Kinh tế

Nghệ An thu hút trên 50.000 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Là lĩnh vực rất khó thu hút đầu tư, nhưng những năm gần đây, nhờ các giải pháp hợp lý, Nghệ An là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo những ”cú hích” quan trọng trong phát triển lĩnh vực này.

Nỗ lực thu hút đầu tư

Trong cuộc làm việc mới đây với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã nêu rõ: Dù có những giai đọan khó khăn nhưng cây cao su vẫn luôn chứng tỏ được hiệu quả kinh tế, và Nghệ An luôn xác định đây là một trong những loại cây trồng chủ lực cần ưu tiên của tỉnh, cả trong phát triển kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện Nghệ An mới có khoảng 11.000 ha cao su, trong khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đến năm 2020 toàn tỉnh đạt 17.000 ha cao su. Vì vậy, thời gian tới việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh, Công ty CP ĐTPT cao su Nghệ An vẫn là đơn vị chủ lực và về phía địa phương sẽ có những giải pháp hợp lý để tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng để Công ty thực hiện dự án trồng 8.947 ha cao su theo quy hoạch của UBND tỉnh gắn với xây dựng nhà máy chế biến.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan sản phẩm của Tập đoàn TH tại triển lãm sản phẩm nông nghiệp nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông của Chính phủ. Ảnh: PV

Được đánh giá là một doanh nghiệp góp phần làm thay đổi căn bản tư duy sản xuất cũng như diện mạo nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Tập đoàn TH đã là doanh nghiệp đi tiên phong trong đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với dự án chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao có quy mô đầu tư 1,2 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động, trong đó có 2.000 địa phương, kích thích tăng trưởng kinh tế khi tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn.

Năm 2015, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác nhận trang trại lập kỷ lục “Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn nhất châu Á”. Trang trại cũng 2 lần nhận giải thưởng Trang trại tốt nhất Việt Nam năm 2016 và năm 2018. Đây cũng là mô hình chăn nuôi đầu tiên ở Việt Nam chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tiên phong triển khai công nghệ 4.0 trong chăn nuôi bò sữa với việc tích hợp công nghệ số, tự động hóa.

Sau thành công của dự án, TH tiếp tục đi vào các lĩnh vực khác như sản xuất rau, củ, quả sạch, nước tinh khiết…

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thăm vườn cây cao su của Công ty CP ĐTPT Cao su Nghệ An tại xã Thanh Đức (Thanh Chương). Ảnh: Phú Hương

Đó chỉ là 2 trong số những dự án đầu tư vào nông nghiệp mà Nghệ An thu hút được trong thời gian qua. Rủi ro, khó đầu tư nhưng lĩnh vực này đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nắm bắt xu thế này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, tăng cường xúc tiến thu hút, khai thác tối đa nguồn vốn đầu tư khác nhau.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Hoàng Nghĩa Hiếu chia sẻ: Xác định sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là bước đi tất yếu để có thể thay đổi diện mạo và tư duy sản xuất, Nghệ An đã tập trung dồn điền, đổi thửa, tạo các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, đường nguyên liệu… được đầu tư xây dựng, nâng cấp.

Cây cao su ở Thanh Đức, Thanh Chương của Công ty CP ĐTPT Cao su Nghệ An đã cho thu hoạch từ tháng 7/2018. Ảnh: Phú Hương

Tỉnh cũng có nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý hiệu quả để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân tham gia vào các dự án. Đặc biệt, chọn lựa lĩnh vực đầu tư, quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu phù hợp điều kiện từng vùng đất, hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung để kêu gọi được nhiều dự án đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến sản phẩm.

Thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp

Những nỗ lực đó đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Số dự án đầu tư vào nông nghiệp đã tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng. Những tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp có tiềm lực với những dự án có số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD đã được triển khai, đem lại diện mạo mới, tư duy sản xuất mới cho lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hình thành nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng với quy mô lớn, giá trị cao.

Nhiều vùng nguyên liệu mía đã được xây dựng gắn với chế biến, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Minh Thái

Ngoài các dự án của TH, mía đường, còn có dự án trồng và chế biến chè chất lượng cao, dự án sản xuất bơ ở Nghĩa Đàn, Nhà máy chế biến gỗ MDF tại Nghệ An của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt. Từ năm 2016 - 2018 Nghệ An đã kêu gọi đầu tư được 54 dự án với tổng mức đầu tư 50.482,782 tỷ đồng; trong đó riêng năm 2018 có 11 dự án với tổng mức đầu tư 587,55 tỷ đồng.

Đầu tư sản xuất rau sạch thủy canh ở xã Nghi Liên, TP Vinh. Ảnh: Phú Hương

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu đang là doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản còn ở mức hạn chế.

“Giai đoạn 2017 - 2020 chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các nguồn vốn để triển khai các dự án thủy lợi, đường giao thông nguyên liệu quan trọng. Có định hướng cho từng lĩnh vực cụ thể, tập trung vào một số dự án cụ thể như: Thu hút xây dựng Nhà máy sản xuất chè túi hòa tan chất lượng cao; Chăn nuôi và chế biến thịt bò; Nhà máy chế biến sản phẩm từ lạc; Trồng và chế biến dứa; Phát triển cây dược liệu và nhà máy chế biến dược liệu. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, sẽ thu hút dự án đầu tư nhà máy chế biến và sản xuất các loại đồ gỗ nội thất xuất khẩu; chế biến ván nhân tạo từ tre, nứa, mét...”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu chia sẻ thêm.

Tác giả: Phú Hương

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP