Tin trong tỉnh

Nghệ An: Nhập nhằng xung quanh việc đền bù tại thủy điện Chi Khê

Hàng chục hộ dân bản Boong, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) kêu trời vì đất sản xuất của gia đình đang ngày ngày bị “hà bá” nuốt. Họ cho rằng nguyên nhân do thủy điện Chi Khê gây ra.

Dân bản kêu cứu vì “hà bá” nuốt đất

Người dân bản Boong, xã Lạng Khê (huyện Con Cuông) phản ánh với An ninh Tiền tệ rằng, thời gian qua đất sản xuất có bìa đỏ của người dân bị nước sông Cả gây ngập và sạt lở. Số hộ dân bị ảnh hưởng là hàng chục hộ.

Trong đó, có một số hộ bị nước sông "nuốt" hoàn toàn diện tích đất sản xuất. Điều đáng nói, khu vực đất bị sạt lở của người dân bản Boong đều nằm vào lưu vực lòng hồ thủy điện Chi Khê.

Bên cạnh đó, người dân bản Boong cũng cho biết đang có rất nhiều băn khoăn liên quan đến việc đền bù của thủy điện Chi Khê.

Đơn kêu cứu của người dân bản Boong, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông

Ông Vi Đình Tiến (SN 1948), trú tại bản Boong bức xúc, gia đình ông có hơn 400m2 đất có bìa đỏ tại khu vực bãi ngô dùng để trồng ngô, trồng mía. Năm 2018, cơn lũ lịch sử đã cuốn mất 1 phần, sau đó nước từ lòng hồ thủy điện dần lẫn vào gây sạt lở và nuốt chửng phần đất còn lại.

"Đến nay thửa đất ở khu vực bãi ngô của gia đình tôi đã bị mất hoàn toàn", ông Tiến nói.

Cùng cảnh với ông Tiến, ông Kha Văn Thiến (SN 1938) cũng cho hay, trong bìa đỏ được nhà nước cấp năm 2017 của gia đình ông có nhiều thửa đất. Trong số đó có hơn 500m2 ở khu vực Bãi Ngô, giáp bờ sông Cả. Hàng năm, gia đình ông trồng ngô, trồng cỏ, trồng mía. Phía ngoài bờ sông ông trồng cây keo để giữ đất chống sói mòn và sạt lở. Số cây keo đã lớn chừng một người ôm không xuể. Năm 2018, lũ đổ về gây sạt lở và trôi nhiều hoa màu, cây cối của gia đình ông. Diện tích đất còn lại đang ngày ngày bị sạt lở do nước của lòng hồ thủy điện Chi Khê dâng cao.

"Đất ở bãi ngô là giống đất pha cát, nền đất yếu. Khi nước ngấm vào gây sạt lở là điều tất yếu. Tôi sống chừng này tuổi, chứng kiến bao nhiêu là cơn lũ, nhưng lũ đi sẽ để lại đất phù sa. Không như bây giờ, ngày ngày phải chứng kiến đất bị sạt lở mà ko biết phải làm sao", ông Thiến buồn nói.

Khu vực Bãi Ngô, nơi người dân phản ánh nhiều diện tích đất bị “hà bá” nuốt chửng.

"Có thủy điện khiến mùa nào cũng là mùa lũ"

Tìm hiểu được biết, hiện nay, hơn 20 hộ dân của bản Boong có đất ở khu vực Bãi Ngô nằm giáp lòng hồ thủy điện Chi Khê đã và đang bị sạt lở. Nước từ lòng hồ thủy điện đang thấm vào tạo nên nhiều vết sạt hàm ếch tại khu đất sản xuất của các hộ dân bản Boong.

Trong quá trình giải phóng mặt bằng, phía thủy điện có cắm mốc, tuy nhiên, đến nay tại khu vực bãi Ngô, những chiếc mốc đó đã bị nước cuốn trôi???

Cũng theo những người dân bản Boong cho hay, người dân chưa hề được nhận một khoảng tiền đền bù nào từ diện tích đất bị nước của lòng hồ thủy điện Chi Khê "nuốt".

Khu vực Bãi Ngô, nơi người dân phản ánh nhiều diện tích đất bị “hà bá” nuốt chửng.

Anh Lô Văn Hùng, Trưởng bản bản Boong cho biết, gia đình anh cũng có gần 600m2 đất có bìa đỏ tại khu vực Bãi Ngô, đến nay chỉ còn khoảng 200m2.

Theo anh Hùng thì khu vực nói trên gia đình anh sử dụng vào việc trồng mía nhưng cơn lũ 2018 và khi thủy điện ngăn nước đã gây sạt lở. Đất ở Bãi Ngô là đất bìa 164, thuộc đất sản xuất của người dân.

Trước đây chưa có thủy điện, khu vực trên vẫn có sạt lở nhưng không đến nỗi hệ trọng. Sau khi lũ rút, phù sa được bồi đắp và tăng độ phì nhiêu cho đất tại khu vực đó. Từ ngày có thủy điện, tình trạng sạt lở càng trở nên nghiêm trọng.

"Năm 2018, nhiều hoa màu trên đất đã bị lũ cuốn trôi. Phía xã, huyện cũng đã làm đơn gửi xuống tỉnh. Tỉnh cho đoàn lên kiểm tra và có kết luận là do thiên tai, không phải do thủy điện gây ra", anh Hùng nói.

Những vết nứt và sạt lở đang hiện hữu

Người dân khác chua xót: "Nếu như không có thủy điện, nước sông chỉ khoảng 1m đến 1,5m, vào mùa lũ, nước sông cũng chỉ khoảng 3m đến 7m nước. Cách xa phần đất của chúng tôi cả chục mét. Giờ thủy điện dâng lên cao, cộng với nước lũ khiến cho đất lở, hoa màu bị cuốn trôi là điều đương nhiên. Có thủy điện khiến mùa nào cũng là mùa lũ. Cuộc sống của chúng tôi nơm nớp như thuyền đi trong dông bão".

Trao đổi với phóng viên, bà Lô Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Lạng Khê thừa nhận, khi thủy điện Chi Khê tích nước theo cao trình 38, có một số diện tích nằm ngoài cao trình nhưng vẫn bị ngập, một số diện tích đất chưa được đo đạc, kiểm tra ở phần đất của các hộ dân.
"Vừa rồi huyện mới có văn bản chỉ đạo 3 xã nằm trong lưu vực bị ảnh hưởng của lòng hồ tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người dân để gửi lên huyện", bà Thủy nói.

An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Quân Cơ

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP