Học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú Nghệ An. Ảnh: baonghean.vn |
Ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, từ năm 2005 đến nay tỉnh Nghệ An có 884 em là người dân tộc thiểu số được cử đi học đại học, cao đẳng và trung cấp; trong đó có 602 em học đại học, 147 em học cao đẳng, 135 em học trung cấp. Trong số đối tượng cử tuyển, 844 em đã tốt nghiệp ra trường, tuy nhiên, đến nay tỉnh mới bố trí được việc làm cho 274 em, chiếm 32,25%.
Có tình trạng không thể bố trí được việc làm cho các đối tượng cử tuyển là do hàng năm các huyện xây dựng chỉ tiêu đi học cử tuyển vượt quá số lượng nhu cầu việc làm cần thiết cần phải cử tuyển. Mặt khác trong những năm gần đây, đặc biệt là thực hiện nghị quyết về tinh giảm biên chế của Trung ương, các địa phương miền núi số chỉ tiêu tuyển dụng tăng thêm hầu như không có, dẫn đến việc bố trí việc làm mới gặp khó khăn.
Trong khi đó, theo Nghị định số 49/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, người học chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp được tiếp nhận và phân công công tác. Trong khi đó, theo Luật Công chức và Luật Viên chức, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức phải thực hiện theo phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Các quy định có những mâu thuẫn như vậy cho nên làm cho địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí việc làm cho các đối tượng cử tuyển.
Khắc phục tình trạng trên, giải pháp đang được tỉnh Nghệ An đề ra là yêu cầu các ngành, địa phương rà soát tỷ lệ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số để có hướng xét tuyển, thi tuyển, giải quyết việc làm cho số đối tượng hệ cử tuyển. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn đang gặp khó khăn. Ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, chính vì khó khăn như vậy, tỉnh đã tạm dừng không thực hiện chế độ học cử tuyển nữa.
Tác giả: Nguyễn Văn Nhật
Nguồn tin: Báo Tin tức