Phần lớn trường học tại Nghệ An đang dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. |
Sở GD&ĐT Nghệ An vừa có văn bản về việc khảo sát, đánh giá tình hình tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình trên địa bàn toàn tỉnh.
Nội dung khảo sát gồm nhiều yếu tố như: công tác quán triệt, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình tại địa phương, cơ sở giáo dục tại địa phương. Điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học trực tuyến (như mạng internet, sóng truyền hình, máy tính, điện thoại, ti vi) và học liệu dạy học trực tuyến, tập huấn, nâng cao năng lực cho giáo viên, học sinh, học viên về dạy học trực tuyến.
Một lớp học tại Trường THCS Lê Mao (TP Vinh) học trực tuyến với cô giáo đang cách ly ở nhà. |
Theo kế hoạch, việc khảo sát sẽ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Mỗi Phòng GD&ĐT huyện, thành, thị sẽ khảo sát 30% cơ sở giáo dục trực thuộc ở mỗi cấp học, toàn bộ giáo viên đã dạy trực tuyến và 20% học sinh học trực tuyến.
Sở cũng tiến hành khảo sát với các nhà trường, giáo viên và 25% học sinh tham gia học trực tuyến ở các trường THPT, TT GDTX, TT GDTX – GDNN trên toàn tỉnh.
Việc khảo sát nhằm đánh giá hiệu quả tổ chức dạy học trực tuyến, tỷ lệ học sinh, học viên được học trong thời gian qua. Đồng thời cũng là một thước đo kiểm định phương pháp kỹ thuật dạy học, tỷ lệ chương trình đã triển khai và việc tổ chức đánh giá thường xuyên, định kỳ người học qua hình thức trực tuyến. Qua đó, nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình của các đơn vị, cơ sở giáo dục.
Trên cơ sở kết quả từng nội dung khảo sát, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ tập hợp các đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến. Hỗ trợ, bù đắp kiến thức cho học sinh khi các em trở lại trường học trực tuyến.
Một lớp học song song dạy trực tiếp lẫn trực tuyến cho học sinh đang được áp dụng phổ biến tại Nghệ An. |
Trong 2 năm học vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình đã được các cơ sở giáo dục của Nghệ An triển khai theo từng giai đoạn, mức độ phù hợp với thực tiễn địa phương. Thời điểm dịch bệnh được khống chế, học sinh được trở lại trường trực tiếp, thì các nhà trường vẫn tổ chức dạy học trực tuyến với thời lượng, số tiết phù hợp. Mục đích duy trì thói quen dạy học trực tuyến và kịp thời chuyển đổi hình thức dạy học theo mức độ dịch bệnh tại địa bàn.
Năm học này, sau dịp tết nguyên đán, dịch bệnh lan rộng vào trường học, với hàng nghìn học sinh, giáo viên là F0. Trước thực tế đó, một số địa phương của Nghệ An đã cho học sinh các cấp mầm non, tiểu học, THCS (chưa tiêm vắc xin) học trực tuyến như: Nam Đàn, thị xã Cửa Lò, Thanh Chương, thành phố Vinh.
Các huyện, thị, khác đang tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến đối với lớp có học sinh F0.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, dạy học trực tuyến phù hợp và cơ bản thuận lợi với khu vực thành phố, trung tâm. Tuy nhiên, ở các huyện miền núi cao điều kiện trang thiết bị học trực tuyến và cơ sở hạ tầng còn rất nhiều khó khăn. Nếu kéo dài dạy học trực tuyến sẽ khó hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học cũng như duy trì sĩ số học sinh.
Cuối năm 2021, qua thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, toàn tỉnh vẫn còn 46.898 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến. Sở đã có tờ trình và được Bộ GD&ĐT đồng ý bằng văn bản, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác dạy học trực tuyến, tổng trị giá 70 tỷ đồng theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Dự kiến số thiết bị này sẽ hỗ trợ cho học sinh là con em gia đình hộ nghèo, cận nghèo và học sinh có bố, mẹ bị tử vong do Covid-19 nhưng chưa có thiết bị học trực tuyến. |
Tác giả: Hồ Lài
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn