Tin trong tỉnh

Nghệ An: Nỗi lo ở một xã vùng cao

Đó là nỗi lo về mức độ lây nhiễm HIV và cách ngăn chặn căn bệnh này ở một xã nghèo vùng cao với gần 400 người mắc bệnh. Đó là xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Trạm Y tế xã Tiền Phong. Ảnh: Vũ Đồng

Xã có gần 400 người nhiễm HIV

Y sĩ Lương Thị Kiên - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiền Phong cho biết, người dân trong xã bị HIV từ nhiều năm trước. Xã đông dân (10.997 người) nên người bị HIV cũng đông nhất huyện. Hiện tại, trừ 32 người đã chết thì còn lại 368 người nhiễm HIV.

Theo y sĩ Lương Thị Kiên, trong số những người nhiễm HIV có nhiều hoàn cảnh thương tâm nhưng cũng chỉ biết cầu cứu những liều thuốc do Trung tâm Y tế huyện cấp phát mỗi tháng một lần. Chị C.T.M (18 tuổi) có chồng là L.V.T (19 tuổi, trú ở bản Na Nhắng) cưới nhau xong vẫn không biết mình nhiễm HIV. Họ chỉ biết mình mang căn bệnh nguy hiểm khi được tình nguyện viên đồng đẳng vận động đi khám.

Hay như vợ chồng chị L.T.T (ở địa phương, làm nghề hái măng rừng) sinh sống tạm bợ trong một căn nhà như túp lều ở bản Na Bón cũng bị nhiễm HIV. Hiện người chồng chết đã 4 năm để lại vợ trẻ và đứa con thơ sống trong nỗi sợ HIV dày vò suốt ngày đêm. Y sĩ Kiên kể: “Có đi xuống các bản giám sát dịch bệnh kết hợp truyên truyền cách phòng chống HIV mới biết nhiều cảnh ngộ chua xót khi chồng bị bệnh chết, vợ bỏ nhà, mang bệnh căn bệnh thế kỷ đi lấy chồng khác. Có cảnh vợ bị HIV chết, chồng cũng bị bệnh do nghiện mà giờ còn nghiện nặng hơn”.

Đáng thương nhất vẫn là trường hợp của gia đình chị H.T.T (25 tuổi). Lúc chị chuẩn bị sinh, đi khám thì phát hiện mình bị nhiễm HIV. Đau lòng hơn, khi xét nghiệm thì thai nhi song sinh cũng bị nhiễm HIV từ mẹ.

Những trăn trở

Y sĩ Lương Thị Kiên đang thống kê người nhiễm HIV ở 25 bản của xã Tiền Phòng.

Khi chúng tôi đề cập tới công tác phòng chống HIV ở 25 bản của xã, y sĩ Lương Thị Kiên cho biết, mỗi tháng Trạm Y tế xã xuống bản một lần để giám sát dịch bệnh, kết hợp truyên truyền. Trạm có 6 y sĩ chăm lo việc này.

Ngoài ra Trung tâm Y tế huyện có một đội xét nghiệm lưu động. Khi địa bàn nào phát dịch thì đội này cơ động đến ngay để xét nghiệm và hướng dẫn người bị HIV về Trung tâm nhận thuốc điều trị hàng tháng tại nhà. Ai bị nặng thì điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong. Còn lịch thường kì là 2 tháng một lần đội xét nghiệm này lần lượt đi về các xã. Lúc đó, Trạm Y tế xã mời những người nhiễm HIV hoặc nghi nhiễm đến khám.

Điều chúng tôi quan tâm cụ thể hơn nữa là đội ngũ những tình nguyện viên đồng đẳng tại xã hoạt động như thế nào, y sĩ Kiên cho biết: “Tôi mới chuyển về đây nên chưa khôi phục được mảng công việc này. Mấy năm trước, xã có 2 phụ nữ là đồng đẳng viên. Hai chị làm rất nhiệt tình nên phát hiện được nhiều ca bệnh ẩn náu trong các bản xa và đưa họ đi khám. Hai chị cũng đã giúp dân bản ở một số bản xóa bỏ được mặc cảm, kì thị để không che dấu bệnh tình của mình”.

Theo y sĩ Kiên, công việc phòng chống HIV chưa giảm nghĩa là những cán bộ y tế còn đó những trăn trở, lo toan. Hiện người dân ở bản sâu, bản xa trung tâm xã, huyện rất dễ bị “bóng ma” HIV bao phủ. Họ chưa có những kỹ năng phòng tránh nên rất dễ làm lây nhiễm cho người thân. “Chúng tôi đang đề nghị Trung tâm Y tế huyện và cơ quan chức năng có nhiều biện pháp hữu hiệu, thực tế hơn nữa mới mong góp phần ngăn chặn vũng xoáy HIV ở xã Tiền Phong”, y sĩ Kiên nói.

Trong khi đó, trò chuyện với phóng viên, BS Lang Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phòng cho biết: “Hiện huyện có hơn 1.000 người nhiễm HIV. Trong đó có 460 người đã chết, hơn 200 người đi làm ăn xa. Đa số còn lại đang được Trung tâm Y tế huyện cấp phát thuốc thường xuyên. Trong số này, có 30 - 40 người do mặc cảm nên đi nhận thuốc tại các trung tâm y tế của một số huyện khác, hoặc ở Trung tâm Phòng chống AIDS của tỉnh”.

Tác giả: Vũ Đồng

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

  Từ khóa: quế phong , nhiễm HIV , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP