Tin trong tỉnh

Nghệ An: Thu ngân sách 7 tháng năm 2024 đạt 13.456 tỷ đồng

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Nghệ An tháng 7 ước thực hiện 1.300,5 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng ước thực hiện 13.456 tỷ đồng, đạt 84,6% dự toán và tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Ghi nhận nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo trong cuộc họp thường kỳ tháng 7, bức tranh về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 7 ước thực hiện 1.300,5 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng ước thực hiện 13.456 tỷ đồng, đạt 84,6% dự toán và tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tăng 11,04% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng, ước tăng 10,16%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,51%.

Ước trong tháng 7, lượng khách du lịch đạt 1,4 triệu lượt, trong đó khách lưu trú đạt 950.000 lượt, khách quốc tế đạt 15.000 lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 5.039 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch 1.975 tỷ đồng.

Quang cảnh cuộc họp thường kỳ tháng 7. Ảnh Kim Oanh.


Trong tháng 7 đã cấp mới 8 dự án, điều chỉnh cho 5 lượt dự án, với tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 6.105,6 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 22/7, đã cấp mới 48 dự án, điều chỉnh 90 lượt dự án, với tổng số vốn 23.759,2 tỷ đồng, bằng 96,77% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính đến ngày 20/7, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân 3.800,891 tỷ đồng, đạt 41,88% (cao hơn so với cùng kỳ 36,43%).

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, trong tháng 7 đã tổ chức tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7)… Chuẩn bị tốt các nội dung trình Kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh thông qua 22/22 Nghị quyết do UBND tỉnh trình. Hoàn thành các nội dung trọng tâm mà thời gian qua tỉnh đã kiên trì thực hiện: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 625/QĐ-TTg ngày 11/7/2024 về thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong tháng 7, trên địa bàn một số địa phương xảy ra mưa với lưu lượng khá lớn gây tình trạng sạt lở. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ giải ngân một số nguồn vốn còn chậm...

Nhiệm vụ để tiếp tục giữ đà phát triển

Nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 8, ông Lê Hồng Vinh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai công việc đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra; chủ động rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực.

Các đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh P.B.


Các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu kế hoạch thực hiện Nghị quyết 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Sở Nội vụ chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ Đề án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Vinh và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 để trình Chính phủ trước ngày 30/9/2024, chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới.

Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kết luận cuộc họp. Ảnh P.B.


Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đôn đốc, phối hợp với UBND huyện Diễn Châu, UBND thị xã Hoàng Mai và đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao đất cho các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm tốt công tác GPMB để bàn giao mặt bằng kịp thời cho các đơn vị thi công, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các Chương trình MTQG. Sở Tài chính tham mưu thực hiện nghiêm yêu cầu tiết kiệm chi 5% chi thường xuyên năm 2024; kiên quyết cắt giảm các khoản dự toán chi thường xuyên đã giao nhưng đến ngày 30/6/2024 chưa phân bổ theo đúng Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05/6/2024. Tham mưu chuẩn bị làm việc với Bộ Tài chính về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2025.

Sở KH&ĐT tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng giải ngân, tham mưu phương án điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định, nhất là các dự án trọng điểm,…

Tác giả: Hà Thị Hằng

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP