Tin trong tỉnh

Nghệ An: Người dân khốn khổ vì trang trại lợn trong khu dân cư

Nhiều năm qua, người dân xóm Trung Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) khốn khổ vì mùi hôi thối từ trại lợn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Cuộc sống đảo lộn

Theo phản ánh của người dân xóm Trung Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), suốt nhiều năm qua, trại lợn của hộ ông Nguyễn Tố Định (tạm trú tại xóm Trung Thịnh) rộng hàng nghìn mét vuông, với số lượng đàn từ 450 – 700 con thường xuyên xả thải ra môi trường, làm cho mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến cuộc sống của người dân sống trong xóm bị đảo lộn.

Ao nước thải rộng hàng trăm mét vuông chứa phân thải từ trang trại lợn.

Theo phản ánh của người dân, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại trang trại chăn nuôi lợn xóm Trung Thịnh để ghi nhận thực tế. Cảm nhận đầu tiên là mùi hôi thối nồng nặc trong không khí, dù đứng cách xa khu chăn nuôi cả trăm mét nhưng mùi hôi vẫn rất rõ, bao trùm cả xóm nhỏ. Hệ thống thống nước thải được xả trực tiếp qua đường dân sinh xuống một cái ao rộng hàng trăm mét vuông có màu đen ngòm, đặc sệt.

Ông Nguyễn Văn A. (người dân phản ánh xin được giấu tên) sống ở gần trại lợn thể hiện sự lo lắng cho sức khoẻ của bản thân và gia đình khi phải sống trong bầu không khí hôi thối, ngột ngạt từ trại lợn toả ra. Nói nhiều nhưng thực tế không có chuyển biến, bản thân ông A. phải chịu cảnh "sống chung với lũ". "Những hôm nước thải ra nhiều thì kinh khủng lắm, mùi hôi thối không thể thở được. Đến bữa cơm sắp lên rồi mà không muốn ăn, cửa có đóng kín đến mấy cũng không ngăn nổi mùi xốc vào nhà", ông A. bức xúc.

Hệ thống trại lợn của ông Nguyễn Tố Định xả thải ra môi trường.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành cho biết, năm 2020, xã đã lập biên bản và xử phạt trại lợn này vì đã có hành vi vi phạm hành chính đối với việc trang trại chăn nuôi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.

Năm 2021, xã đã làm báo cáo gửi lên UBND huyện Yên Thành và các phòng liên quan để xử lý dứt điểm tình trạng trên. Mùi hôi thối thì giờ đỡ hơn nhiều so với trước đây do số lượng đàn giảm.

Trước đó, sau khi kiểm tra trang trại chăn nuôi lợn của ông Định, UBND xã Thịnh Thành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mức phạt 3 tiệu đồng trong lĩnh vực môi trường số 24/QĐ-CT-UBND, ngày 08/5/2020 vì đã có hành vi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định. Được biết trang trại nuôi lợn của ông Định xây dựng vào năm 2013, trên diện tích đất vườn 900 m2 và 990 m2 đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.

Xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Năm 2010, gia đình ông Nguyễn Khánh Duệ, xóm Trung Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, (là bố vợ của ông Nguyễn Tố Định) làm đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 1.680 m2 (trong đó: đất 2 lúa 500 m2, đất màu 600 m2, đất 1 lúa 580 m2) sang nuôi trồng thủy sản. Năm 2012 ông Duệ tiến hành múc ao nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia cầm trên diện tích 1.680 m2 mà UBND xã Thịnh Thành thời đó cho chuyển đổi.

Vào năm 2013, ông Nguyễn Tố Định đã xây dựng trang trại chăn nuôi lợn trên diện tích đất vườn của gia đình khoảng 900 m2 và 990 m2 đất nông nghiệp. Tiếp đó, năm 2017, ông Nguyễn Tố Định lại tự ý xây thêm chuồng trại trên diện tích đất nông nghiệp của ông Nguyễn Khánh Duệ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, UBND xã Thịnh Thành đã lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính việc đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng và yêu gia đình phải trả lại nguyên hiện trạng.

Biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai và vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Ngày 28/4/2020, UBND xã Thịnh Thành đã thành lập đoàn về kiển tra trang trại này. Qua kiểm tra trang trại có tổng diện tích 9.400 m2, trong đó diện tích đất vườn là 900 m2; đất nông nghiệp 8.500 m2 với quy mô chuồng trại 700 m2, kho 300 m2, nuôi trồng thủy sản 7.500 m2; số lượng đàn lợn 753 con.

Mặc dù đã bị lập biên bản vì tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước đó, ngày 27/8/2020, ông Nguyễn Tố Định tiếp tục tự ý chuyển mục đích sử dụng đất cây trồng hàng năm vào mục đích sử dụng khác trên thửa đất của ông Nguyễn Văn Kỳ (xóm Trung Thịnh) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nên UBND xã Thịnh Thành đã lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính về việc tự ý chuyển mục đích sử dụng, yêu cầu gia đình ông Kỳ trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.

Trang trại lợn rộng hàng nghìn mét vuông xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo báo cáo số 28/BC-UBND, ngày 07/6/2021 của UBND xã Thịnh Thành gửi UBND huyện Yên Thành; Phòng Tài nguyên và Môi Trường; Phòng Nông nghiệp thì ông Nguyễn Tố Định không chấp hành các quy định của pháp luật về luật đất đai, luật chăn nuôi, luật môi trường. UBND xã đã tiến hành đình chỉ, xử lý vi phạm và giao cho gia đình phải trả lại nguyên hiện trạng như trước khi chưa vi phạm. Tuy nhiên, ông Định không chấp hành trả lại nguyên hiện trạng như ban đầu, chưa thực hiện kết luận của buổi làm việc ngày 28/4/2020 và tiếp tục chăn nuôi với quy mô lớn đã làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đặc biệt khu vực này gần khu dân cư và không nằm trong quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tập trung của xã.

Trao đổi với phóng viên, ông Thái Hữu An – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành cho biết, đơn vị sẽ cho kiểm tra lại, nếu đúng sử dụng đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích là sai và sẽ xử lý theo quy định. Chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể và trả lời sau.

Điều đáng nói là tình trạng xây dựng trang trại lợn trái phép và xả thải trực tiếp ra môi trường đã diễn ra nhiều năm qua, làm cuộc sống của người dân xung quanh bị đảo lộn, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Mong rằng chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, trả lại bầu không khí trong lành cho người dân xóm Trung Thịnh.

Theo quy định, nước thải chăn nuôi phát sinh từ chuồng trại chăn nuôi (khoảng 46m3/ngày đêm) thu gom cùng với chất thải chăn nuôi (khoảng 7,56 tấn/ngày) được đi qua mương dẫn đến bể thu gom, từ bể thu gom tiến hành bơm, ép tách phân (bằng máy tách phân).

Nước thải sau khi đã tách phân được xử lý qua nhiều bể khác nhau rồi mới đưa ra hồ lắng, hồ sinh học, bãi lọc ngập nước, hồ sinh học kết hợp thực vật thả nổi, bể khử trùng rồi mới đưa ra nguồn tiếp nhận.

Tác giả: Nguyễn Công

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP