Chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính online, việc thanh toán, mua sắm, chuyền tiền trở nên dễ dàng mà không cần đến ngân hàng |
Chị Lê Thuỳ Dung - phường Hưng Dũng (TP. Vinh) cho biết, hiện nay chị có tới 5 loại thẻ ngân hàng trong ví nhưng chỉ dùng duy nhất 1 thẻ ATM để rút tiền lương. Bốn loại thẻ còn lại hầu như không sử dụng, chủ yếu là do thói quen thanh toán bằng tiền mặt.
Trường hợp của chị Dung không phải là hiếm thấy. Nhiều người dân cũng cho biết, họ nhận được rất nhiều lời đề nghị làm thẻ ngân hàng với những tiện ích thuận lợi nhưng sau khi thẻ làm xong thì hầu như không sử dụng đến.
Còn đối với chị Nguyễn Bích Huệ - phường Vinh Tân (TP. Vinh) chia sẻ: "Với việc mở thẻ ngân hàng, tôi có thể mua hàng online hoặc có thể mua vé tàu, vé máy bay rất tiện ích. Vào hai ngày cuối tuần ngân hàng không làm việc, có thể chuyển khoản mà không cần sử dụng tiền mặt". Do công việc bận rộn nên thay vì đến các điểm giao dịch để thanh toán tiền điện sinh hoạt, điện thoại nên chị đã chọn phương thức thanh toán qua mạng với tài khoản ngân hàng. Bởi theo chị, cách thanh toán này vừa đơn giản lại tiết kiệm thời gian.
Hiện tại, nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hợp tác với ngân hàng phát hành thẻ đồng thương hiệu, có tính năng hoàn toàn giống thẻ ATM của ngân hàng. Nhiều cơ sở kinh doanh đã lắp đặt các điểm chấp nhận thẻ thanh toán cho khách hàng nhưng số lượng khách hàng sử dụng vẫn rất hạn chế.
Tại shop quần áo thời trang Jen, Ngư Hải - TP. Vinh, mặc dù đã chấp nhận thanh toán bằng thẻ nhưng doanh thu qua thẻ chỉ chiếm chưa đầy 2%. Chị Nguyễn Thị Ngà, chủ shop Jen mong muốn khi thanh toán khách hàng cần quẹt thẻ nhiều hơn để việc thanh toán nhanh hơn và tránh tiền giả.
Hiện tại, nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị và các điểm kinh doanh đã thanh toán bằng thẻ tín dụng cho khách hàng nhưng việc thanh toán bằng quẹt thẻ vẫn còn hạn chế.
Từ thực tế trên cho thấy, để đạt mục tiêu đến cuối năm 2020, 70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ cần có nhiều giải pháp quyết liệt, nhất là thay đổi thói quen cho người dân.
Hiện nay, thanh toán điện tử đang là xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Thế nhưng ở Việt Nam giao dịch tiền mặt vẫn là chủ yếu, chiếm tới 65% tổng phương thức thanh toán. Vì vậy, để thúc đẩy thanh toán điện tử theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ thì cần có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới phát triển. Bên cạnh đó, thay đổi thói quen thanh toán bằng thẻ tín dụng cho người dân mới là điều quan trọng.
Ông Dương Mạnh Sơn - Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Vinh cho hay: Mặc dù về phía ngân hàng đã nỗ lực để đưa ra những sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử trên rất nhiều kênh giao dịch như ATM, Internet Banking nhưng do không có sự đồng nhất nên chưa tạo được thói quen sử dụng thanh toán điện tử cho người dân.
Ông cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thói quen sử dụng tiền mặt và thực hiện thanh toán qua tài khoản của ngân hàng. Bên cạnh đó cần có những hành lang pháp lý, những quy định về việc hạn chế sử dụng tiền mặt của người dân một cách triệt để hơn.
Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, 70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ thì cần phải có chính sách mang tính đột phá, xây dựng khung pháp lý đối với các hình thức thanh toán mới. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần áp dụng đồng bộ các công nghệ, tăng tính tiện ích cho người dùng thẻ.
Tác giả: Hoàng Trinh
Nguồn tin: Báo Công Thương Điện Tử