Xã hội

Nghệ An: Lãng phí trụ sở hàng chục tỷ đồng bỏ hoang sau sáp nhập

Trụ sở của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS mặc dù mới xây dựng, hoạt động chưa lâu nhưng sau khi được sáp nhập, nơi đây bị bỏ hoang. Nhiều hạng mục bên trong tòa nhà đã xuống cấp, hư hỏng.

Trụ sở làm việc của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS nằm ở vị trí "đất vàng" thuộc phường Quán Bàu (TP. Vinh, Nghệ An). Trung tâm này có 3 dãy nhà làm việc cao 3 tầng, với hơn 50 phòng làm việc trên mảnh đất rộng hàng ngàn m2.

Năm 2019, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS (thuộc Sở Y tế tỉnh Nghệ An) chính thức biên chế về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An) khi đơn vị này được thành lập.

Cũng kể từ đó, trụ sở này rơi vào cảnh “cửa đóng then cài”, không người qua lại.

Do bỏ hoang lâu năm, một số hạng mục của các dãy nhà đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp. Trên trần nhà đã bị bong tróc loang lổ.

Bên trong các dãy nhà và một số phòng làm việc, nhiều đồ vật bị vứt bỏ ngổn ngang.

“Trụ sở hàng chục tỷ đồng còn khang trang như vậy nhưng tôi thấy mấy năm nay không sử dụng đến, lãng phí quá", anh Tuấn - một người dân địa phương nói.

Nhiều cửa kính bên trong tòa nhà đã bị vỡ nát.

Rác, vật dụng từ lần chuyển trụ sở trước còn vứt lại ngổn ngang bên trong tòa nhà.

Nhiều bộ bàn ghế được ghép lại trong một phòng, một số bàn hỏng bị vứt bỏ ở hành lang.

Để quản lý tài sản của tòa nhà Trung tâm phòng chống HIV-AIDS, Sở Tài chính Nghệ An đã thuê 2 bảo vệ luân phiên nhau túc trực, canh gác.

Những người bảo vệ này cho biết, bên trong chỉ còn ít tài sản như điều hòa, quạt, bàn ghế. Đa số họ canh gác chỉ để tránh việc người vô gia cư hoặc các đối tượng xấu vào phá làm bẩn trụ sở.

Một cán bộ Sở Tài chính Nghệ An cho hay, trụ sở Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đang chờ sắp xếp, bố trí để tái sử dụng. Sắp tới, sẽ được chuyển giao cho các đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An sử dụng tạm trong thời gian đơn vị này xây trụ sở mới.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hàng trăm cơ sở cơ quan hành chính công lập, trụ sở làm việc, nhà văn hoá, hội quán… dôi dư sau khi sáp nhập.

Trước đó vào ngày 6/4/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản giao các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và các doanh nghiệp nhà nước thực hiện thực hiện rà soát, đánh giá, chủ động báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi gửi UBND tỉnh để tổng hợp, gửi Bộ Tài chính về sắp xếp, xử lý nhà, đất.

Ông Nguyễn Trung Long - Trưởng phòng Quản lý giá và công sản (Sở Tài chính Nghệ An) cho biết, hiện đơn vị này đang tổng hợp, tiếp nhận hồ sơ xử lý tài sản sau sáp nhập từ các địa phương báo cáo gửi về. Có nhiều phương án xử lý những trụ sở dôi dư này. Trong đó, phần lớn sẽ được giữ lại tiếp tục sử dụng, điều chuyển cho các cơ quan khác sử dụng hoặc bán lấy nguồn xây dựng…

Trưởng phòng Quản lý giá và công sản cho biết, khó nhất là xử lý những trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập, nhất là những trụ sở ở khu vực miền núi. Phần lớn những trụ sở này đều được xây dựng khang trang nhưng khó có đơn vị mua.

Tác giả: Phú Hưng - Cảnh Huệ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP