Ngoài sáp nhập các trường học theo chiều ngang thì việc sáp nhập các trường học theo chiều dọc, nghĩa là nhiều cấp học trong một trường để giảm đầu mối ĐVSNCL cũng đang là một định hướng của ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Minh Chi |
Theo tổng hợp từ UBND tỉnh, toàn tỉnh có 1.890 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), với 6.612 đầu mối phòng, ban trực thuộc và tương đương (chưa tính đầu mối là các tổ, bộ phận của các trường).
Trong đó, phân theo thẩm quyền quản lý cấp tỉnh có 194 ĐVSNCL và cấp huyện là 1.696 ĐVSNCL.
Phân theo lĩnh vực thì lĩnh vực giáo dục - đào tạo có số lượng ĐVSNCL lớn nhất, với 1.552 đơn vị, chiếm 82,1%; tiếp đến là lĩnh vực y tế 73 đơn vị; văn hóa, thể thao và du lịch 39 đơn vị; thông tin - truyền thông và báo chí 27 đơn vị; khoa học và công nghệ 4 đơn vị; dạy nghề 17 đơn vị; kinh tế và các lĩnh vực khác 178 đơn vị (trong đó có 30 ban quản lý các dự án và 4 đơn vị quỹ cấp tỉnh).
Tổng số công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp tính tại thời điểm năm 2015 là 62.120 người và hiện tại là 57.013 người.
Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - Môi trường Nghệ An là ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên. Đây cũng là giải pháp đề giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Ảnh: Minh Chi |
Trong tổng số 1.890 ĐVSNCL có 1 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP; 87 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 1.096 đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động; 706 đơn vị do ngân sách đảm bảo chi phí hoạt động 100%.
Tính từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 22 ĐVSNCL và 21 ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên, Nhà nước không cấp ngân sách cho 4.334 công chức, viên chức, đồng nghĩa với số biên chế được giảm trong vòng 3 năm qua.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08/NQ-CP và Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành hai Kế hoạch số 284/KH-UBND và Kế hoạch số 285/KH-UBND ngày 3/5/2018.
Theo đó, các chỉ tiêu được đưa ra cụ thể: đến năm 2021, toàn tỉnh sẽ giảm tổi thiểu 10% ĐVSNCL, tương đương 189 đơn vị (trong 3 năm) và 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015, tương đương 6.212 người.
Và đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% ĐVSNCL so với năm 2021, tương đương 170 đơn vị; giảm 10% biên chế sự nghiệp so với năm 2021, tương đương 5.590 người.
Cán bộ khuyến nông huyện Con Cuông hướng dẫn nông dân trồng dưa Mỹ. Ảnh tư liệu |
Cũng theo Kế hoạch của UBND tỉnh, trong vòng 3 năm (2018 - 2021) phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính và 20% đến năm 2025. Mặt khác, đến năm 2021 phấn đấu hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ bệnh viện và trường học) để đến năm 2025 có 100% đơn vị chuyển đổi.
Cũng theo các Kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2030 chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý Nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; phấn đấu giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách so với năm 2025, tương đương 5.031 người.
Như vậy, tổng cả giai đoạn từ 2018 đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu giảm tối thiểu 359 ĐVSNCL và 16.833 biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Tác giả: Minh Chi
Nguồn tin: Báo Nghệ An