Tin trong tỉnh

Nghệ An: Thực hiện đề án 'Điều tra hiện trạng, lập danh mục hồ, ao không được san lấp'

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An vừa phối hợp các đơn vị địa phương thực hiện điều tra khảo sát, xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại hồ, ao để làm cơ sở đề xuất danh mục hồ ao không được san lấp.

Thực hiện Quyết định số 3850/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt đề cương đề án “Điều tra hiện trạng, lập danh mục hồ, ao không được san lấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An” và Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 07 tháng 06 năm 2023 của sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND 21 huyện, thị xã và UBND các xã, các tổ chức vận hành, quản lý ao hồ trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện các công việc điều tra, khảo sát, xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại hồ, ao để làm cơ sở đề xuất danh mục hồ ao không được san lấp.

Hồ điều hòa ở TP. Vinh. Ảnh minh họa

Tỉnh Nghệ An có diện tích lớn nhất cả nước, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến công tác điều tra thực địa, do đó thời gian thực địa kéo dài hơn so với kế hoạch. Đến nay, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã cơ bản hoàn thành công tác ngoại nghiệp (lộ trình điều tra tổng hợp theo các tuyến ao, hồ, đầm đã xác định để quan sát, mô tả, chụp ảnh, sơ họa, khoanh vùng, thu thập thông tin, dữ liệu về đặc điểm ao, hồ, đầm; xác định tên, phạm vi hành chính, vị trí tọa độ của hồ, ao, đầm; độ rộng, độ sâu hồ, ao).

Đối với công tác nội nghiệp, hiện tại đang trong quá trình tổng hợp, chỉnh lý, xử lý thông tin, dữ liệu thu thập và kết quả điều tra thực địa theo các nội dung điều tra, khảo sát, lập bản đồ vị trí hồ, ao không được san lấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tỷ lệ 1:50.000 (hệ tọa độ VN2000, múi chiếu 3045’).

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn; xây dựng quy định quản lý, khai thác, sử dụng đối với các hồ, ao, đầm có giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp cũng là cơ sở để bảo vệ “lá phổi xanh”, nhất là trong bối cảnh thời gian qua ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường...

Tác giả: Tuấn Quỳnh

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP