Ghi nhận tại các tuyến phố chuyên buôn bán hoa, cây cảnh phục vụ người dân chơi Tết ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An như: Lê Mao, Đào Tấn, Lê Lợi... vào ngày 29, 30 Tết, mai, đào, quất vẫn tràn ngập khắp nơi.
Dù đã cận kề giao thừa, thế nhưng lượng khách đi mua sắm vẫn rất thưa thớt. Để "xả hàng", thậm chí bán lỗ vốn để vớt vát ít tiền vốn đầu tư, nhiều tiểu thương đã trưng biển giảm giá đồng loạt, mong sớm bán hết hàng để về đón Tết, nhưng người mua cũng không mấy mặn mà.
Quất đào ngày 29, 30 Tết giảm giá sâu nhưng khách hàng không mặn mà. |
Ngồi co ro giữa những hàng đào, anh Nguyễn Như Mạnh (quê huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, anh nhập hơn 100 gốc đào Nhật Tân về thành phố Vinh phục vụ khách mua dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, thời điểm này, dù đã là 29 tháng Chạp nhưng anh Mạnh còn hơn 70 gốc đào.
"Năm nay đào bán chậm lắm, ngày chỉ được vài ba gốc. Tết rồi mà chỉ có chủ và phụ "trông" nhau, khách đến hỏi cũng không có thì nói gì bán", anh Mạnh nói.
Tết đã cận kề mà đào còn tồn nhiều, anh Mạnh quyết định bán xả hàng, chấp nhận lỗ để mong thu hồi ít vốn. Những ngày trước, mỗi gốc đào có giá trung bình 1,5 triệu đồng, thì nay giảm còn 600 nghìn đồng/gốc. Tuy nhiên, ngay cả khi treo biển xả lỗ đồng giá thì điểm bán đào của anh Mạnh cũng chỉ thưa thớt vài khách vào xem.
Cùng tình cảnh ế ẩm với anh Mạnh, anh Đặng Thanh Nam (43 tuổi, trú tại tỉnh Hưng Yên) cho biết, năm nay, anh mang hơn 300 cây quất vào thành phố Vinh bán Tết từ ngày 24 tháng Chạp. Sức mua kém, đến đêm 29 tháng Chạp, anh Nam vẫn còn khoảng 200 cây quất.
"Chưa năm nào, quất lại ế như năm nay. Bỏ ra 160 triệu đồng buôn quất mà đến nay mới chỉ bán được hơn 50 triệu đồng. Có ngày chỉ bán được 1 - 2 cây. Dù đã hạ giá nhưng sức mua vẫn rất kém. Tôi sẽ bán đến 8 giờ tối 30 mới bắt xe về Hưng Yên ăn Tết. Về đến nhà cũng đã là 2 - 3 giờ sáng, không kịp đón giao thừa…", anh Nam bộc bạch.
Nhiều tiểu thương quyết tâm bán quất, đào đến giao thừa để gỡ vốn. |
Anh Lê Khắc Dương, ở xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thì chỉ vào mấy chục cây quất thế ở vệ đường 3/2 (thành phố Vinh) cho biết: Nếu bán được hết chỗ này thì hoàn vốn. Nhưng từ sáng đến giờ, mới chỉ bán được 2 cây.
"Cách đây vài năm, tôi cũng mang vài trăm cây quất ra khu vực này bán và lãi đủ kiếm cái Tết. Năm nay, do lần đầu chơi loại quất thế này, nên không tiêu thụ được. Tôi dự định cố bán đến trưa 30, dù lỗ, lãi thế nào thì cũng về quê lo Tết cho vợ, con", anh Dương cho hay.
Những chậu mai xác xơ trong trời mưa rét. |
Không chỉ đào, quất, năm nay các hàng bán mai Tết cũng cùng chung cảnh ngộ khi đã 30 Tết mà số lượng cây bán ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đứng giữa trời mưa phùn rét buốt, anh Nguyễn Minh Nhật (trú tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) chán nản cho biết, 3 năm nay anh đều theo bạn người Nghệ An về thành phố Vinh buôn mai.
Tuy nhiên, khác với những năm trước, năm nay mai bán rất chậm, một phần do thời tiết Nghệ An chuyển mưa rét khiến mai không được đẹp như ban đầu, một phần là do người dân không còn mạnh tay chi tiền như trước.
Anh và bạn vận chuyển ra thành phố Vinh gần 300 gốc mai, đến nay chưa bán được một nửa. Những ngày trước đó các gốc mai có giá khoảng 2 - 5 triệu đồng, đến nay hạ giá còn 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy gốc, nhưng vẫn không ai mua.
"Với tình hình ế ẩm như thế này chắc tôi phải bán đến tận giao thừa. Được thêm đồng nào, vớt vát đồng nấy, nếu nghỉ sớm quá thì không đủ tiền chi phí đi lại chứ đừng nói là có lãi", anh Nhật ngậm ngùi.
Tác giả: L.T
Nguồn tin: laodongthudo.vn