Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản giúp nhiều ngư dân đóng tàu to, máy lớn để vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, tại các địa phương phát sinh nhiều bất cập, hàng loạt tàu phải nằm bờ, ngư dân lâm cảnh nợ nần chồng chất.
Ngư dân Trần Văn Mười chủ tàu vỏ thép, mất ăn, mất ngủ vì khoản nợ ngân hàng. |
Hơn 3 tháng nay, con tàu vỏ thép ĐNa 90777-TS, công suất hơn 800CV của ông Trần Văn Mười, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng phải neo đậu tại cảng Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Cách đây 3 năm, ông Mười là ngư dân đầu tiên của thành phố Đà Nẵng được vay 17 tỷ đồng ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ để đóng tàu vỏ thép. Thời gian đầu làm ăn có lãi, ông Mười trả nợ ngân hàng đúng hẹn.
Gần đây, làm ăn trên biển khó khăn, tàu cá nằm bờ, bạn chài bỏ đi tàu khác, ông Mười bị ngân hàng đưa vào danh sách nợ xấu. Nợ cũ, chồng nợ mới, lãi mẹ đẻ lãi con, ông Mười mất ăn, mất ngủ với khoản nợ phải trả ngân hàng mỗi tháng hơn 300 triệu đồng.
“Các chủ tàu sắt nói chung, mình nói riêng rất hoang mang. Bây giờ để tàu ở nhà thì hư hỏng mà đi thì lỗ. Trả gốc không được, trả lãi không được, nợ chồng nợ, các chủ tàu sắt chán nản vì thật sự làm không nổi”, ông Mười chia sẻ.
Nhiều tàu 67 phải nằm bờ do làm ăn thua lỗ. |
Theo nhiều chủ tàu, chi phí mỗi chuyến biển của tàu vỏ thép quá cao. Trong khi đó, thiết kế con tàu lại không phù hợp với ngành nghề khai thác, chi phí bảo dưỡng cao dẫn đến hiệu quả mỗi chuyến biển quá thấp. Ngoài ra, ngư dân gặp nhiều khó khăn như ngư trường đánh bắt bị thu hẹp, giá bán hải sản giảm mạnh so với mọi năm, nhiều chủ tàu đành phải cho tàu nằm bờ.
Bà Nguyễn Thị Phường, chủ tàu vỏ thép, dịch vụ hậu cần nghề cá QNg-96707 ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhiều chủ tàu do chậm trả nợ vay đã bị ngân hàng khởi kiện.
“Bọn tôi làm dịch vụ, người ta không đi thì biết làm dịch vụ ở đâu. Từ ngày ngân hàng khởi kiện đến nay, những chiếc tàu đó đều neo hết. Không có chiếc nào đi biển. Neo bờ toàn bộ”, bà Phường cho hay.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong số 64 tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 thì 11 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite. Hiện đã có 6 tàu vỏ thép và nhiều tàu gỗ công suất lớn phải nằm bờ do làm ăn thua lỗ.
Giá cả bấp bênh, chi phí chuyến biển tăng cao khiến ngư dân thua lỗ. |
Bà Phạm Thị Thúy Kiều, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, hai năm trở lại đây, việc ra khơi đánh bắt của ngư dân không thuận lợi nên ngân hàng khó thu nợ.
“Việc ngân hàng phải thực hiện quyền của mình trong quá trình cho vay, không thu được nợ, ngư dân sẽ như thế nào… Đó là điều rất trăn trở đối với những người làm công tác cho vay như chúng tôi”, bà Kiều nói.
Ông Hồ Trọng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Nghị định 67 được xem là “phao cứu sinh” cho ngư dân. Thế nhưng, tình trạng nợ xấu đang tăng nhanh, cần phải có hướng tháo gỡ giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển.
“Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Quảng Ngãi báo cáo với các bộ, ngành Trung ương cũng như Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều chỉnh vấn đề này cho phù hợp”, ông Phương cho hay./.
Tác giả: Vinh Thông
Nguồn tin: Báo VOV