trấn nên hiện nay chỉ tập kết, xử lý cho 14 đơn vị xã, thị trấn và rác thải sinh hoạt của Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương. Tuy nhiên, kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2014 đến nay, bãi rác này là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều hộ dân ở xóm 9, xã Hồng Sơn. Đặc biệt là 10 hộ dân với gần 40 nhân khẩu nằm gần bãi rác nhất.

Nhà chỉ cách bãi rác khoảng 50m, gia đình anh Thái Văn Thảo đã chịu đựng quá đủ với cảnh tượng ô nhiễm từ bãi rác nói trên. “Ban ngày mùi thối nồng nặc, nhất là sau khi trời mưa giông, ban đêm nếu trời dày sương thì mùi hôi thối bao trùm cả khu vực. Nhà tôi ở gần suối ngầm chảy xuyên qua chân đồi nên mỗi lần mưa to, nước rác chảy tràn vườn” - Anh Thảo lắc đầu ngán ngẩm.

Bãi rác thải Hồng Sơn (Đô Lương) - Nỗi ám ảnh của người dân xóm 9, xã Hồng Sơn suốt 4 năm qua

Tại một bãi rác khác, giữa tháng 6/2018 vừa qua, một số người dân ở xóm 4, xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) đã kéo nhau ra phản đối không cho xe chở rác thải vào tập kết tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (huyện Nghi Lộc). Lý do họ đưa ra một phần liên quan đến chuyện đền bù đất đai nhưng lý do chính cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Các hộ dân ở xóm 4, xã Nghi Yên (cách bãi rác chỉ 1 con đường chưa đầy 10m) là những người khổ cực nhất khi đã nhiều năm nay chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ mùi hôi thối cũng như khói bụi phát sinh từ quá trình chôn lấp rác và đốt rác tại bãi rác này.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, nhà chỉ cách tường rào bãi rác chưa đầy 20 mét phản ánh: “Bãi rác gây ô nhiễm cho người dân xóm 4, xã Nghi Yên đã nhiều năm, nguyện vọng của người dân là muốn được di dời đi nơi khác nhưng đến nay nguyện vọng chính đáng này vẫn chưa được đáp ứng!”.

Thiếu giải pháp bền vững, lâu dài

Những vấn đề phát sinh liên quan đến câu chuyện xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua khiến nhiều nhà chuyên môn không khỏi ái ngại. Qua thực tế cho thấy, nhiều năm qua các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xử lý các vấn đề về ô nhiễm, bất cập liên quan đến rác thải chủ yếu chạy theo vụ việc, ít mang tính đồng bộ, hệ thống và bền vững lâu dài…

Bãi rác Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) và Đông Vinh (TP Vinh) bỗng dưng bốc cháy khiến dư luận nghi ngờ có người cố ý đốt để “tiêu hủy” rác

Mới đây nhất, liên quan đến những bất cập tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, ngày 13/6/2018 UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản “hỏa tốc” số 4175/UBND-CN gửi các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan, chỉ đạo việc xử lý các vấn đề liên quan tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.

Theo đó, UBND tỉnh giao UBND TP Vinh chịu trách nhiệm quản lý, giám sát các vấn đề liên quan đến vận hành, xử lý rác thải và công tác đảm bảo môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên; đồng thời, chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân sinh sống gần bãi rác này. Song song với đó, UBND TP Vinh có trách nhiệm chỉ đạo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, nghiêm chỉnh thực hiện việc chôn lấp, xử lý rác thải và nước rỉ rác theo đúng quy trình như Báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt. Chỉ đạo Công ty CP Galax Chi nhánh Nghệ An hoàn thành việc khắc phục công nghệ xử lý khói và nâng cao chiều cao ống khói, giảm công suất lò đốt rác thải sinh hoạt, không đốt rác khi trời có mây, mưa; rác trước khi đốt phải qua ủ sấy, không đốt rác mới tiếp nhận. Giao UBND huyện Nghi Lộc tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với các ngành, các cấp giải quyết các vấn đề liên quan, đảm bảo hoạt động thường xuyên...

Công văn “hỏa tốc” của UBND tỉnh Nghệ An về xử lý vấn đề cháy tại các bãi rác

Được biết, rác thải đưa vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên chủ yếu được tiến hành chôn lấp, hiện nay đã lấp đầy 5 ô chôn lấp. Riêng lò đốt rác nằm trong khuôn viên bãi rác này công nghệ quá lạc hậu nên chỉ hoạt động cầm chừng cũng như lượng khói phát sinh rất ô nhiễm. Được biết, các ban, ngành liên quan tỉnh Nghệ An cũng đã tính tới việc kêu gọi một nhà đầu tư mới với công nghệ hiện đại, tiên tiến hơn để tiến tới xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm cùng những bất cập bấy lâu nay phát sinh tại dự án này. Thế nhưng cho đến nay tỉnh Nghệ An vẫn chưa tìm được nhà đầu tư xứng tầm cũng như công nghệ phù hợp.

Trong một diễn biến khác, sau khi liên tiếp xảy ra cháy lớn tại hai bãi rác lớn là Bãi rác Ngọc Sơn và Bãi rác Đông Vinh gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, thậm chí hàng chục người dân xã Ngọc Sơn đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc khói thì UBND tỉnh nghệ An lại có văn bản “hỏa tốc” số 4803/UBND-CN, ngày 03/7/2018 về việc “khắc phục ô nhiễm môi trường do cháy tại các bãi rác”. Tuy nhiên, trong văn bản này cũng chỉ nói đến việc tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục…chứ không thấy có dòng nào nói đến việc sẽ có một biện pháp lâu dài nào để giải quyết dứt điểm ô nhiễm cũng như bất cập của các bãi rác nêu trên.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải - Phó phòng Công nghiệp - Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An thừa nhận vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An là một vấn đề nan giải bấy lâu nay của tỉnh nhà. “Về cơ bản, các bãi rác của huyện thì do huyện quản lý, chịu trách nhiệm chính, còn tỉnh có Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và những hệ lụy phát sinh từ các bãi rác đang khiến cho các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Ta thiếu cả về kinh phí lẫn công nghệ xử lý mang tính khả thi, hiệu quả, các bãi rác chủ yếu là chôn lấp nên ô nhiễm là không thể tránh khỏi” - Ông Hải, cho hay.

Khi được hỏi về các giải pháp lâu dài, ông Hải cho rằng, địa phương cũng có nhiều nhà đầu tư vào nộp hồ sơ để xin triển khai các dự án, nhà máy xử lý rác thải nhưng đa số xét thấy chưa phù hợp do có nhiều lý do về công suất, công nghệ…nên hiện nay vẫn chưa thấy dự án hay nhà đầu tư nào thật sự có đầy đủ các điều kiện mang tính khả thi.

Tác giả: Đình Tiệp

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP