Tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Nghệ An ra khơi. Ảnh: THANH YÊN |
Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu (ảnh nhỏ). Ảnh: CHÂU THÀNH |
Hiệu quả ngày càng rõ rệt
Trung tuần tháng 8, trở lại cảng cá Lạch Quèn ở huyện Quỳnh Lưu, chúng tôi chứng kiến cảnh trên bến dưới thuyền, mua bán hải sản diễn ra nhộn nhịp. Nhiều loại hải sản từ trên boong tàu theo dây chuyền trượt xuống được chị em phụ nữ nhẹ nhàng đón, xếp từng chồng cẩn thận, trước khi chuyển lên xe đông lạnh đưa đi tiêu thụ. Tàu nào bán xong hải sản, mọi người liền tranh thủ vá lưới, sửa chữa máy móc, thiết bị và chuẩn bị nhu yếu phẩm, dầu, đá… cho chuyến ra khơi mới.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu Bùi Xuân Trúc khoe: Lâu nay, ngư dân Quỳnh Lưu luôn đi đầu trong việc huy động các nguồn lực để đóng mới, nâng công suất tàu, vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, thay dần tàu nhỏ chuyên đánh vùng lộng. Chỉ tính riêng trong bốn năm nay, bằng vốn tự có, vốn vay mượn và tranh thủ nguồn đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và huyện, ngư dân Quỳnh Lưu đã đóng mới gần 190 tàu xa bờ từ 400 CV trở lên, chưa kể việc hỗ trợ làm hầm PU, lắp máy dò ngang, máy thông tin liên lạc tầm xa... Từ đội thuyền buồm, đến tàu thuyền công suất nhỏ khai thác gần bờ, đến nay, Quỳnh Lưu có gần 700 tàu có công suất từ 90 CV trở lên (chiếm gần 50% toàn tỉnh), với công suất bình quân 270 CV/tàu, tăng gấp ba lần so năm 2008. Trong số 234 tàu có chiều dài hơn 24 m của tỉnh thì Quỳnh Lưu đã có 175 chiếc.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc nâng cao hiệu quả khai thác của đội tàu xa bờ là vấn đề sống còn của ngư dân. Ngư dân Đào Văn Hội ở xã Quỳnh Thuận cho biết: “Hiện ngư dân đều quan tâm đầu tư lắp đặt các loại máy dò cá và máy thông tin tầm xa, tầm gần để phục vụ việc đánh bắt trên biển xa hiệu quả và an toàn hơn”. Chỉ vào thiết bị dò cá hiện đại với giá trị đầu tư hơn một tỷ đồng, ông Hội khoe: “Đầu tư máy này hơi đắt, nhưng nhờ có nó mà hầu như các chuyến đi biển đều duy trì được sản lượng đánh bắt. Đây chính là động lực giúp ngư dân hùn hạp, góp vốn đóng tàu to, máy lớn và lắp các thiết bị hỗ trợ để nghề đánh bắt thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Hoàng Văn Bộ cho biết: Việc lắp đặt các thiết bị khai thác hải sản xa bờ và thiết bị hàng hải là bước phát triển mới trong nghề khai thác hải sản ở Quỳnh Lưu, điều mà cách đây khoảng 10 năm về trước là mơ ước của ngư dân Nghệ An. Nhờ đó, trình độ khai thác thủy sản của ngư dân cũng nâng lên cao hơn trước. Bây giờ, họ biết nhìn luồng cá chạy, được nghe dự báo thời tiết sớm và kịp thời nhất. Đến nay, nhiều trang thiết bị khai thác hiện đại được ngư dân đầu tư, như lắp đặt thiết bị quản lý lưới rê khi hoạt động khai thác trên biển; làm hầm bảo quản lạnh trên tàu cá bằng vật liệu PU; lắp dàn bóng đèn led; hệ thống tời lưới và tời nâng cá từ hầm lên boong tàu... Nhờ đó, góp phần quan trọng trong việc tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm đánh bắt, giảm sức lao động, giảm tai nạn rủi ro trên biển; đồng thời, rút ngắn thời gian hoạt động của một chuyến biển, chi phí giảm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro, nguy hiểm, nhưng nhiều ngư dân vươn khơi khai thác hải sản đã có cuộc sống sung túc hơn. Các làng biển Quỳnh Lập, Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai); Quỳnh Long, Sơn Hải, Tiến Thủy (Quỳnh Lưu)… ngày càng trù phú. Anh Nguyễn Xuân Quang, ở xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) chia sẻ: Trước đây, cũng như bao gia đình khác vùng ven biển này, gia đình anh rất khó khăn, nhà cửa chật chội, phương tiện đánh bắt chỉ là con thuyền nhỏ, quanh quẩn gần bờ, hải sản đánh bắt được chỉ đủ nuôi sống gia đình qua ngày. Năm 2015, nhờ sự chung vốn của một số bạn thuyền, anh mua lại con tàu NA 95757TS, công suất 700 CV và đầu tư dần các máy dò cá, ngư lưới cụ, giám sát hành trình… với tổng giá trị hơn bốn tỷ đồng. Đến nay bình quân mỗi chuyến ra khơi từ bảy đến 12 ngày trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, con tàu dài 22 m đánh bắt được vài tấn hải sản cho doanh thu vài trăm triệu đồng, trừ chi phí, các ngư dân được hưởng từ 7-8 triệu đồng/chuyến biển; không ít chuyến biển được khoảng từ 400-500 triệu đồng. Nhờ đánh bắt hiệu quả hơn, gia đình anh Quang và các cổ đông đã nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư.
Cũng như Quỳnh Lưu, nghề biển đã ăn vào máu thịt từ bao đời của ngư dân Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò. Nhờ tích góp được vốn liếng và kinh nghiệm đánh bắt, ngư dân Nghệ An đã mạnh dạn đóng tàu to, máy lớn để khởi nghiệp. Không chỉ vốn tích góp được, bà con ngư dân còn vay mượn, thế chấp nhà cửa và tài sản có giá trị cùng chính sách hỗ trợ, vốn vay chính sách đóng tàu theo Nghị định 67/CP, Quyết định 87/UBND tỉnh Nghệ An… cho nên đội tàu công suất lớn được nâng lên. Hiện, Nghệ An là một trong những tỉnh có đội tàu xa bờ lớn nhất khu vực và cả nước với hơn 1.300 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên.Trình độ đánh bắt của ngư dân ngày càng nâng cao với các nghề có nhiều kinh nghiệm như lưới rê, vây, chụp… và tự tin sử dụng các thiết bị đánh bắt hiện đại. Đội tàu xa bờ của Nghệ An đã thường xuyên có mặt ở vùng đánh cá chung, vịnh Bắc Bộ, quần đảo Hoàng Sa… Mỗi chuyến đi biển cho doanh thu từ 400 - 600 triệu đồng không còn là chuyện hiếm đối với ngư dân; có chuyến trúng đậm từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng. Sản lượng đánh bắt hải sản ngày một tăng, từ 105 nghìn tấn (năm 2014) lên hơn 143 nghìn tấn (năm 2018); chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng đánh bắt đạt hơn 75,8 nghìn tấn hải sản các loại...
Nỗ lực “gỡ” thẻ vàng
Cũng như các địa phương ven biển khác trên toàn quốc, Nghệ An nỗ lực tuyên truyền, vận động ngư dân nhanh chóng khắc phục những tồn tại trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định khai thác (IUU) để “gỡ” thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC). Phó Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Thủy sản Nghệ An) Cao Huy Nam cho biết: Tỉnh thành lập các đoàn công tác liên ngành phối hợp với chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng tuyến biển, ban quản lý cảng cá để tuyên truyền, vận động cũng như kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc khai thác hải sản đầy đủ, minh bạch. Theo đó, 100% tàu cá rời bến đều được kiểm tra hồ sơ, giấy tờ, như sổ nhật ký khai thác; giấy phép khai thác thủy sản; đăng ký, đăng kiểm tàu; sổ danh bạ thuyền viên; chứng chỉ, văn bằng thuyền, máy trưởng; các trang thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải, ngư lưới cụ. Khi tàu cá cập bến, kiểm tra thực tế sản lượng khai thác; đối chiếu thông tin khai báo về hành trình, vùng biển, ngư trường khai thác... Tổ liên ngành còn hướng dẫn ngư dân hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Để hỗ trợ công tác kiểm tra, kiểm soát, hai tàu kiểm ngư cũng được điều tới các cảng cá tập trung nhiều tàu khai thác hải sản. Chi cục trưởng Thủy sản Nghệ An Nguyễn Chí Lương cho biết: Đến nay toàn bộ 234 tàu có chiều dài hơn 24 m đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để bảo đảm nhắn tin tự động về trạm bờ. Ngoài ra, 1.359 tàu có chiều dài hơn 15 m cũng đã lên phương án chuẩn bị lắp đặt thiết bị giám sát theo quy định.
Tại phòng đăng ký tàu vào cảng tại cảng cá Lạch Quèn, anh Nguyễn Xuân Quang, chủ tàu NA 95757TS cho biết: “Trước đây, chưa hiểu hết về khai thác IUU, chúng tôi khá bức xúc, nghĩ là chính quyền làm khó. Nhưng nay đã hiểu rõ vấn đề, cho nên đã vận động cùng nhau chấp hành nghiêm túc”. Anh Quang cũng mong muốn mọi ngư dân đều chấp hành tốt quy định để EC nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam để tăng giá trị xuất khẩu hải sản mà ngư dân khó nhọc đánh bắt được.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, đội tàu đánh bắt xa bờ Nghệ An hiện vẫn đối mặt với một số khó khăn. Đó là lao động trên biển ngày một thiếu hụt, nhất là lao động có kinh nghiệm; không ít thanh niên ở các làng biển không còn mặn mà với nghề biển. Do vậy, nhiều chủ tàu phải tìm thuê lao động nông nghiệp ở các vùng núi xuống, rồi đào tạo dần nghề đi biển cho họ. Mặt khác, việc đào tạo nghề đi biển chưa được quan tâm đúng mức… Tiếp đến, hầu hết các cửa lạch vào cảng cá ở Nghệ An đều bị bồi lắng, tàu đánh bắt xa bờ có mớn nước sâu đều phải chờ con nước mới ra vào được; khu neo đậu tránh trú bão đang thiếu. Dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu và yếu, hầu như các cảng cá chưa có khu hậu cảng và các nhà máy chế biến hiện đại xứng tầm. Ngành nghề chế biến hải sản vẫn còn đơn lẻ, chủ yếu chế biến thô, như cấp đông, phơi khô, nướng, chế biến nước mắm… để tiêu thụ nội địa, xuất khẩu tiểu ngạch; chế biến hải sản ở các địa phương vùng biển Nghệ An chưa có nhiều thương hiệu mạnh, chưa phát triển như kỳ vọng. Tàu dịch vụ ở Nghệ An không phát huy được tác dụng do thói quen của ngư dân là không muốn bán cá trên biển, không có thói quen bám biển dài ngày. Tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ ở một số địa phương phải nằm bờ do làm ăn không hiệu quả... Đây chính là những bất cập mà cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần quan tâm tháo gỡ để đội tàu xa bờ phát huy được hiệu quả cao hơn.
Tác giả: Thành Châu
Nguồn tin: Báo Nhân dân